Ảnh minh hoạ |
Sự cởi mở hơn của người dân với hình thức thanh toán hiện đại này đã được Ngân hàng Nhà nước thống kê bằng những số liệu cụ thể. Theo đó, tính đến hết tháng 4/2020, số lượng thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh đều đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019: thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2%, thanh toán qua internet tăng 3,2% và đặc biệt thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tới 198,8%.
Thực tế cho thấy, thói quen thanh toán của người dân đang dần thay đổi nhờ công nghệ hiện đại được các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán ứng dụng. Theo khảo sát của Visa, người tiêu dùng Việt Nam đã giảm sử dụng tiền mặt do tăng cường thanh toán kỹ thuật số qua các công nghệ thanh toán mới, như: thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử.
Bằng chứng là có đến 37% người tiêu dùng đang thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc, thú vị là 42% người dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động, và 85% người đang sử dụng thẻ không tiếp xúc ít nhất một lần một tuần.
Để thúc đẩy xu hướng này, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai. Qua đó, mối liên kết lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đang dần phát huy được hiệu quả.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước): Các chính sách miễn giảm phí dịch vụ thanh toán trong thời gian vừa qua đã được Ngân hàng Nhà nước chủ động và triển khai kịp thời theo thẩm quyền, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
“Công tác xây dựng pháp luật về hoạt động thanh toán đang bám sát kế hoạch đề ra. Khuôn khổ pháp lý về thanh toán ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu cuộc sống và tạo điều kiện cho sự phát triển của hoạt động thanh toán”, Vụ trưởng nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân cũng góp phần không nhỏ vào việc thay đổi thói quen thanh toán. Bởi, càng nhiều doanh nghiệp chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt thì những tiện ích như tiết kiệm thời gian, công sức trong thanh toán… mới đến gần hơn với người dùng và ngược lại.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào: Các giao dịch không tiền mặt có lợi cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có trải nghiệm tốt hơn, các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc sẽ có thêm nhiều giao dịch cùng với "lòng trung thành" từ người tiêu dùng. Và khi các điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc hoạt động hiệu quả, người tiêu dùng sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Đây là một bước đi mà cả hai bên đều có lợi.
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng các chuyên gia vẫn xem đây là "cuộc cách mạng" dài lâu trong chính lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh hơn và trở nên phổ biến cần sự phối hợp giữa các bên - từ người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ tới các cơ quan chức năng.
Vì vậy, trong kế hoạch thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của liên kết, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước với các bên.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động thanh toán, tăng cường hợp tác ngân hàng - fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thanh toán không tiền mặt, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán…
Dưới góc nhìn của đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, bà Đặng Tuyết Dung nhấn mạnh đến vai trò tăng điểm chấp nhận thanh số. Theo bà, người tiêu dùng cần nhiều cơ hội hơn để sử dụng thanh toán kỹ thuật số. Bởi, người tiêu dùng Việt Nam cho biết lý do để họ mang ít tiền mặt hơn chính là ngày càng có nhiều nơi chấp nhận thanh toán kỹ thuật số. Nếu mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán kỹ thuật số tiếp tục được mở rộng, nhiều người tiêu dùng có thể sẽ chuyển sang thanh toán bằng thẻ hoặc bằng điện thoại thay vì thanh toán bằng tiền mặt.
Hương Giang