Thông tin tín dụng: Những điều có thể bạn chưa biết

09:51 | 25/11/2022

Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) hỗ trợ khách hàng đăng ký để tự kiểm tra thông tin, điểm tín dụng của bản thân và kết nối nhu cầu vay với các TCTD qua ứng dụng CIC Credit Connect...

thong tin tin dung nhung dieu co the ban chua biet
Ảnh minh họa

Điểm tín dụng là gì? Điểm tín dụng được chấm như thế nào?

- Điểm tín dụng là kết quả tính toán qua chương trình tự động do Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) phối hợp với đối tác uy tín trên thế giới xây dựng, nhằm hỗ trợ đánh giá tín nhiệm của khách hàng, giúp người cho vay dự đoán khả năng trả nợ/thanh toán khi đến hạn.

- Số liệu sử dụng để chấm điểm tín dụng trong thời gian 03 năm tính đến thời điểm cuối tháng liền kề gần nhất, với các chỉ tiêu thông tin chủ yếu như: 1/Thông tin định danh; 2/ Số lượng và loại tài khoản tín dụng (các khoản vay thông thường như vay mua nhà, mua xe, vay tiêu dùng... thẻ tín dụng...); 3/ Dư nợ và tình trạng tín dụng hiện tại; 4/ Lịch sử trả nợ; 5/ Thời gian quan hệ tín dụng; 6/ Thông tin tài sản đảm bảo; 7/ Thông tin có liên quan khác...

- Trường hợp khách hàng có nhiều khoản vay tín chấp/thẻ tín dụng; chi tiêu vượt hạn mức tín dụng; hiện tại hoặc lịch sử có nợ quá hạn, nợ xấu... sẽ có mức điểm tín dụng thấp hơn.

Làm thế nào để cải thiện điểm số tín dụng?

Để cải thiện điểm tín dụng trong tương lai, khách hàng cần lưu ý các nội dung sau:

- Kiểm tra báo cáo tín dụng định kỳ để xác định các vấn đề bất thường trong lịch sử tín dụng hoặc các thông tin khác, đề nghị CIC chỉnh sửa thông tin nếu phát hiện sai sót.

- Luôn trả nợ đầy đủ và đúng hạn, cân nhắc về khả năng trả nợ của mình để hoạch định kế hoạch chi tiêu nhằm trả nợ đủ và đúng thời gian.

- Nên sử dụng dịch vụ nhắc nợ tự động của tổ chức cho vay hoặc tự cài thiết lập lịch trả nợ để chủ động kế hoạch trả nợ.

- Khi có nhiều khoản nợ cùng lúc khách hàng nên cố gắng chi trả dần số dư nợ hiện tại, không nên phát sinh thêm nhiều khoản nợ mới, đặc biệt là nợ tín chấp, nợ vay tiêu dùng.

Hiện tại khách hàng có nợ xấu nhưng tại sao điểm tín dụng vẫn ở mức tốt?

Để bảo đảm tính ổn định, CIC chấm điểm tín dụng đối với khách hàng tại thời điểm chốt số liệu tại kỳ cuối tháng liền kề trước đó và được cập nhật định kỳ hàng tháng theo biến động thông tin tín dụng của khách hàng vay.

Do đó nếu khách hàng mới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu (tại thời điểm cuối tháng liền kề trước đó chưa phát sinh, hoặc CIC chưa nhận được đầy đủ dữ liệu báo cáo cuối tháng của các TCTD) thì kết quả chấm điểm tín dụng chưa được cập nhật.

Tại sao phải cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký tín dụng?

Khách hàng cung cấp đúng thông tin định danh để CIC xác thực thông tin đăng ký trùng khớp với hồ sơ thông tin khách hàng đang lưu trữ tại CIC. Điều này đảm bảo thông tin của khách hàng không bị người khác lợi dụng. Các thông tin khách hàng đăng ký được CIC bảo mật.

Điểm tín dụng của khách hàng ở mức dưới trung bình nhưng không thấy nợ xấu/lịch sử nợ xấu?

Điểm tín dụng được tính toán trên cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng tại tất cả các TCTD trong thời gian 03 năm gần nhất và áp dụng thống nhất với mọi khách hàng (không áp dụng chính sách ẩn nợ xấu nhỏ đã tất toán).

Như vậy, đối với một số khách hàng có dư nợ nhỏ đã tất toán được ngừng cung cấp lịch sử theo chính sách của CIC, nhưng kết quả chấm điểm tín dụng vẫn ở mức dưới trung bình.

CIC cung cấp lịch sử nợ xấu trong bao lâu?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 03/2013/TT-NHNN, lịch sử nợ xấu của khách hàng được cung cấp trong thời gian tối đa 05 năm, kể từ ngày kết thúc nợ xấu.

Để hỗ trợ khách hàng vô tình mắc phải khoản nợ xấu nhỏ, hiện CIC đã ngừng cung cấp lịch sử nợ xấu có dư nợ lớn nhất dưới 10 triệu đồng, sau khi đã tất toán toàn bộ khoản nợ đó. Đây là chính sách áp dụng thống nhất với tất cả mọi khách hàng được cung cấp thông tin tại các sản phẩm theo mẫu thiết kế của CIC, cụ thể:

- Dư nợ xấu lớn nhất dưới 10 triệu đồng, được ngừng cung cấp ngay sau khi TCTD báo cáo đã tất toán khoản nợ đó;

- Dư nợ xấu lớn nhất từ 10-50 triệu đồng, được ngừng cung cấp sau 01 năm, kể từ ngày tất toán;

- Dư nợ xấu lớn nhất từ trên 50-100 triệu đồng, được ngừng cung cấp sau 02 năm, kể từ ngày tất toán;

- Dư nợ xấu trên 100 triệu đồng, cung cấp trong thời gian 05 năm.

Lưu ý: Việc ngừng cung cấp lịch sử nợ xấu không phải là xóa thông tin nợ xấu (toàn bộ dữ liệu do các TCTD báo cáo vẫn được lưu trữ tại CIC theo quy định của Ngân hàng Nhà nước).

Có thể xóa lịch sử nợ xấu trên hệ thống CIC không?

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, CIC có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, bảo đảm tính nguyên vẹn dữ liệu TTTD do các TCTD báo cáo. Việc điều chỉnh dữ liệu TTTD được thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt. CIC chỉ điều chỉnh khi có văn bản đề nghị của Tổng Giám đốc TCTD hoặc người được ủy quyền, nêu rõ lý do sai sót dữ liệu.

Khách hàng có lịch sử nợ xấu có thể vay vốn không?

- Luật Các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước không có quy định nào cấm TCTD không được cấp tín dụng đối với khách hàng có lịch sử nợ quá hạn/nợ xấu. Việc xem xét quyết định cấp tín dụng là quyền tự chủ của TCTD; không ai được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cấp tín dụng của TCTD.

Việc đánh giá rủi ro đối với khách hàng dựa trên nhiều yếu tố theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của từng TCTD; thông tin do CIC cung cấp là một trong nhiều kênh tham khảo, hỗ trợ, không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến quyết định của TCTD.

- CIC hỗ trợ khách hàng đăng ký để tự kiểm tra thông tin, điểm tín dụng của bản thân và kết nối nhu cầu vay với các TCTD qua ứng dụng CIC Credit Connect (CICB).

Tôi không quá hạn tại TCTD, nhưng vẫn có nợ cần chú ý/nợ xấu?

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 11/2021/TT-NHNN, nếu khách hàng có quan hệ tín dụng với nhiều TCTD mà có 1 TCTD phân loại ở nhóm nợ cần chú ý/nợ xấu, các TCTD khác phải phân loại nợ theo nhóm nợ có rủi ro cao nhất đó, kể cả khách hàng thực tế không có quá hạn. TCTD cũng có thể phân loại nợ cần chú ý, nợ xấu nếu có cơ sở xác định năng lực tài chính của khách hàng bị suy giảm, vi phạm mục đích sử dụng vốn...

Đối với khách hàng bị phân loại nợ cần chú ý, nợ xấu, cần duy trì trả nợ đầy đủ nợ gốc và lãi của các kỳ hạn trả nợ tiếp theo trong thời gian tối thiểu 01 (một) tháng đối với nợ ngắn hạn; 03 (ba) tháng đối với nợ trung hạn, dài hạn, trước khi được TCTD xem xét phân loại về nhóm nợ có rủi ro thấp hơn (Khoản 2 Điều 10).

+ Trường hợp khách hàng chỉ có quan hệ với một TCTD mà không có quá hạn, cần phản ánh với TCTD đó để kiểm tra thông tin và được giải thích về lý do phân loại nợ.

CMND của tôi bị trùng với người khác?

Tình trạng trên xảy ra có thể do: có sai sót trong quá trình nhập, báo cáo dữ liệu từ các TCTD, hoặc do cơ quan chức năng cấp trùng số CMND cho nhiều người (đối với CMND 9 số trước đây). Tuy nhiên, nếu họ tên, ngày tháng năm sinh khác nhau của 2 người khác nhau, CIC vẫn phân biệt, xác định được 2 khách hàng khác nhau và được cấp mã CIC riêng (không có sự trùng lặp thông tin của mỗi khách hàng).

Trường hợp khách hàng chưa từng có quan hệ tín dụng với TCTD nào, cần làm căn cước công dân mới và tải ứng dụng CICB để đăng ký và cập nhật thông tin.

P.V

Tin đọc nhiều