Ảnh minh hoạ |
Theo khảo sát của phóng viên, đa số nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người tiết kiệm không hiệu quả là do họ không có kế hoạch dài hạn, không xác định được số tiền và thời gian hoàn thành mức tiết kiệm. Không xác định được mục tiêu tiết kiệm cũng ảnh hưởng đến việc tiết kiệm thành công hay thất bại. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, có người muốn tiết kiệm và lên kế hoạch để mua nhà, mua ô tô mới hoặc đơn giản chỉ là để xây dựng một nguồn quỹ khẩn cấp… nhưng họ lại không có khái niệm gì về một con số cụ thể.
Bên cạnh đó, theo như bạn Nguyễn Vân Anh (Đống Đa, TP Hà Nội) chia sẻ thì sở thích mua sắm mà không nghĩ đến mục đích sử dụng khiến tiêu tốn khá nhiều tiền trong tháng nên việc tiết kiệm rất khó khăn.
"Cũng muốn tiết kiệm nhưng nhiều khoản chi nhỏ trong tháng cộng lại khiến kế hoạch tiết kiệm tiền bị đổ bể", Vân Anh tâm sự.
Có thể kể ra "một nghìn một trăm lẻ một" lý do vì sao nhiều người lại không tiết kiệm tiền hiệu quả.
Hiểu được những khó khăn này, các ngân hàng đã phát triển nhiều tiện ích được tích hợp trong các ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại để “cứu nguy” cho kế hoạch tiết kiệm của khách hàng.
Đơn cử, trong ứng dụng VCB-Mobile B@nking của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng đã phát triển tiện ích “Đặt mục tiêu tiết kiệm”. Trong đó, ngân hàng chia ra nhiều mục tiêu tương ứng với nhu cầu chi những khoản lớn của khách hàng như mua nhà, mua xe, học hành, đám cưới…
Tuỳ vào nhu cầu, khách hàng sẽ lựa chọn số tiền cần tích luỹ, kỳ hạn/ lãi suất, thời gian cần tích luỹ. Ví dụ, khách hàng có nhu cầu tiết kiệm 1 tỷ đồng để mua nhà với kỳ hạn 36 tháng/ lãi suất 6,3%/năm. Ứng dụng sẽ trả kết quả về khách hàng như sau: số tiền gửi góp hàng tháng 27,7 triệu đồng, tổng số tiền lãi 189 triệu đồng, tổng số tiền nhận được 1 tỷ 189 triệu đồng.
Kế hoạch tiết kiệm đã có nhưng khách hàng chưa đủ quyết tâm để thực hiện theo lịch cố định thì công nghệ của ngân hàng sẽ giúp khách hàng làm điều này. Với ứng dụng ngân hàng số của Timo, khách hàng sử dụng tính năng Goal Save, ngân hàng sẽ tự động trích một khoản tiền từ tài khoản chính của khách hàng để gửi tiết kiệm. Theo đó, khách hàng sau khi lên mục tiêu cụ thể và đặt sẵn lịch trích tiền theo ngày, tuần hoặc tháng, Timo sẽ tự động trích một khoản cố định từ tài khoản Spend Account và chuyển đến tài khoản Goal Save để khách hàng tiết kiệm.
Ngoài tiết kiệm trực tiếp, nhiều khách hàng lại lựa chọn quản lý chi tiêu cá nhân trong tháng hợp lý, đến cuối tháng số dư còn bao nhiêu mới gửi tiết kiệm. Với sở thích tiết kiệm này, ngân hàng cũng đưa ra giải pháp công nghệ để hỗ trợ khách hàng.
Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), ứng dụng SeAMobile New được ra đời để hỗ trợ khách hàng quản lý tài chính cá nhân một cách rõ ràng và cụ thể. Trợ lý tài chính này cho phép khách hàng nắm được tình hình các khoản tài chính khả dụng, giúp khách hàng có cái nhìn tổng quan về thu nhập và chi tiêu của mình bằng cách liệt kê, so sánh các khoản thu - chi và phân tích, cảnh báo chi tiêu theo mức khuyến nghị dựa theo mô hình 6 lọ quốc tế. Từ đó, khách hàng có thể thống kê đầy đủ và chính xác nhất các khoản chi phí, số tiền cụ thể, từ đó cắt giảm những chi phí không cần thiết để tiết kiệm hiệu quả hơn.
Như vậy, có thể thấy, công nghệ đã trở thành công cụ đầy tiện ích cho người dân khi muốn tiết kiệm. Để có nhiều trải nghiệm mới này phải kể đến việc thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các dịch vụ phụ trợ. Theo các chuyện gia, điều này không chỉ có lợi cho khách hàng mà còn cho cả ngân hàng. Bởi, việc ứng dụng nhiều hơn công nghệ thông tin vào các sản phẩm dịch vụ phụ trợ giúp ngân hàng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng mức độ hài lòng và gắn bó lâu dài của của khách hàng.
Hương Giang