Tiếp nối sự trỗi dậy mạnh mẽ

09:13 | 07/12/2018

Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2018 và Bảng xếp hạng Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2018 của Vietnam Report tiếp tục cho thấy sự tăng lên về mọi mặt của khối DN tư nhân.

Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển
Phát triển kinh tế tư nhân: Nếu lạc nhịp sẽ không thể thành công

Chiếm 56% tổng doanh thu

Dẫn đầu Top 10 trong VNR500 2018 là Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam. Tiếp theo lần lượt là các tập đoàn: EVN, PVN, Viettel, Petrolimex, Vingroup. Đứng thứ 7 là Ngân hàng: Agribank, thứ 8 là BIDV. Tiếp theo là Honda Việt Nam và Vietnam Airlines.

tiep noi su troi day manh me
Top 5 rào cản, thách thức ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN trong năm 2018 (Đơn vị: %)

Như vậy, Vingroup là tập đoàn tư nhân Việt Nam đầu tiên được xếp hạng vào Top 10 DN lớn nhất Việt Nam. Vingroup cũng dẫn đầu trong Top 10 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam. Tiếp theo lần lượt là các Công ty cổ phần: Thế giới di động, Vinamilk, Doji, Thaco, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VPBank và Masan.

VNR500 năm 2018 tiếp tục cho thấy sự tăng lên về mọi mặt của khối DN tư nhân. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của Top 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam tăng đáng kể theo thời gian, giai đoạn 2014-2017 đạt ở mức cao 21,8%. 5 ngành đứng đầu đóng góp về doanh thu trong Top 500 DN tư nhân lớn nhất 2018 là Tài chính (tỷ trọng 15,1%); Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (14,3%); Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (13,9%); Thép (11,7%) và Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin (9,2%).

Một thống kê gần đây của Tổng cục Thống kê cho biết, đến cuối năm 2016, xét về doanh thu, các DN khối tư nhân tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng, chiếm 56% tổng doanh thu của toàn bộ DN năm 2016. Trong khi đó, các DNNN chỉ tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu. Về lợi nhuận, các DN khối tư nhân tạo ra hơn 188 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng lợi nhuận của toàn bộ DN; còn các DNNN tạo ra hơn 197 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ DN.

Bức tranh chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng được nhìn thấy trong VNR500. Trong một vài năm trở lại đây, tỷ lệ các DN lớn trong bảng xếp hạng VNR500 thuộc các nhóm ngành Dịch vụ và Công nghiệp tăng lên đáng kể. Hiện hai nhóm ngành này chiếm 98,4% tỷ trọng doanh thu năm 2018, đóng góp tương ứng ở nhóm ngành nông nghiệp chỉ ở mức 1,6%.

Nhìn sâu vào VNR500 cũng thấy trong nội bộ ngành cũng đã có những dịch chuyển ngày càng tích cực. Trong nhóm ngành công nghiệp, cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm đang có sự thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Công nghiệp chế biến tăng tỷ trọng, trong khi công nghiệp khai thác có chiều hướng giảm. Năm 2018, công nghiệp chế biến chiếm 43,7% tỷ trọng doanh thu ngành công nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500, còn đóng góp công nghiệp khai khoáng chiếm 12% tỷ trọng doanh thu ngành.

Dù nhiều thách thức, kinh doanh vẫn khả quan

Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2018, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát cộng đồng các DN lớn Việt Nam nhằm tổng hợp những đánh giá của DN về tình hình sản xuất kinh doanh giai đoạn hiện tại, những rào cản và thách thức mà các DN lớn đang phải đối mặt, triển vọng kinh doanh và khả năng tiếp cận công nghệ của DN trong thời đại số.

Qua khảo sát, Nhóm nghiên cứu VNR500 nhận thấy DN vẫn duy trì đánh giá khả quan với kết quả kinh doanh năm 2018 dù đối mặt với nhiều thách thức.

Theo kết quả điều tra, Top 5 rào cản và thách thức ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN trong năm 2018 là: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; thủ tục hành chính phức tạp; rủi ro pháp lý; thiếu nguồn nhân lực có tay nghề; năng lực cạnh tranh yếu - chính sách hỗ trợ cạnh tranh cũng yếu. Trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và những hệ lụy có liên quan đang là rủi ro lớn nhất với cộng đồng DN lớn Việt Nam, với việc 63,3% ý kiến đánh giá cho rằng những sự bất khả kháng từ căng thẳng địa chính trị đã và đang gây những khó khăn lớn cho DN.

Tuy vậy, theo khảo sát của Vietnam Report tháng 11/2018, đánh giá về tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh năm nay, 48,3% DN cho rằng ổn định; 41,4% DN nhận định tốt lên và 10,3% báo cáo kết quả xấu đi.

VNR500 cũng đã khảo sát DN đánh giá về các giải pháp tháo gỡ khó khăn của DN được thực hiện trong thời gian qua theo các mức độ tốt - hiệu quả, bình thường và kém. Về những nỗ lực của Chính phủ giai đoạn qua, DN đánh giá Top 3 chính sách đạt hiệu quả cao trong việc tháo gỡ khó khăn của DN là tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế (79,3%); Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá cán bộ (50%) và Cải cách thủ tục hành chính (48,3%).

Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng Chỉ số thương mại bền vững (trong 19 nền kinh tế châu Á và Mỹ), nằm trong các nước được đánh giá cao về mức độ mở cửa thị trường.

Đặc biệt, việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP mới đây đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ phía các DN. Không chỉ mở cửa mạnh mẽ thị trường hàng hóa - dịch vụ - đầu tư, tạo cơ hội giúp các DN hưởng lợi thuế quan, CPTPP còn hứa hẹn sẽ giúp các DN Việt nâng cao nội lực, đẩy mạnh các quy chuẩn như sở hữu trí tuệ, đồng thời giải quyết tranh chấp và phòng vệ thương mại.

Nói về tương lai, mặc dù bức tranh kinh tế giai đoạn tới được nhiều chuyên gia nhận định sẽ tăng trưởng khá, nhưng nhiều DN thể hiện sự dè dặt khi 50% DN dự báo kết quả sản xuất kinh doanh đầu năm 2019 sẽ chỉ ở mức cơ bản ổn định; trong đó 37% cho rằng chi phí sẽ tăng lên và 18,5% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm.

Cùng với đó, khảo sát của VNR500 cũng cho thấy mối quan ngại không hề nhỏ khi tỷ lệ DN lớn đầu tư cho công nghệ tiên tiến của CMCN 4.0 còn thấp: có gần 40% DN tham gia khảo sát cho biết chưa đầu tư cho bất kỳ công nghệ 4.0 nào. Kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn rất nhiều những việc phải làm từ chính các DN và từ chính sách để DN Việt Nam giữ vững vị thế trên thương trường.

Linh Đan

Tin đọc nhiều