Thu nhập đuổi theo giá

09:53 | 03/04/2017

Các NHTM phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao là nhằm cơ cấu lại tổng tài sản, nguồn vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản theo quy định tại Thông tư 06 NHTM chỉ được sử dụng tối đa 50% nguồn vốn huy động cho vay trung dài hạn trong năm 2017.

Giải mã hiện tượng lãi suất huy động tăng
Tìm hiểu về chứng chỉ tiền gửi
VietABank phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất hấp dẫn

Sản phẩm chứng chỉ tiền gửi là một hình thức huy động vốn thông thường của các NHTM, lâu nay các NH thường tung ra các sản phẩm này vào thời điểm cuối năm. Nhưng vừa qua một số NHTM đã thổi bùng dư luận về các mức lãi suất cao ở dòng sản phẩm này nhưng ít người quan tâm đến kỳ hạn của chứng chỉ tiền gửi.

Ngay từ đầu tháng 3 vừa qua, VietABank khơi mào cho việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với nhiều kỳ hạn 6, 9, 13, 15, 18 tháng nhưng lãi suất cao nhất 8,2% thuộc về kỳ hạn một năm rưỡi. Sau đó, LienVietPostBank, VPBank, Sacombank… cũng tham gia cuộc đua phát hành những giấy tờ có giá này và đỉnh điểm của lãi suất lên đến 9,2%/năm đối với chứng chỉ có kỳ hạn 7 năm cộng 1 ngày.

thu nhap duoi theo gia

Có thông tin cho rằng Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi chỉ trong ba ngày (từ 15-17/3/2017) đã hoàn thành chỉ tiêu huy động được 3.000 tỷ đồng? Giới chuyên gia cho rằng việc các NHTM phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao là nhằm cơ cấu lại tổng tài sản, nguồn vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản theo quy định tại Thông tư 06 NHTM chỉ được sử dụng tối đa 50% nguồn vốn huy động cho vay trung dài hạn trong năm 2017.

Trong khi đó những người làm về nguồn vốn của các NHTM cho rằng, đa phần khách hàng mua các loại chứng chỉ tiền gửi lâu nay là những khách hàng hiện hữu của NHTM. Nhất là các tổ chức kinh tế có quan hệ tiền gửi sẵn có với NHTM, khi tiền gửi đến hạn các tổ chức kinh tế này chỉ cần đảo sang mua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm để vừa dễ bề cầm cố sản phẩm này vừa có vốn lưu động thanh toán. Điều này cũng lý giải vì sao trong vòng vài ngày một NHTM đã có thể hoàn thành chỉ tiêu huy động số lượng vốn bằng chứng chỉ tiền gửi.

Thực tế, lãi suất tiền gửi kỳ hạn đến 5 năm, 7 năm có cao nhưng những cá nhân có tiền nhàn rỗi cũng tính toán rất kỹ về mức độ trượt giá trên thị trường thì thực lãi nhận về đối với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi chỉ để lấy lãi là không lớn. Đặc biệt do tính chất “cứng” của sản phẩm chứng chỉ tiền gửi nên không nhiều cá nhân mua nó vì không thực sự hiệu quả đối với người chuyên “săn lãi suất cao”.

Theo các NHTM, những sản phẩm chứng chỉ tiền gửi vừa qua nhằm gánh thêm cho những khoản cho vay trung dài hạn trước đó đến hạn phải trả. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp để giải quyết những vấn đề trước mắt, còn về lâu dài, các NHTM cần phải có nguồn vốn thực mới đảm bảo việc cơ cấu nguồn vốn bền vững.

Tuy việc tung các sản phẩm huy động vốn với lãi suất cao vừa xảy ra đối với một vài NHTM. Nhưng do lãi suất chính là giá đầu vào của các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nên nó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người gửi tiền và đặc biệt là những người đi vay vốn trung, dài hạn để mua nhà ở, đất ở.

Nhất là những sản phẩm vay vốn tạo lập nhà ở cho người lao động có lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên vừa kết thúc, theo thỏa thuận người vay vốn mua nhà sẽ phải trả lãi suất thả nổi, như lấy lãi suất huy động dài hạn cộng thêm hai ba phần trăm để tính lãi vay phải trả, làm cho thu nhập lúc nào cũng chạy đuổi phía sau tỷ lệ biến động giá.

Ngọc Quang

Tin đọc nhiều