Thương hiệu thời khủng hoảng

15:09 | 20/04/2012

Nếu như nhiều DN Việt muốn định vị thị trường quốc tế và ngay cả trong nước bằng việc sang nhượng thương hiệu ngoại thì lại có việc các DN nội và ngoại lại chọn một con đường đi khá độc đáo để cạnh tranh với các thương hiệu lớn nước ngoài, bằng việc mua lại chính các thương hiệu Việt.

Cuộc chơi của kẻ mạnh

Còn nhớ cuối năm 2011, CTCP Hàng tiêu dùng MaSan, công ty con thuộc CTCP Tập đoàn MaSan đã hoàn tất mua lại 50,11% cổ phần của CTCP VinaCafe Biên Hòa với tổng số tiền mặt chi trả xấp xỉ mức 51 triệu USD.

Ngày 24/3/2012 vừa qua cũng chứng kiến một cú sốc khi chưa cần sở hữu đến 49%, nhưng Lotte đã nắm vị trí chủ chốt và quyền điều hành quan trọng trong công ty Bibica thông qua hai chức danh quan trọng là chủ tịch HĐQT và giám đốc tài chính.

Ảnh: MH

Xâm nhập vào Bibica từ năm 2007 với việc mua 4,6 triệu cổ phiếu (tương đương 30,15%) sau đó đến đầu năm 2008 mua thêm 5,5% cổ phần, chiếm tỷ lệ sở hữu lên đến 35,65%.

Mới đây nhất cuộc "kết hôn" giữa Highlands Coffee và Phở 24 với việc 100% vốn cổ phần Phở 24 thuộc về Highlands Coffee một lần nữa khẳng định những giá trị vô hình của thương hiệu. Nhìn bề ngoài đây là một cuộc kết hôn của DN Việt với DN Việt, Bởi Highlands Cofffe là một thương hiệu của CTCP Việt Thái quốc tế (VTI) - doanh nghiệp sở hữu hơn 60 quán cà phê Highlands Coffee trên toàn quốc và nhà hàng 5 sao 1911 tại Hà Nội. Nhưng nhìn kỹ lại đây là một DN của Việt kiều David Thái. Tính chuyên nghiệp, hệ thống tổ chức và quản lý có bàn tay ngoại từ đầu đã làm nên một thương hiệu nổi tiếng hạng sang trong nước và vươn mình ra ngoài lãnh thổ.

Song, nhìn sâu hơn trong cuộc chơi này lại thấy có một bàn tay khác đó là khối ngoại. Bởi giữa năm 2011, Jollibee Foods, tập đoàn cung cấp các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh của Philippines, đã hoàn tất việc mua lại 50% bộ phận kinh doanh của VTI tại Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh của VTI tại Hong Kong.

Mua rẻ, gia tăng giá trị cấp số nhân

Ngay khi mua VinaCafe, MaSan không giấu tham vọng khi cho rằng, đây là nền tảng cho chiến lược xâm nhập thị trường nước giải khát khi trước đó VinaCafe đã đầu tư xây dựng một nhà máy mang đẳng cấp thế giới dự kiến sẽ nâng tổng công suất sản xuất lên gần 3 lần sau khi hoàn thành để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường nội địa.

Ảnh: MH

Với Lotte, nghi ngại của chính các cổ đông về việc dùng Bibica làm đòn bẩy thâm nhập thị trường, không phải không có cơ sở khi Bibica lên đến 20.000 cửa hàng chưa kể đây là một đơn vị có sản lượng cũng như thương hiệu xếp thứ hai tại Việt Nam. Tại đại hội, nhiều cổ đông cho rằng với vai trò chủ tịch HĐQT, Lotte có rất nhiều quyền lực để phục vụ cho những ý đồ riêng của họ và có thể một ngày nào đó Bibica Lotte chỉ còn một cái tên Lotte theo kịch bản trước đây đã từng xảy ra với Coca-Cola Việt Nam hoạt động trong nhiều năm liền không có lãi và dần dà Bibica chỉ còn là công cụ phục vụ cho Lotte.

Ảnh: ST

VTI hiện đang còn 51% cổ phần tại Highlands Coffee, thương vụ này sẽ giúp gia tăng một nguồn thu đáng kể từ lượng tô phở tiêu thụ hàng ngày của Phở 24 trước đây cộng thêm một lượng lớn từ chính những khách hàng của Highlands khi họ đang chiếm được những vị trí thuộc loại đắc địa nhất ở trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chưa kể mục tiêu đầu tư tài chính khi họ đã có kế hoạch bán lại cho đối tác nước ngoài. Việc tích hợp hai chuỗi quán cà phê và phở thông qua hai tên tuổi lớn vào trong một thương vụ M&A sẽ cho VTI những giá trị gia tăng lớn. Còn với Jollibee tham vọng thâm nhập thị trường Việt Nam và mở rộng thị trường Philippines là cơ sở để hóa giải thắc mắc tại sao Phở 24 có mô hình kinh doanh khác mà Highlands Coffee vẫn mua, thậm chí mua với giá khá cao 25 triệu USD. Trong khi đó, trong thời gian vừa qua thương hiệu Phở 24 có dấu hiệu đi xuống. Mức giá 24.000 đồng/tô phở là nền tảng của con số 24 trên thương hiệu đã không còn cùng giá cả thị trường biến động mạnh trong thời gian qua. Thậm chí nhiều người tiêu dùng cho rằng mức giá 39.000 đồng/tô năm 2012 so với mức giá năm 2003 là 24.000 đồng/tô là đắt khi chất lượng dịch vụ sa sút và không đảm bảo được chất lượng đồng nhất trong chuỗi. Việc thâu tóm 2 thương hiệu lớn này đã cho họ một "đặc sản" giúp đứng vững trước sức cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ thức ăn nhanh như KFC, Subway, Lotteria trên hai thị trường Việt Nam lẫn Philippines.

Ảnh: BĐT

Một chuyên gia bình luận, sự đổ vỡ của Phở 24 là kết quả của những tham vọng vượt quá khả năng điều hành, còn với VTI cuộc chạy đua mở rộng kinh doanh đa ngành với những lĩnh vực không chuyên sâu như bất động sản khiến họ ôm quả đắng và có thể bị Jollibee thâu tóm toàn bộ. Giá như họ biết dừng đúng lúc và chăm chút vào thương hiệu, họ không chỉ có cơ hội tồn tại và phát triển bằng chính những gì đã tạo ra và ngay cả khi bán họ cũng có thể đạt các mức giá còn cao hơn thế.

Thi Hoa

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều