Thị trường thức ăn chăn nuôi: Cuộc cạnh tranh không cân sức

17:01 | 11/05/2012

Với tiềm năng và thế mạnh của mình, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) và DN liên doanh chiếm trên dưới 60% thị phần thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ở Việt Nam. Điều này chứng tỏ một thực tế, thị trường TĂCN đang bị "thâu tóm" bởi các đại gia nước ngoài.

Nội "nhăn nhó"

Trong định hướng phát triển ngành chăn nuôi và chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến 2015 và định hướng đến 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra dự báo đến 2015, nhu cầu sử dụng TĂCN lên tới 18-20 triệu tấn và đến năm 2020 là 25-26 triệu tấn. Như vậy có thể nói, thị trường TĂCN thực sự là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên miếng bánh ngon này dường như không dành phần nhiều cho các nhà đầu tư nội. Thậm chí từ năm 2011, số DN hoạt động trong lĩnh vực này phá sản không ngừng tăng lên. Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty Sản xuất TĂCN Thành Lợi (Bình Dương) cho biết, do ảnh hưởng của thông tin chất tạo nạc nên lượng TĂCN bán ra trong quý I của công ty giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà này, những tháng tới công ty sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, là một trong những đơn vị chăn nuôi lớn, mỗi tháng Công ty TNHH Bình An (Yên Bái) bỏ ra khoảng 600 triệu đồng để mua TĂCN cho lợn. Nhưng nguồn thức ăn được Công ty Bình An lựa chọn lại là của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (khoảng 70% cổ phần của công ty này do Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi của HongKong - CPP nắm giữ 21% còn lại là của đối tác Thái Lan). Lý giải vì sao không "ủng hộ" các hãng sản xuất trong nước, bà Đặng Thị Tuyết - Giám đốc Công ty cho biết, mặc dù rất muốn mua TĂCN từ các DN trong nước nhưng do năng lực sản xuất của nhiều công ty trong nước còn thấp và chất lượng sản phẩm không bằng các công ty nước ngoài nên công ty vẫn phải mua các sản phẩm này từ các DN nước ngoài.

Ảnh: BĐT
Nhu cầu thức ăn chăn nuôi là rât lớn.

Báo cáo của Hiệp hội TĂCN cũng cho thấy, các DN FDI và DN liên doanh chiếm trên dưới 60% thị phần TĂCN ở Việt Nam, các DN Việt Nam chỉ trên dưới 40% thị phần. Thực ra đây là cuộc cạnh tranh không cân sức. Các DN nước ngoài được Nhà nước của họ khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, được vay vốn lãi suất thấp. Trong khi các DN Việt Nam vừa thiếu vốn, vừa thiếu kinh nghiệm lại phải vay vốn kinh doanh với lãi suất 18-24%/năm vì vậy khó có thể cạnh tranh, mở rộng sản xuất. Một vị tâm huyết với ngành TĂCN trong suốt nhiều năm phải thốt lên rằng: "Thời điểm này, DN nào còn đứng vững trên thị trường thì đó là những DN quá giỏi, đáng khen ngợi".

Ngoại hăm hở đầu tư

Trái hẳn với những gì diễn ra ở các DN trong nước, các nhà đầu tư ngoại lại không ngừng tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Đơn cử hồi giữa năm 2011, Nhà sản xuất TĂCN lớn của Trung Quốc đã mua lại 70,82% cổ phần từ đối tác Thái Lan để nắm quyền kiểm soát Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. Ngay sau sự kiện này, 2 nhà đầu tư khác của Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ rót 2 tỷ yên để xây dựng nhà máy thức ăn gia súc tại Việt Nam với mục tiêu sẽ chiếm 10% thị phần vào năm 2020.

Mới đây nhất, cuối tháng 3, Tập đoàn Cargill, một trong những "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất TĂCN đã khánh thành nhà máy TĂCN quy mô 4ha, công suất 240.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam. Đây là nhà máy TĂCN thứ 9 của Cargill tại Việt Nam, đưa tổng công suất sản xuất TĂCN của tập đoàn này lên con số 1 triệu tấn/năm, chiếm tới 10% thị phần tại Việt Nam. Cargill còn cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mua một số nhà máy TĂCN tại Việt Nam… Ông Greg Page - Tổng giám đốc Cargill toàn cầu cho biết: "Chúng tôi nhìn thấy tương lai tươi sáng tại Việt Nam cho sự phát triển thịnh vượng của Cargill cùng với người nông dân, với những nhà sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, cũng như với các đại lý, nhà cung cấp của chúng tôi". Ngoài Cargill, năm ngoái, Công ty New Hope (Trung Quốc) cũng khẳng định sẽ xây dựng 6 nhà máy tại Việt Nam trong thời gian tới…

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho hay, đây là cuộc cạnh tranh không cân sức. Để cứu ngành sản xuất TĂCN trong nước cũng là để giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài, Nhà nước cần xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi và TĂCN. Đồng thời, cần xem xét lại chủ trương cho DN nước ngoài mở rộng đầu tư vào sản xuất kinh doanh thức ăn hỗn hợp, thức ăn đậm đặc tại Việt Nam, chỉ nên khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu có công nghệ cao như lysine, methionine…

Thuý Nga

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều