Thúc đẩy cải cách sẽ làm WTO hấp dẫn hơn

07:26 | 30/03/2012

Sau 5 năm gia nhập WTO, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển nhanh. Nhưng, những bất ổn vĩ mô trong thời gian gần đây cùng tốc độ tăng trưởng giảm sút đã đặt ra bài toán mới cho Việt Nam.

“Đẩy mạnh cải cách trong nước sẽ tạo ra lợi thế so sánh động”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

Sau 5 năm trở thành thành viên chính thức của WTO, tại thời điểm này nhìn lại, nhiều ý kiến cho rằng “tấm huân chương WTO” là mặt trái của câu chuyện hội nhập sâu và rộng, thưa ông?

WTO chỉ là một giai đoạn trong suốt 30 năm cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhìn lại 30 năm nếu không có hội nhập thì không phát triển được nhưng hội nhập là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ mà phải kết hợp hội nhập với cải cách trong nước. Giai đoạn nào Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước và thúc đẩy quá trình hội nhập thì tình hình kinh tế phát triển rực rỡ hơn vì đây là hai quá trình hỗ trợ lẫn nhau. Điều này thể hiện rõ ở giai đoạn 1990-1995 giai đoạn đầu là mở cửa, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN và giai đoạn 2000-2005 ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, kết hợp với việc thực thi Luật Doanh nghiệp ở trong nước.

Nhưng, mỗi sự cải cách đều có câu chuyện được – mất.

Bây giờ, sau mấy năm vật lộn với bất ổn vĩ mô khiến nhiều cải cách bị chậm lại cộng hưởng với tác động từ khủng hoảng toàn cầu đi kèm là các cú sốc giá trên thị trường thế giới. Nhưng, quyết tâm cao cho thời gian tới là tiếp tục hội nhập, mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa. Vì lẽ đó, hiện nay Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình đàm phán TPP, tham gia thúc đẩy vòng đàm phán DOHA và sắp tới sẽ đàm phán với EU rồi một số khu vực và các nước khác về khu khu vực tự do thương mại (FTA)…

Vậy trong quan điểm của ông, ngành nào hội nhập thuận lợi nhất và ngược lại?

Tôi nghĩ ngành nào cũng có thuận lợi mang tính tổng thể, đồng thời cũng mang thách thức và bất kỳ doanh nghiệp nào, dù mạnh hay yếu đều chịu áp lực. Thường khi mở cửa hội nhập với quốc tế, trong giai đoạn ngắn hay trung hạn, những ngành có lợi thế so sánh nổi trội sẽ “bừng tỉnh” nhanh hơn. Với những nước có trình độ sản xuất thấp như Việt Nam, những ngành nhiều thuận lợi để phát triển là ngành có lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động rẻ, giá trị sản phẩm có hàm lượng lao động cao như dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ… hay những ngành có lợi thế địa kinh tế, thừa hưởng ưu đãi từ thiên nhiên nhất định như khai khoáng, một số ngành nông sản…

Nhưng như thực tế cho thấy, bên cạnh được vẫn có những điểm chưa được và có thể nói một phần DN đã gặp thua thiệt. Vì vậy, để tối ưu hóa lợi thế hội nhập và giảm thiểu những bất lợi về hội nhập thì về lâu dài phải tạo ra lợi thế so sánh động bằng cách hội nhập phải gắn được với các cải cách trong nước. Như vậy, Vệt Nam vừa biết tận dụng cạnh tranh, dựa vào lợi thế nhờ quy mô, vừa tiếp nhận được kỹ năng và công nghệ tốt… Quá trình này đã bắt đầu nhen nhóm trong một số ngành công nghiệp chế biến, ngành dịch vụ... Nhưng để có được những lợi thế động ấy không chỉ là câu chuyện tự thân đổi mới của doanh nghiệp mà cần có những cải cách nhà nước về chính sách, thể chế...

Ảnh: Sưu tầm

Nếu quá trình phát triển của Việt Nam sẽ phải trải qua các giai đoạn như ông nói, từ phát huy lợi thế tĩnh về lao động, đất đai, khoáng sản… đến lợi thế động về quy mô, công nghệ... Có nghĩa là bây giờ đã phải tính đến câu chuyện dài hạn?

Để phát triển lên mức độ giá trị gia tăng cao hơn phải qua một quá trình. Các ngành dệt may và da giày của Việt Nam cũng đã nhận ra được điều ấy, khi áp lực tăng lương đi lên cùng quá trình phát triển. Để sống còn với các ngành này, chưa chắc 5 năm tới Việt Nam sẽ làm công đoạn hiện nay đang làm mà là một công đoạn khác.

Nhưng ngay với ngành công nghệ cao chúng ta cũng không đến nỗi quá bi quan. Trong khu vực ASEAN, cũng như Singapore được nhìn nhận là một nền kinh tế y tế chất lượng cao, Việt Nam có thể được nhìn nhận như một tiềm năng về ngành thời trang, trang trí nội thất… Như vậy, cùng quá trình phát triển, nếu Chính phủ và các doanh nghiệp nhìn nhận thấy điểm sống còn của mình, làm ăn bài bản thì vẫn có nhiều cơ hội.

Trong những cơ hội phát triển mà ông vừa nêu, theo kinh nghiệm quốc tế thì giai đoạn xác lập thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam sẽ phải mất bao lâu và cần những yếu tố gì?

Tôi cho rằng chúng ta đã tìm ra “điểm huyệt” để hiện thực quá trình phát triển sắp tới, một là tạo nền tảng căn bản cho quá trình phát triển ấy, hai là tìm ra những lĩnh vực để hướng nguồn lực đất nước vào đó. Ba lĩnh vực mà chúng ta đang tập trung nguồn lực vào là cải cách thể chế, chất lượng hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, làm được thì phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Nhưng đằng sau đó, Việt Nam cũng đã nhận thấy để phân bổ lại nguồn lực hiệu quả hơn còn gắn với vấn đề phát triển bền vững, cả về môi trường và xã hội.

Xin cảm ơn ông!

>> 5 năm gia nhập WTO: Góc nhìn đa chiều

Vũ Anh Quân thực hiện

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều