Tiếp vốn rẻ tạo sức bật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

10:31 | 04/08/2021

Là thành phần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, DNNVV luôn là đối tượng khách hàng chiến lược được Agribank ưu tiên dành một nguồn lực lớn để xây dựng các chính sách, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các DN.

Gần 90% DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam, phát hiện chính từ điều tra DN năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, qua khảo sát 10.197 DN, trong đó có 8.633 DN tư nhân và 1.564 DN thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết, có gần 90% DN ở hầu hết các ngành, nghề bị ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19. Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, có đến 25.919 DNNVV chiếm hơn 90% tổng số DN cả nước hiện tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Những ảnh hưởng chủ yếu là DN gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng; chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy; mất cân đối dòng tiền; khó khăn trong quản trị lao động. Một số DN còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Ngoài ra, các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19…

tiep von re tao suc bat cho doanh nghiep nho va vua
DNNVV luôn là đối tượng khách hàng chiến lược được Agribank ưu tiên

Trong khi đó tại Việt Nam, các DNNVV chiếm tỷ trọng cao nhất trong nền kinh tế. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 800.000 DN đang hoạt động, trong đó 98% là DNNVV, thu hút hơn 5,6 triệu lao động, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 31% vào tổng thu ngân sách hàng năm. Do đó, việc hỗ trợ các DNNVV luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, việc tập trung nguồn vốn ưu tiên cho các DNNVV, ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV luôn được Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thông qua việc đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV; ban hành 05 Nghị định hướng dẫn Luật; đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV và về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

Tiếp sức để DN phục hồi

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, việc ngân hàng hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 cũng chính là hỗ trợ các ngân hàng trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn, bảo đảm lợi nhuận, giảm áp lực nợ xấu, giảm chi phí và trích lập dự phòng rủi ro, mở rộng quy mô và tăng lợi nhuận. Chính vì thế NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. NHNN tiếp tục điều hành theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thời gian qua, ngành Ngân hàng nói chung và Agribank đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân và DN về nguồn vốn, để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, quyết tâm đạt được “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Là thành phần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, DNNVV luôn là đối tượng khách hàng chiến lược được Agribank ưu tiên dành một nguồn lực lớn để xây dựng các chính sách, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các DN. Agribank định hướng xây dựng mối quan hệ với các DNNVV là mối quan hệ đối tác bền vững, lâu dài, vì lợi ích và sự phát triển của DN. Xác định DNNVV là đối tượng khách hàng dễ bị tổn thương do năng lực tài chính còn hạn chế, bộ đệm thanh khoản kém…

Từ năm 2020 khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các DNNVV, Agribank liên tục triển khai gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn để hỗ trợ DNNVV sớm vượt qua khó khăn. Đơn cử, từ ngày 01/10/2020 Agribank có gói lên đến 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi từ 4,8%/năm - 7,5%/ năm tùy theo kỳ hạn để cho vay hỗ trợ DNNVV. Thời gian vay được ưu đãi tối đa không quá 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn giải ngân từ ngày 1/10/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và 12 tháng đối với các khoản vay trung và dài hạn giải ngân từ ngày 01/10/2020 đến hết ngày 30/6/2021. Sau 9 tháng triển khai, đến hết ngày 30/6/2021, đã có 119 DNNVV được tiếp cận chương trình tín dụng ưu đãi này của Agribank với doanh số cho vay đạt gần 1.200 tỷ đồng. Đồng thời, khi tham gia chương trình tín dụng này, các khách hàng là doanh nghiệp SME sẽ được hưởng các ưu đãi về sản phẩm dịch vụ cung cấp bởi hệ sinh thái đa dạng các công ty con, công ty liên kết của Agribank. Bên cạnh đó, thấu hiểu nhu cầu kết nối của các DN, Agribank đã đi đầu làm cầu nối cho các khách hàng DNNVV có nhiều hơn cơ hội phát triển kinh doanh qua các kênh kết nối đa dạng với chi phí hợp lý bằng chính mạng lưới rộng khắp của ngân hàng.

Ngay khi chương trình tín dụng này kết thúc vào ngày 30/6/2021, nhận thấy các DNNVV vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt thứ 4 của đại dịch Covid-19, Agribank tiếp tục dành 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi “Agribank đồng hành và phát triển cùng DNNVV”, trong đó 10.000 tỷ đồng dành cho vay ngắn hạn và 20.000 tỷ đồng dành cho vay trung, dài hạn. Cụ thể, từ ngày 01/07/2021, DNNVV có thể tiếp cận mức lãi suất cho vay ngắn hạn giảm tới 4,5%/năm hoặc thấp hơn để bổ sung vốn lưu động phục vụ phương án sản xuất kinh doanh. Đối với cho vay trung, dài hạn DNNVV có thể tiếp cận mức lãi suất tối thiểu 6,5%/năm để thực hiện các dự án đầu tư mới phục vụ sản xuất, kinh doanh; các dự án đầu tư giai đoạn 2; các dự án đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiên các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu; Sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Như vậy, với mức lãi suất ưu đãi này, Agribank đã hỗ trợ DNNVV lên tới 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi tối đa 6 tháng đối với cho vay ngắn hạn và tối đa 12 tháng đối với cho vay trung, dài hạn.

Song song với chương trình tín dụng ưu đãi dành cho DNNVV, Agribank cũng đang triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi khác như: 100.000 tỷ đồng dành cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu; 150 triệu USD dành cho khách hàng FDI; 35.000 tỷ đồng dành cho khách hàng lớn và 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị. Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Agribank đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; Cho vay mới với lãi suất ưu đãi; Hạ lãi suất cho vay… Tính từ đầu năm 2020 đến nay Agribank đã thực hiện cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí cho 12.500 khách hàng với dư nợ 30.109 tỷ đồng, cho vay mới hơn 203.000 tỷ đồng cho trên 50.000 khách hàng.

tiep von re tao suc bat cho doanh nghiep nho va vua

Bên cạnh đó, kể từ tháng 5/2021, Agribank đã triển khai chính sách miễn giảm phí dịch vụ thanh toán trong nước đối với tất cả khách hàng có tài khoản thanh toán tại Agribank, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid phức tạp như hiện nay và hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch.

Mới đây nhất, Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức vay vốn bằng VND tại Agribank nhằm hỗ trợ khách hàng, DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể, đối với khoản vay tại thời điểm 15/07/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Với vai trò quan trọng trong việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Agribank luôn dành nguồn vốn ưu đãi lớn hỗ trợ doanh nghiệp SMEs nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn toàn xã hội đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay. Ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi, Agribank còn cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích khác cho khách hàng như: Tiền gửi, đầu tư, mua bán ngoại tệ, bảo lãnh, thanh toán trong nước và quốc tế, dịch vụ ngân hàng số…

Thục San

Tin đọc nhiều