Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam – UAE

11:00 | 18/10/2019

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Sultan Bin Saeed Al Mansoori khẳng định, tiềm năng của thị trường Việt Nam với một nền kinh tế đang phát triển năng động và nhiều FTA đã được ký kết đang mang lại những cơ hội cho các doanh nghiệp UAE đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, hiện UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông và nằm trong top 15 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trên thế giới. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam – UAE đang tiếp tục tăng nhanh những năm gần đây. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 4,26 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.

Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ và duy trì ổn định trong những năm gần đây. Nếu như năm 2008, kim ngạch thương mại song phương mới chỉ đạt 500 triệu USD, thì đến năm 2019, con số này đã tăng hơn gấp gần 10 lần.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang UAE hết sức đa dạng và cạnh tranh như máy móc, thiết bị, dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử, giày dép, các mặt hàng nông – lâm – thủy sản… Đặc biệt, UAE là thị trường tái xuất lớn thứ 3 trên thế giới (sau Hong Kong và Singapore) là cửa ngõ quan trọng giúp hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng thâm nhập thị trường châu Phi, Trung Đông và khu vực Đông Nam Âu. Hiện UAE có khoảng 20 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 50 triệu USD, đứng thứ 56 trong tổng số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo thu hút đầu tư từ UAE lớn nhất. Trong số 20 dự án của UAE tại Việt Nam có đến 84% tập trung chủ yếu vào lĩnh vực này. Hai nước có một số dự án hợp tác về dầu khí, hợp tác mua bán khí lưu huỳnh và khí LPG lạnh. Hiện đầu tư của UAE thường tập trung vào một số lĩnh vực chủ lực như cảng, hậu cần, hàng không, du lịch, khách sạn, dầu khí bên cạnh ngành truyền thống là dầu khí.

thuc day hop tac thuong mai viet nam uae
Việt Nam có thêm cơ hội mở rộng hợp tác với UAE

Bộ trưởng Sultan bin Saeed Al Mansouri chia sẻ, thời gian tới hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi cho thương mại cũng như kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương giữa hai quốc gia. UAE dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu nước ngoài trong đó có Việt Nam. UAE cung cấp cơ sở hạ tầng tiên tiến với cảng biển, sân bay cùng chế độ luật pháp thân thiện. Đặc biệt, UAE còn cung cấp hộ chiếu logistics cho các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, khiến việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa hiệu quả hơn.

Theo đó, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam khi được UAE cấp hộ chiếu logistics đều được thông quan, miễn thuế hàng không, giảm thời gian kiểm tra và đưa lên tàu nhanh chóng, miễn phí. “Con đường tơ lụa Dubai” chẳng những giúp doanh nghiệp Việt Nam được thuận lợi hóa trong giao thương, mà còn đảm bảo được vận chuyển an toàn đến điểm cuối là châu Phi và Nam Mỹ, tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian…

Được biết, UAE từng là một nước phụ thuộc vào dầu mỏ, qua quá trình tái cấu trúc kinh tế, hiện đã là nền kinh tế đa dạng, với nhiều lĩnh vực phát triển như dịch vụ, du lịch, cảng biển, kinh tế số, kinh tế tri thức... Việt Nam cũng đang tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm, tạo môi trường tốt hơn để thu hút các nguồn lực đầu tư... thay vì nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên và lao động. Đây là những điểm tương đồng và là cơ hội nâng tầm lĩnh vực hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp hai quốc gia.

Các bài học của UAE là kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam, do đó Chính phủ Việt Nam mong muốn tăng cường trao đổi thông tin về chính sách, quy định và các cơ hội đầu tư kinh doanh tại mỗi nước, khuyến khích, hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, các đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường, giao thương tại mỗi nước.

Để thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các doanh nghiệp UAE nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, logistics, dầu khí, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp hóa chất, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu, chế biến nông sản, thực phẩm, xây dựng khu công nghiệp tại một số vùng kinh tế có nhiều tiềm năng của Việt Nam như: Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Tây Nam bộ.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ về văn hóa, phong tục, tập quán kinh doanh của quốc gia hồi giáo này (tiêu chuẩn Hala đối với hàng xuất khẩu là nông sản, thực phẩm chế biến, mỹ phẩm) khi đưa hàng vào thị trường UAE và có định hướng chiến lược dài hơi để có thể trụ lại và phát triển bền vững tại đây.

Nguyễn Dũng

Tin đọc nhiều