Thủ tướng Trung Quốc quan tâm tới bản án tử hình nữ doanh nhân Ngô Anh

12:35 | 12/04/2012

Dư luận Trung Quốc rất quan tâm tới tuyên bố hôm 14/3/2012 của Thủ tướng Ôn Gia Bảo bởi đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ quốc gia hơn 1,34 tỷ dân đề cập tới bản án tử hình đối với nữ doanh nhân Ngô Anh.

Theo đó, vụ án này đã phản ánh sự chưa thích ứng giữa nhu cầu phát triển tài chính - tiền tệ với sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Cách đây hơn 1 tháng (15/2/2012), Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, sẽ xem xét lại bản án tử hình đối với Ngô Anh, người từng có biệt danh "nữ doanh nhân xinh đẹp nhất tỉnh Giang Tô" bởi phạm tội huy động vốn bất hợp pháp. Hơn 2 tháng trước (18/1/2012), tòa phúc thẩm tỉnh Chiết Giang đã bác đơn kháng án của Ngô Anh, nguyên Chủ tịch tập đoàn Bense Holding (Tập đoàn Bản Sắc).

Tập đoàn Bense Holding hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ khách sạn, du lịch, siêu thị, giải trí, cà phê internet đến vật liệu xây dựng, bất động sản, thương mại điện tử bằng khoản tiền huy động với lãi suất cao của nhà đầu tư. Được biết, Ngô Anh đã huy động trái phép 770 triệu NDT (hơn 120 triệu USD) từ các nhà đầu tư tư nhân trong 3 năm (2005-2007).

Dù chưa học hết trung học và đi lên từ chủ một tiệm gội đầu, Ngô Anh đã trở thành người phụ nữ giàu thứ 6, còn tính chung những người giàu nhất Trung Quốc thì nữ doanh nhân này đứng hạng 68 (theo xếp hạng của tạp chí Hồ Nhuận năm 2007). Tạp chí Hồ Nhuận khi đó ước tính, tổng tài sản của Ngô Anh lên tới 3,6 tỉ NDT, khoảng 567 triệu USD).

Ngô Anh sinh năm 1981 trong một gia đình nghèo có 4 chị em gái ở thôn Đường Hạ, thị trấn Ca Sơn, thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang. Sau khi cùng chồng mở một tiệm gội đầu ở thành phố Đông Dương, đến cuối năm 2006, Ngô Anh đã là chủ của 8 công ty kinh doanh với nhiều mặt hàng khác nhau, sở hữu khoảng 567 triệu USD.

Nghe nói chuỗi thẩm mỹ viện do Ngô Anh lập ra rất ăn khách nhờ liệu pháp chống lão hóa bằng cao nhau cừu, còn công ty cho thuê ôtô ở thành phố Nghĩa Ô cũng làm ăn khá nên nữ tỷ phú này đã làm từ thiện tới 6,3 triệu NDT. Sự giàu có và nổi tiếng nhanh chóng của nữ doanh nhân trẻ Ngô Anh lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận và giới truyền thông.

Được biết, đầu năm 2007, Công an thành phố Đông Dương bắt đầu điều tra hoạt động kinh doanh của Ngô Anh sau khi nhận được đơn tố cáo bà làm ăn mờ ám. Đến tháng 2/2007, Ngô Anh bị bắt vì tội huy động vốn bất hợp pháp cho dù trước đó một tháng, nữ tỷ phú này hùng hồn tuyên bố: tài sản của mình hoàn toàn hợp pháp bởi được tích lũy từ thời kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu trong lĩnh vực mỹ phẩm và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Ngô Anh cũng phủ nhận những tin đồn về nguồn gốc tài sản của mình có liên quan đến buôn lậu vũ khí.

Nhưng theo cáo trạng của tòa án Kim Hoa (phiên tòa tháng 4/2009), từ tháng 5/2005 đến tháng 2/2006, Ngô Anh đã huy động vốn bất hợp pháp với tổng số tiền lên tới 770 triệu NDT (hơn 120 triệu USD) với lãi suất cao (80%/năm) và sau khi bị bắt mới trả được 386 triệu NDT, còn chiếm đoạt 384 triệu NDT. Ngô Anh cho rằng, mình sẽ nhận mức án từ 10 đến 15 năm tù nên khi bị tòa tuyên án tử hình, nữ tỷ phú này và dư luận đều coi đây là bản án hiếm thấy trong các vụ án kinh tế dân sự.

Cùng bị bắt và xét xử với Ngô Anh có 7 nhân viên của tập đoàn Bense Holding với tội danh lừa đảo và họ chịu mức án từ 22 tháng đến 6 năm tù cùng khoản tiền phạt từ 20.000 NDT đến 300.000 NDT. Bản án tử hình giành cho nữ doanh nhân Ngô Anh từng tạo nên sự bất bình của dư luận trên các trang mạng microblog, cũng như các cuộc tranh luận trên báo chí. Do đó, Tòa án Nhân dân tối cao sẽ xem xét lại mọi chi tiết của vụ án một cách cẩn trọng. Dư luận cũng như giới chuyên môn quan tâm tới việc chuyển đổi tội danh của Ngô Anh - từ huy động vốn bất hợp pháp (tối đa 15 năm tù) thành lừa đảo tài chính (tối đa tử hình).

Dư luận cũng quan tâm tới lời khai của Ngô Anh - để có tiền làm ăn, nữ doanh nhân này đã hối lộ và chấp nhận vay tiền với lãi suất cao của 137 người, trong đó có 17 quan chức. Tuy nhiên, đến nay mới có cựu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Kinh Môn và cựu Phó Chủ tịch chi nhánh Kinh Môn của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc bị bắt và xét xử, những quan chức khác vẫn an toàn. Điều đáng nói là những chủ nợ có chức có quyền đã sử dụng xã hội đen để siết nợ khi Ngô Anh trả lãi không đúng hạn. Dư luận cho rằng, những quan tham chưa bị lộ diện tìm mọi cách để Ngô Anh phải chịu mức án cao nhất bởi họ muốn "giết người diệt khẩu".

Ngoài những nghi vấn kể trên, người ta còn thắc mắc về những khoản nợ của Ngô Anh. Dư luận nghi ngờ Công an thành phố Đông Dương phóng đại các khoản nợ của Ngô Anh để tăng án, đồng thời định giá quá thấp số tài sản của bị can để phát mãi, thậm chí bị xà xẻo, giúp một số người làm giàu.

Theo Nguyễn Thị Lân (Cảnh sát toàn cầu)

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều