Thời cơ của doanh nghiệp chế biến thực phẩm

07:00 | 14/11/2019

Sự phát triển bùng nổ của thị trường bán lẻ Việt Nam với rất nhiều kênh phân phối, đã thúc đẩy doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, đồ uống không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất.

Cơ hội mới của DN chế biến thực phẩm
Chiến lược “sân nhà” phù hợp
Hỗ trợ DN ngành chế biến thực phẩm

Theo bà Nguyễn Thị Như Ngọc, Giám đốc Truyền thông công ty Nghiên cứu Thị trường Kantar World Việt Nam, 5 năm trở lại đây hệ thống bán lẻ tại thị trường Việt Nam ngày càng lớn mạnh và hoàn thiện, và để tạo lợi thế cạnh tranh, các nhà bán lẻ đang đổi mới liên tục, tạo ra môi trường mua sắm hấp dẫn nhất cho khách hàng.

thoi co cua doanh nghiep che bien thuc pham
Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt đang tận dụng tốt cơ hội thị trường

Kết quả khảo sát của Kantar World Việt Nam nửa đầu năm 2019 cho thấy, tổng giá trị hàng hóa bán tại hệ thống kinh doanh của các siêu thị tăng từ 6% - 7,6%/năm (từ năm 2018 đến nay) ước đạt khoảng 500 triệu USD vào năm 2020 và con số này dự báo sẽ còn tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Trong đó, thực phẩm chế biến ăn, uống liền luôn đứng trong TOP đầu về lượng tiêu thụ. Đây cũng là lĩnh vực được các doanh nghiệp bán lẻ đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng.

Một điểm rất quan trọng nữa là hiện nay có đến 70% dân số Việt Nam sở hữu thiết bị thông minh, tốc độ phát triển nhanh chóng của các công nghệ số, dữ liệu lớn, đang khiến hoạt động thương mại điện tử sôi động. Trong khi đó, sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn (đồ hộp, mì ăn liền), đồ uống tiện lợi… lại đặc biệt phù hợp với các kênh thương mại điện tử, nhất là sự bùng nổ dịch vụ giao hàng tận nhà miễn phí… đã khiến mức tiêu thụ nhóm sản phẩm này tăng vọt.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang quan tâm đầu tư, mở rộng sản xuất vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống tiện lợi, (ăn và uống liền), nhằm tận dụng thị trường Việt Nam có đến gần 100 triệu người, với 50% là dân số trẻ. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tên tuổi như Nestlé Việt Nam, đầu tháng 9/2019 đã triển khai giai đoạn hai xây dựng nhà máy Nestlé Bông Sen (khu đô thị Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên), để tăng gấp đôi công suất sản xuất sữa Milo, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao. Hai năm qua, Nestlé Việt Nam đã tăng đầu tư các dự án mở rộng sản xuất lên100 triệu USD để sản xuất sản phẩm tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Hay như các nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu Hàn Quốc Nongshim và Ottogi cũng tăng đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất mì ăn liền và nhiều sản phẩm khác (bánh bim bim, khoai tây chiên…) tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm thị trường chính, trung chuyển sản phẩm đến các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. Một khảo sát cho thấy, trong 6 tháng/2019 vừa qua, một người dân ở nông thôn Việt Nam đã tiêu thụ 56 gói mì ăn liền (tăng 5% so với 2018); người ở thành thị là 36 gói (tăng 4%) và 90% hộ gia đình Việt có mua mì ăn liền trong thời gian đó.

Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nổi tiếng khác tại Việt Nam như Jollibee cũng đã mở nhà máy chế biến thịt gà hiện đại (tại tỉnh Long An). Nhà máy này có 4 dây chuyền sản xuất hiện đại từ sơ chế gà, chế biến, sản xuất nước sốt, trộn bột và nướng gà. Các doanh nghiệp Việt như Sài Gòn Food, Vissan, Cầu Tre, Ba Huân… cũng tăng đầu tư nhà máy hiện đại sản xuất thực phẩm ăn liền từ thịt gia súc, gia cầm và trứng như gà muối, trứng kho sẵn ăn liền, thịt heo sấy khô...

Ở lĩnh vực đồ uống, thương hiệu Coca – Cola liên kết với Fonterra sản xuất sữa uống liền… Đến nay, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội thị trường để mở rộng đầu tư, tạo cho phân khúc thị trường thực phẩm và đồ uống tiện lợi tại Việt Nam ngày càng sôi động, người tiêu dùng có thêm lựa chọn.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều