Thúc đẩy thanh toán online khi mua hàng trực tuyến

09:00 | 14/10/2019

Theo các chuyên gia nhận định, vấn đề cốt lõi để phát triển thanh toán online khi mua hàng trực tuyến đó là tạo niềm tin cho người dùng.

Tranh thủ tận dụng cơ hội mua hàng trực tuyến giá rẻ
Dịch vụ trung gian thanh toán: Nâng cao tính minh bạch và hiệu quả
Giao dịch trực tuyến: Thời trang, du lịch, sách và âm nhạc chiếm tỷ trọng lớn

Xu hướng “Tiền trao cháo múc”

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, thói quen mua sắm của người dân đang dần thay đổi.

Song hành với sự phát triển của TMĐT, các hình thức thanh toán trực tuyến cũng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng. Thế nhưng, giới chuyên môn nhận định, người tiêu dùng Việt Nam phần lớn vẫn theo xu hướng “tiền trao, cháo múc”.

thuc day thanh toan online khi mua hang truc tuyen
Mua hàng trực tuyến là hình thức đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn

Cụ thể, theo Sách trắng thương mại điện tử 2019 do Cục Thương mại điện tử - Kinh tế số vừa công bố, tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế trong các hình thức thanh toán phổ biến được người mua hàng trực tuyến lựa chọn. Hiện có gần 90% người mua hàng trực tuyến chọn cách trả tiền mặt thay vì thanh toán qua thẻ ATM, thẻ tín dụng, ví điện tử, thẻ cào/tài khoản viễn thông…

Anh Phạm Văn Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ mình vẫn thường lựa chọn cách thanh toán trực tiếp khi đặt hàng online. Một phần vì muốn kiểm tra hàng, đảm bảo đúng sản phẩm đã đặt trước khi thanh toán, một phần vì mình sợ khi thanh toán rồi người giao hàng sẽ giao sai hàng hoặc hàng lỗi.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến cho thanh toán trực tiếp còn phổ biến là do mức độ thuận tiện của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt chưa cao. Một phần là do niềm tin của người mua hàng và độ tin cậy với hàng hóa.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận định, hiện nay TMĐT Việt Nam đang phát triển khá ồ ạt và cũng trong khoảng thời gian ngắn nên chưa tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Tới đây, trang TMĐT nào gây dựng được uy tín thì sẽ tồn tại và sẽ có khả năng phát triển thanh toán online.

Cần tạo niềm tin cho khách hàng

Theo các chuyên gia nhận định, vấn đề cốt lõi để phát triển thanh toán online khi mua hàng trực tuyến đó là tạo niềm tin cho người dùng.

Để tháo gỡ tâm lý e ngại khi mua hàng trực tuyến, các sàn TMĐT đang nỗ lực tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng, nhất là chính sách đổi trả hàng hóa. Cụ thể, Tiki cho phép đổi trả trong vòng từ 7-30 ngày, có các chế độ đổi mới hoặc trả không thu phí, bảo hành tùy theo loại sản phẩm. Với Lazada, khách hàng được đổi trả trong vòng 7 - 14 ngày tùy sản phẩm.

Ngoài ra, để thúc đẩy thanh toán online, các sàn TMĐT còn tích cực bắt tay với ví điện tử, ngân hàng để đưa ra những khuyến mãi hấp dẫn dành cho người dùng.

Tại Shopee, sàn TMĐT này đã tích hợp cùng AirPay - ứng dụng ví điện tử trên di động - ra mắt phương thức thanh toán mới với tên gọi Ví AirPay ngay trên ứng dụng mua sắm Shopee. Với tính năng tiện lợi của ví điện tử, người dùng sẽ nạp tiền vào ví AirPay thông qua tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ATM (thẻ ghi nợ nội địa) của các ngân hàng đang liên kết với ví để có thể thanh toán cho các giao dịch mua hàng trên Shopee với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Với Tiki, người mua hàng thanh toán qua các ví điện tử, tài khoản ngân hàng sẽ được ưu đãi lên tới 20% giá trị đơn hàng hoặc giảm trực tiếp lên tới 300 nghìn đồng tùy theo gói sản phẩm. Tiki cũng hợp tác với ví Momo để nâng cao giá trị mua hàng trên Tiki, miễn phí vận chuyển TikiNOW cho khách hàng. Đây là một bước giúp Tiki tạo thói quen lựa chọn TikiNOW cũng như hạn chế tình trạng hủy đơn hàng bằng việc khuyến khích thanh toán trực tuyến trên Momo.

Bên cạnh đó, một số sàn TMĐT còn khuyến nghị người dùng nên thanh toán online đối với các đơn hàng có giá trị lớn nhằm tránh rủi ro khi thanh toán trực tiếp. Cụ thể, Lazada quy định đối với những đơn hàng có giá trị cao từ 50 triệu đồng trở lên, khách hàng chỉ có thể mua hàng bằng phương thức thanh toán trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình thanh toán.

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, khi mua bán trên TMĐT thì mong muốn của cả người mua và người bán đều là thanh toán online, bởi rủi ro khi thanh toán bằng tiền mặt sẽ phát sinh. Vì thế, bản thân người mua và bán cần có cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc thanh toán này, TMĐT phải phát triển song hành với thanh toán online.

Việc kết hợp giữa các sàn TMĐT và ví điện tử là động thái tốt nhưng cũng cần cân nhắc. Khi các ví điện tử đang xuất hiện quá nhiều, các sàn cần chú ý đến việc an toàn, bảo mật, nhiều ví điện tử đã xảy ra lỗi gây mất niềm tin của người dùng. Vì thế tốt nhất vẫn là thanh toán qua hệ thống các tổ chức tín dụng và các ngân hàng, ông Ánh cho biết thêm.

Trang Quỳnh

Tin đọc nhiều