Thu hút FDI 11 tháng: Xu hướng dịch chuyển rõ nét hơn

09:09 | 06/12/2019

FDI đang có sự dịch chuyển mạnh cả về hình thức, đối tác và lĩnh vực đầu tư. Mặc dù vẫn tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, song đã có sự dịch chuyển tới một số ngành dịch vụ. Đồng thời xu hướng góp vốn và đầu tư mua cổ phần thông qua hình thức M&A ngày càng rõ nét.

11 tháng, giải ngân vốn FDI gần 17,7 tỷ USD
Cân nhắc lựa chọn FDI vào dệt may
Xu hướng FDI và những mối bận tâm

Dịch chuyển mạnh

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến 20/11/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của NĐT nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, vốn đăng ký mới tăng 28,2% về số lượng, nhưng lại giảm 7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng giảm, nhưng tốc độ giảm đã nhỏ dần so với các tháng trước. Sự sụt giảm của vốn đăng ký mới được lý giải là do thiếu vắng dự án tỷ USD. Nếu như cùng kỳ năm 2018 có dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD và dự án nhà máy sản xuất Polypropylene, kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD; thì 11 tháng năm nay, dự án đầu tư có quy mô vốn lớn nhất là 420 triệu USD. Tuy nhiên, nếu không tính 2 dự án lớn trên 1 tỷ USD nói trên, thì tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 11 tháng năm nay tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2018. Điều đó cho thấy dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang duy trì khá tốt.

thu hut fdi 11 thang xu huong dich chuyen ro net hon
Nhà đầu tư sang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam tăng khá mạnh

Bên cạnh đó, số dự án điều chỉnh vốn cũng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018; trong khi số vốn điều chỉnh giảm 20,7%. Trong 11 tháng năm nay, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ, không có dự án tăng vốn lớn như cùng kỳ 2018 (dự án Công ty TNHH Laguna – Singapore điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD).

Ở chiều ngược lại, tình hình góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Trong 11 tháng năm 2019, cả nước có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể năm 2017 đầu tư theo hình thức này chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78%, tới 11 tháng năm nay đã chiếm 35,4%.

Đánh giá tổng quan về tình hình thu hút vốn nước ngoài trong 11 tháng đầu năm nay, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, FDI đang có sự dịch chuyển mạnh cả về hình thức, đối tác và lĩnh vực đầu tư. Mặc dù vẫn tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, song đã có sự dịch chuyển tới một số ngành dịch vụ. Đồng thời xu hướng góp vốn và đầu tư mua cổ phần thông qua hình thức M&A ngày càng rõ nét.

Riêng về đối tác đầu tư, đây cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm, Nhật Bản không nằm trong top 3 NĐT nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, mặc dù chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm. Thay vào đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,69 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ hai với 5,73 tỷ USD, chiếm 18%; Singapore đứng vị trí thứ 3. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản. Đáng chú ý là đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hồng Kông tăng 3,9 lần so với cùng kỳ 2018.

Nhiều triển vọng dài hạn

Mặc dù vốn FDI từ Trung Quốc, Hồng Kông tăng nhanh, song theo Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, lượng vốn vào Việt Nam do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhìn chung vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Cơ quan này lý giải, đó là bởi trên thực tế các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… cũng đang ra sức thu hút lượng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên với kinh nghiệm 30 năm thu hút FDI, các chuyên gia cho rằng, việc dòng vốn chảy vào Việt Nam không quá ồ ạt lại là điều đáng mừng. Bởi lẽ dòng vốn từ Trung Quốc dù đem lại tín hiệu tích cực cho việc làm và tăng trưởng, nhưng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài. Điều này càng mang lại tác động tiêu cực trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực cải thiện thể chế để nâng cao tiêu chuẩn môi trường, lao động… nhằm đáp ứng yêu cầu của EVFTA hay CPTPP. Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khoá hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các DN trong nước.

TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc NCIF cũng đồng tình và cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút dòng vốn từ các quốc gia đã ký kết FTA. Mặc dù tỷ trọng đầu tư của các quốc gia trong CPTPP vào Việt Nam đang giảm xuống, song có điểm tương đối sáng là đầu tư từ các quốc gia nhỏ trong nhóm này đang tăng lên, chẳng hạn Brunei, New Zealand, Canada… Từ thực tế đó ông Thắng nhận định, phải sau tối thiểu 3 năm mới có thể thấy rõ ràng tác động của CPTPP đối với thu hút đầu tư.

Nhìn về dài hạn, Việt Nam vẫn hứa hẹn là điểm đến tiềm năng của các đối tác nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 11 tháng năm 2019, số lượng các đoàn sang làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore.

Vừa qua, UBND Hà Nội cũng cho biết, nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã trao đổi các biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư vào nhiều dự án trên địa bàn thành phố với tổng số vốn cam kết đầu tư lên tới 3,75 tỷ USD. Trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đi thăm, làm việc tại Hàn Quốc vừa qua, lãnh đạo thành phố cũng ký các biên bản ghi nhớ đầu tư vào Hà Nội trị giá hơn 4 tỷ USD.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều