Thời của ngành công nghiệp thực phẩm Việt

14:00 | 09/10/2019

Ngành công nghiệp thực phẩm Việt đang bắt đầu phát triển bùng nổ, người tiêu dùng có nhiều cơ hội hưởng thụ hàng Việt

Chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp có tiếng và có thương hiệu uy tín trong ngành công nghiệp thực phẩm Việt nhiều như hiện nay. Và Việt Nam hiện đứng trong TOP 10 thế giới về chế biến, sản xuất thực phẩm, nhờ nguồn nguyên liệu phong phú, nhiều đặc sản độc đáo.

thoi cua nganh cong nghiep thuc pham viet

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã nhận định, giá trị tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam ước tính vào khoảng 16% tổng GDP và trong 5 năm trở lại đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến và đồ uống tăng trung bình hàng năm lần lượt ở ngưỡng 9,68% và 6,66% và đến 2020 dự báo sẽ vượt ngưỡng 10,9%. Sau một thời gian ngành thực phẩm chế biến bị chững lại do thị trường tiêu thụ chủ yếu là lương thực cơ bản (gạo, đường, đậu…), thực phẩm (tôm, thịt, cá…), đến nay, nền kinh tế đã phát triển tốt, mức sống của người dân tăng cao hơn, thì nhu cầu tiêu thụ thực phẩm công nghiệp cũng tăng cao, đáp ứng bữa ăn nhanh, chất lượng và tiện lợi.

Cùng với đó, Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng, thuận lợi về nguồn nguyên liệu tại chỗ là sản phẩm nông sản, thủy, hải sản để sản xuất chế biến thực phẩm công nghiệp. Đặc biệt, trong đó là diện tích trồng cây ăn trái nhiệt đới rộng lớn, với hàng trăm chủng loại trái cây, rau quả. Sản phẩm chăn nuôi cũng phát triển tốt, từ cá tôm đến gia súc gia cầm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định nguồn cung nguyên liệu sản xuất, vừa tiêu thụ nội địa vừa xuất khẩu.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm đã làm chủ thị trường trong nước như Vissan, Yilin Việt Nam, Dừa Lương Qưới, Thực phẩm Á Châu, Thực phẩm Dân Ôn, DH Food, Yến Sào Khánh Hòa, Thực phẩm Sa Giang, Trà Chính Sơn, NOSAFOOD…

Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp đã tận dụng và phát huy tốt nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, là đặc sản của nhiều địa phương, vùng miền Việt Nam như dừa, tổ yến, bột gạo, thịt gia súc gia cầm…

Theo bà Hồ Thiên Trang, phụ trách truyền thông Công ty Tổ chức triển lãm Vinexad (là đơn vị chuyên tổ chức hội chợ triển lãm chuyên ngành thực phẩm – đồ uống hàng năm), số lượng doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm Việt ngày càng nhiều và quy mô càng lớn. Nhiều doanh nghiệp lần đầu tham gia triển lãm với chỉ một gian hàng tiêu chuẩn (3m2 – 5m2), nhưng lần sau đã đăng ký cả một cụm từ 3 – 5 gian hàng với hàng trăm sản phẩm trưng bày, thu hút rất đông khách hàng đến tham quan mua sắm.

Và điều rất đáng ghi nhận là nếu so với sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia khác trong khu vực thì hàng Việt Nam phong phú hơn. Cụ thể, tại lần Triển lãm Công nghiệp thực phẩm và Đồ uống 2019 mới đây nhất (tháng 9/2019), gian hàng của vùng lãnh thổ Đài Loan chỉ có kẹo, bánh quy, bánh ngọt, thạch, mứt… Hay Indonesia nổi tiếng với nguyên liệu thực phẩm chế biến đa dạng, nhưng sản phẩm cũng chủ yếu chỉ là các gia vị như bột phô mai, tinh chất thực vật (cà phê, trà, sô cô la), chiết xuất trái cây (như táo, cam, ổi) và chiết xuất gia vị (sả, gừng, chanh)…

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, nhìn vào việc đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm có thể thấy, ngành này đang có sức hấp dẫn lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều muốn khai thác hết tiềm năng. Bởi vậy, thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp liên tục mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống hiện đại. Thậm chí nhiều doanh nghiệp trong nước như Ba Huân, San Hà, Vissan, Sài Gòn Food… còn chọn hướng sản xuất từ con, cây giống đến sản phẩm ăn liền đến tận bàn ăn của mỗi gia đình Việt và hiện tại, sản phẩm của các doanh nghiệp này đang chiếm đến 85% thị phần tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngoại cũng không bỏ qua cơ hội béo bở này. Tập đoàn CJ Cheil Jedang (Hàn Quốc) đến Việt Nam từ năm 1999 và đã không ngừng đẩy mạnh khai thác tiềm năng của thị trường thực phẩm Việt Nam với nhiều thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp (mua lại thương hiệu kim chi Ông Kim, mua 4% cổ phần Vissan, thâu tóm Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre và đổi tên thành CJ Cầu Tre…). Hiện nay doanh nghiệp này còn điều chỉnh bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam như chế biến rau quả, sản xuất các loại bánh từ bột và thức ăn chế biến sẵn...

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều