Thoát nghèo từ những món vay nhỏ

08:17 | 02/02/2015

Tổng nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố hiện nay có hơn 117 tỷ đồng. Trong năm 2014, Quỹ đã giải ngân số tiền gần 61 tỷ đồng cho 2.876 hộ cho nông dân các quận, huyện, nâng tổng dư nợ toàn thành phố lên xấp xỉ 99 tỷ đồng cho 5.499 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh.

Ở ấp Bình Hạ Tây, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, gia đình bà Trần Thị Hốt thuộc diện thuần nông, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất hoa màu, cấy lúa và làm thuê. Cả đời gắn bó với đồng ruộng, nhưng gia đình với 6 nhân khẩu này vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Thu nhập bấp bênh nên “nghèo mãi hoàn nghèo”. Mới đây, thông qua Hội Nông dân xã Thái Mỹ, gia đình bà Hốt đã tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân.

thoat ngheo tu nhung mon vay nho
Năm 2015, Quỹ hỗ trợ nông dân cần bổ sung thêm để có nhiều hộ gia đình được vay vốn phục vụ chăm nuôi (nguồn: hanoimoi)

Với 15 triệu đồng được Quỹ cho vay, gia đình bà mua 1 con bò, tận dụng cỏ và rơm sẵn có để thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản. Qua 2 chu kỳ sinh sản, đến nay gia đình bà Hốt đã có được 3 con bò sinh sản, cho thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, cuộc sống gia đình khá hơn trước. “Mừng nhất là mấy đứa con được tiếp tục đi học, không phải bỏ giữa chừng vì kinh tế khó khăn”, bà Hốt cho biết.

Không riêng gì trường hợp gia đình bà Hốt mà hàng nghìn hộ nông dân tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã dần ổn định cuộc sống, mở rộng sản xuất kinh doanh với đồng vốn vay ban đầu khá ít ỏi như trên. Ông Nguyễn Xuân Mai, ấp Dân Thắng 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn chia sẻ, nếu không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay thì gia đình không có được cuộc sống và thu nhập ổn định như ngày hôm nay.

Từ một hộ nông dân thuộc diện nghèo, nhờ tham gia hội nông dân đã được đi tập huấn chuyển giao kỹ thuật, học hỏi mô hình chăn nuôi, gia đình ông Mai mạnh dạn vay vốn. Nhận thấy con thỏ là vật nuôi phù hợp với người nghèo, do vốn đầu tư ban đầu thấp, không đòi hỏi nhiều diện tích lại cho hiệu quả kinh tế cao nên ông đã đi sâu tìm hiểu và xây dựng kế hoạch đầu tư.

Với sự hỗ trợ của Hội Khuyến nông, miễn phí 100% con giống gồm 20 thỏ nái và 4 thỏ đực, cộng với số tiền 10 triệu đồng vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình ông Mai đã có được chiếc “cần câu” để thoát khỏi cái nghèo. Dần dần số lượng đã lên đến 30 con thỏ nái, 70 con thỏ con thương phẩm, giúp gia đình tăng dần thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân của gia đình từ thỏ giống là 1,7 triệu đồng/tháng.

Do phát triển chăn nuôi ổn định, gia đình mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng, từ 3 con heo rừng giống đã phát triển được đàn heo rừng với 10 con nái và 50 heo rừng con, bổ sung thêm thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, từ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đến nay gia đình đã trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi, góp phần nhân rộng mô hình ra nhiều hộ nông dân trong xã.

“Với số tiền vay ban đầu phù hợp với nhu cầu sản xuất nhỏ của người dân, nhưng được sự hỗ trợ về con giống, kỹ thuật chăn nuôi và nhất là không phải trả lãi suất cao như đi vay nóng bên ngoài, mà chỉ phải đóng khoản phí cố định 0,65%/tháng nên nhiều gia đình nông dân đã không phải lo cõng thêm khoản nợ và “lãi mẹ đẻ lãi con” trên lưng, từ đó thoát nghèo, yên tâm sản xuất”, ông Mai cho biết.

Theo Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, tổng nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố hiện nay có hơn 117 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách thành phố chiếm 92%, còn lại là từ các quận, huyện và phường, xã. Trong năm 2014, Quỹ đã giải ngân số tiền gần 61 tỷ đồng cho 2.876 hộ cho nông dân các quận, huyện, nâng tổng dư nợ toàn thành phố lên xấp xỉ 99 tỷ đồng cho 5.499 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Tính, Phó trưởng Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi có nhu cầu vay vốn, người nông dân chỉ cần viết đơn thông qua Hội Nông dân phường, xã nói rõ về nhu cầu và mục đích vay. Hội Nông dân sẽ xét duyệt và số vốn nhanh chóng đến với người nông dân, không cần tài sản thế chấp, không tính lãi suất.

Mỗi hộ nông dân có thể vay tối đa 30 triệu đồng phục vụ cho nhu cầu sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của gia đình. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng là cả gia tài, phải chắt chiu đối với người nông dân nghèo. Điều đáng mừng, nhiều gia đình tuy còn khó khăn nhưng tỷ lệ hoàn trả gốc và đóng phí hàng tháng đạt gần 100%, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ.

Đến nay, từ nguồn vốn này hơn 43% người nông dân đầu tư chăn nuôi bò sữa; trồng trọt chiếm 35%; thủy sản 13%; rau màu 7%; còn lại là kinh doanh nhỏ và các ngành nghề tiểu thủ nông nghiệp. Năm 2015, nhu cầu đối với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đặt ra yêu cầu phải bổ sung 100 tỷ đồng để giải ngân trong năm nay.

Phương Nam

Tin đọc nhiều