Thông tin thị trường – mấu chốt để DN thành công

15:00 | 29/11/2019

Nhiều chuyên gia thừa nhận thông tin là nhu cầu đầu tiên và ngày càng trở nên quan trọng đối với mỗi DN cũng như nhà đầu tư trước khi quyết định sản xuất, xuất khẩu.

Tầm quan trọng của hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung, CPTPP, EVFTA hay thị trường ASEAN nói riêng thông qua việc đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở sản xuất, công nghệ, trang thiết bị, xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn để tận dụng tốt các ưu đãi từ các thị trường này thì các DN đã hiểu.

Tuy nhiên, tận dụng được cơ hội từ các thị trường này mới chỉ dừng lại ở những DN xuất khẩu lớn. Một nền kinh tế lành mạnh đòi hỏi sự cân bằng của các công ty nhỏ cũng như lớn. Ở các nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thường đóng góp hơn một nửa GDP và tạo ra những ý tưởng mới cùng sự đổi mới. Theo một thống kê, phần lớn DN Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, chiếm tới 98% số DN cả nước, đóng góp khoảng 48% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội.

thong tin thi truong mau chot de dn thanh cong
DN Việt dường như bỏ quên “sân nhà” cho thương hiệu giày ngoại

Các DNNVV này còn rất “đói” thông tin từ các thị trường nước ngoài khiến cho nhiều DN khó mở rộng quy mô xuất khẩu. Bởi vậy, họ bày tỏ quan điểm, muốn có đa dạng các nguồn thông tin từ các thị trường nhập khẩu để có thể chủ động đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, cũng như có các giải pháp tức thì để mở rộng thị trường. Trên thực tế, thông tin về thị trường các nước nhập khẩu dưới góc nhìn của các DNNVV trong nước vẫn còn khá mù mờ, do quá thiếu thông tin hội nhập, thậm chí với cả khu vực ASEAN.

Dù muốn thâm nhập thị trường gần này, nhưng DN lại không nắm được danh sách khách hàng tiềm năng cũng như các đối thủ cạnh tranh tại các thị trường. Theo quan điểm của các DN xuất khẩu, cung cấp thông tin không chỉ là đi tìm người mua cho DN, mà còn là thông tin đánh giá người mua, tiềm năng người mua, thông tin về những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nước để DN Việt có thể đáp ứng đúng, đủ.

Nhiều chuyên gia thừa nhận thông tin là nhu cầu đầu tiên và ngày càng trở nên quan trọng đối với mỗi DN cũng như nhà đầu tư trước khi quyết định sản xuất, xuất khẩu. Bởi thông tin cập nhật kịp thời và liên tục thực tế từ từng thị trường, từng ngành hàng không chỉ về xu hướng thị trường, mà còn để bắt kịp những thay đổi trong chính sách của nước nhập khẩu, hạn chế những rủi ro. Vì vậy, có thể hiểu thông tin chính là lợi nhuận hay chi phí phải trả để có thể áp dụng, tuân thủ một cách có hệ thống và bài bản các quy chuẩn trong toàn bộ hệ thống sản xuất hoặc trong chuỗi cung ứng mà bên nhập khẩu đưa ra. Đôi khi đó còn là những hiểu biết thấu đáo về văn hóa của đối tác kinh doanh đến mức cần và đủ, để biết cách ứng xử sao cho đúng, cho phù hợp.

Các DN Hàn Quốc đã rất thành công khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng để có được vị thế như hôm nay, họ đã phải trả giá rất đắt cho việc “thấu hiểu văn hóa” địa phương. Một nguyên tắc nằm lòng với các công ty Hàn Quốc trước khi đến Việt Nam đầu tư là phải học để hiểu biết về văn hoá, luật pháp, phong tục tập quán của người bản địa, phải học tiếng Việt đủ để giao tiếp, phải tham gia đóng góp công ích cho địa phương và phải quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán, thói quen của Hàn Quốc cho người Việt Nam biết.

Người Hàn đã chứng minh rằng để hội nhập thành công và bền vững thì “hội nhập văn hoá” phải đi tiên phong và dành sự ưu tiên đầu tư thỏa đáng cho nó. Muốn có quan hệ văn hoá bền vững thì con đường duy nhất đúng là hiểu biết văn hoá lẫn nhau, để cùng phát triển, trong đó tôn trọng sự khác biệt văn hoá.

Đại diện cho DN kinh doanh, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Công ty Hải – du lịch và dịch vụ thể thao dưới nước cho rằng, nhằm thỏa mãn nhu cầu thể thao, DN phải nhập khẩu khá nhiều thiết bị thể thao nhưng lại thiếu quy chuẩn cho các sản phẩm mới, các môn thể thao mới, vì thiếu thông tin, bên cạnh nguồn kinh phí eo hẹp, lại chưa nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế về thể thao.

Kinh tế thể thao ở nhiều quốc gia trở thành ngành, lĩnh vực kinh doanh (công nghiệp thể thao) có doanh thu, lợi nhuận cao, đem lại công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều triệu lao động. Việt Nam cũng xác định thể thao phải trở thành một ngành kinh tế. Cũng như bao ngành khác trong nền kinh tế, để nắm bắt được các cơ hội từ các FTA, điều cốt lõi là các DN phải xác định rõ được thị trường mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, phải xác định phát triển thương hiệu cho sản phẩm và đứng vững tại thị trường nội địa là nền tảng vững chắc cho việc mở rộng ra thị trường toàn cầu, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhấn mạnh.

Vì vậy, ngoài những nỗ lực của Chính phủ, sự hỗ trợ của Bộ Công thương, mỗi DN hãy chủ động, tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu và mang lại nhiều lợi ích cho chính DN.

Nguyễn Dũng

Tin đọc nhiều