Thụy Điển: Thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt

09:00 | 09/05/2016

Thụy Điển là quốc gia nhập khẩu với nhu cầu hàng hóa như gạo, cà phê, điện tử, điện lạnh, da giày, dệt may… rất cao. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước có thế mạnh về những sản phẩm này. Cơ hội hợp tác là rất rộng mở.

thuy dien thi truong tiem nang cho doanh nghiep viet
Ảnh minh họa

Việt Nam dường như là đối tác thương mại phù hợp mà Thụy Điển quan tâm phát triển hợp tác. Tuần qua, tại Hà Nội, một hội thảo đã được tổ chức nhằm hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Thụy Điển. Các chuyên gia về chính sách thương mại của Thụy Điển, đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, cơ quan hải quan, các trung tâm xúc tiến thương mại và hiệp hội DN Việt Nam đã tham dự với nhiều kỳ vọng có thể đưa quan hệ thương mại giữa hai bên lên tầm cao mới.

Trên thực tế, theo bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, quốc gia châu Âu này ngày càng coi trọng vai trò về thương mại của Việt Nam trong khối ASEAN. Từ năm 2013, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 4 trong khối nước ASEAN của Thụy Điển.

Bà Camilla Mellander cho biết: Thụy Điển là quốc gia nhập khẩu với nhu cầu hàng hóa như gạo, cà phê, điện tử, điện lạnh, da giày, dệt may… rất cao. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước có thế mạnh về những sản phẩm này. Cơ hội hợp tác là rất rộng mở.

Nền tảng cho hợp tác cũng rất vững, các nhà cung cấp của Việt Nam với thế mạnh và nguồn lực của mình có thể kết hợp với các đối tác Thụy Điển, những DN được biết đến với công nghệ cao và tư duy, năng lực đổi mới, sáng tạo. “Chúng ta có thể cùng nhau tạo ra những giải pháp tốt nhất, thực tiễn nhất đáp ứng cho thị trường cả hai bên”, bà Camilla Mellander khẳng định.

Trong khi đó, có thể thấy năm 2015 là bước ngoặt lớn cho thương mại Việt Nam, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết. Vì EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và mục tiêu là cắt giảm 99% dòng thuế đem lại lợi thế lớn cho các DN xuất khẩu Việt Nam. Ở đây không chỉ có ý nghĩa về cắt giảm thuế mà còn giảm các hàng rào phi thuế quan, ngoài ra còn tăng cường cơ hội giao lưu thương mại bền vững giữa các bên.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU các mặt hàng như điện thoại, thiết bị điện tử, da giày, dệt may, cà phê, gạo, thủy sản và đồ nội thất. Trong khi Việt Nam nhập khẩu từ EU các sản phẩm công nghệ cao bao gồm máy móc, thiết bị điện tử, máy bay, phương tiện vận tải và dược phẩm…

“Chúng ta không thể chỉ dừng lại ở các mặt hàng này mà cần mở rộng hơn nữa ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ, công nghệ cao, sản phẩm gỗ…”, bà Camilla Mellander khuyến nghị.

Tuy nhiên, các chuyên gia thống nhất cho rằng, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Thụy Điển. Bà Nesli Al Mufti, chuyên gia chính sách thương mại đến từ Cục Thương mại Thụy Điển nhắn nhủ, điều quan trọng với các DN Việt Nam là làm thế nào để sử dụng EVFTA để là công cụ đẩy mạnh xuất khẩu sang EU.

Chính phủ cần có các cách thức hỗ trợ DN về việc thực thi, tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi xuất hàng hóa, sản phẩm sang châu Âu. Các DN cần tham gia tích cực, chủ động để hiểu rõ và bám sát các quy định, quy tắc và thông tin thị trường khi xuất khẩu sang Thụy Điển…

Chuyên gia này cũng lưu ý thêm, các DN Việt Nam nên có sự tập trung hơn nữa vào việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, truyền thống như dệt may, giày dép, thủy sản… Bởi đây cũng là những mặt hàng nhập khẩu tiêu dùng có nhu cầu cao tại Thụy Điển.

Như vậy, Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc tăng trưởng nhanh và ổn định xuất khẩu đối với thị trường Thụy Điển nói riêng và EU nói chung. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần chủ động trong việc tận dụng các lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mà các đối tác thương mại khác của Thụy Điển không có được.

Còn theo chuyên gia Johan Henriksson của Cục Thương mại Quốc gia Thụy Điển, EVFTA là một hiệp định mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam. “Chúng tôi đã đến nhiều quốc gia để xúc tiến nhập khẩu vào đất nước mình và đến đâu chúng tôi cũng lấy hình ảnh Việt Nam khi nỗ lực đàm phán EVFTA làm ví dụ để khích lệ các nước. Chính phủ Việt Nam đã có một bước đi quan trọng và có lợi cho mình trong việc hội nhập kinh tế toàn cầu, tăng cường xuất khẩu hàng hóa…”, ông nhấn mạnh.

Đặc biệt, Việt Nam cần có cơ chế thị trường rõ ràng hơn nữa để tránh tình trạng bị kiện cáo liên tục như Trung Quốc khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính. Theo đó, DN xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng được các yêu cầu của thị trường Thụy Điển là có thể an tâm đưa hàng hóa vào thị trường EU.

Thanh Thủy

Tin đọc nhiều