Thương hiệu... là sự sống còn

14:57 | 20/04/2012

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi doanh thu và lợi nhuận giảm, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải cắt giảm chi phí marketing nhằm giảm áp lực chi. Song các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù khó khăn nhưng xây được thương hiệu mạnh sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn của DN hiện nay.

Phá sản do thương hiệu chưa mạnh

Những khó khăn của DN thời gian qua vẫn đang hiện hữu đến tận quý I/2012. Theo thống kê hết quý I, cả nước đã có tới 2.200 DN làm thủ tục giải thể và 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng đóng thuế… Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phá sản và điêu đứng của DN thời gian qua dường như là hậu quả tất yếu từ nhận thức chưa đầy đủ của DN trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Ảnh: BĐT
Nhiều DNNVV chưa nhận thức đúng về thương hiệu. (Ảnh: BĐT)

Ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, trên thị trường nội địa, các DN Việt Nam đã có tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu. Qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, đa phần các DN Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm, năng lực phát triển và sử dụng thương hiệu như một công cụ tiếp thị đúng nghĩa. Thậm chí, nhiều DN vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ về thương hiệu, dẫn đến việc thiếu chiến lược và đầu tư chiều sâu cho phát triển thương hiệu. Nhiều DN chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên mất những giá trị nền tảng có tính bền vững của thương hiệu là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả của quy trình sản xuất, kinh doanh. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh sản phẩm của DN Việt Nam trên thị trường nội địa, giảm khả năng cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam.

"Quá trình hội nhập kinh tế mạnh mẽ sẽ thúc đẩy các hoạt động mua lại, sáp nhập của các công ty đa quốc gia hoặc nhượng quyền thương mại trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động phát triển thương hiệu sản phẩm của các DN Việt Nam, cụ thể là khuyến khích thị hiếu sử dụng sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu nước ngoài đang phổ biến tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng ban phát giải thưởng thương hiệu khá tràn lan, mạnh ai nấy làm, gây nhiễu loạn vấn đề thương hiệu"- ông Hải khuyến cáo.

Nâng cao giá trị DN từ thương hiệu

Nhìn một cách vĩ mô là vậy, tuy nhiên, phát triển thương hiệu mạnh sẽ mang lại lợi ích thân thiết cho các DN, giúp mỗi DN khẳng định uy tín và chất lượng sản phẩm trên thương trường. Tuy nhiên, đây là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu nghiêm túc và cần thời gian dài, bởi lẽ giá trị vô hình của DN thường rất lớn, trung bình gấp 4-5 lần tài sản hữu hình.

Chính vì vậy, thương hiệu trở thành một trong những tài sản vô hình quan trọng nhất của DN. Xét một cách toàn diện, xây dựng thương hiệu mang tính sống còn của DN. Nếu không có thương hiệu, DN sẽ bị đào thải. Ngược lại, khi xây dựng thành công thương hiệu, DN sẽ tạo ra hàng loạt các giá trị khác về sản phẩm, vốn, giá trị với đối tác và nguồn nhân lực.

Ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng khẳng định thương hiệu hàng hoá là tài sản vô hình quý giá của mỗi DN cũng như của mỗi quốc gia. Để khẳng định được mình, các DN cần biết phát huy những lợi thế quốc gia một cách đúng đắn bên cạnh việc đề ra những chiến lược phát triển thương hiệu thông minh, chuyên nghiệp, độc đáo. Đổi mới và chủ động đổi mới, nghiên cứu về mẫu mã, thị hiếu của người tiêu dùng để đáp ứng tốt nhất cũng là bí quyết có thể vươn xa hơn. "Chỉ riêng với chương trình Thương hiệu Quốc gia, từ năm 2008 đến nay đã tiến hành hai đợt lựa chọn các thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình. Trong giai đoạn 2008 - 2010, tuy chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các DN có thương hiệu sản phẩm và dịch vụ tham gia vẫn đạt mức tăng trưởng từ 15% trở lên. Đặc biệt, có DN tăng trưởng tới 121% trong thời kỳ này, đạt tổng doanh thu thị trường của cả 30 DN năm 2008 là 155.277 tỷ đồng. Năm 2010, 43 DN có thương hiệu sản phẩm đáp ứng đủ điều kiện đã được lựa chọn tham gia chương trình. Các DN này đang phát huy các kết quả đã đạt được để tiếp tục theo đuổi các giá trị của chương trình nhằm không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng và tích cực chiếm lĩnh vị thế tiên phong trên thị trường" - ông Hải cho biết.

Xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia để khẳng định bản sắc trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập là cách làm của nhiều nước. Vì vậy, DN Việt cần phải tận dụng tốt tất cả năng lực để cạnh tranh, tập trung nguồn lực xây dựng một hình ảnh DN hiện đại cũng như hình ảnh một Việt Nam thu hút và đầy hấp dẫn trên thị trường toàn cầu. Đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước hay các bộ, ngành, mà cần nỗ lực của cả cộng đồng DN Việt.

Dương Công Chiến

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều