Tiết kiệm năng lượng ngành dệt may: Yếu tố con người đóng vai trò quyết định

18:48 | 06/03/2012

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành dệt may còn khoảng 30%. Nếu tiết kiệm được năng lượng thì các doanh nghiệp (DN) sẽ giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh.

Lãng phí từ tiêu hao năng lượng

Ngành dệt may những năm gần đây luôn đứng trong tốp đầu về kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước. Đặc biệt năm 2011 được coi là thành công của ngành dệt may khi đứng thứ nhất về KNXK của cả nước với con số 15,8 tỷ USD, vượt năm 2010 lên đến 25%.

Bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mục tiêu phát triển ngành cho tới năm 2015, định hướng tới năm 2020 là đưa dệt may trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn để xuất khẩu; Thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế khu vực và quốc tế. Bởi vậy, mục tiêu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra trong năm 2012 sẽ đạt KNXK 19 tỷ USD.

Trong điều kiện thị trường nhiều biến động, điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn mà vẫn phải tăng trưởng, là bài toán khó đặt ra cho các DN ngành dệt may. Trong các giải pháp thì giảm giá thành là giải pháp quan trọng. Bên cạnh việc tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, vấn đề tiết kiệm năng lượng là một trong những yếu tố căn bản cho công cuộc đổi mới này của DN. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành dệt may còn khoảng 30%. Nếu tiết kiệm được năng lượng, thì các DN sẽ giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh của DN. Tuy nhiên để áp dụng được vào trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn.

Giải quyết bài toán này, theo bà Đặng Phương Dung, yếu tố tiên quyết, chính là con người. Từ lãnh đạo đến công nhân các DN, đều phải thực sự ý thức tiết kiệm năng lượng trong những công việc cụ thể, mà trong đó phải chú ý đến những thiết bị, công nghệ sử dụng. Hiện nay có rất nhiều DN nhập những thiết bị có khả năng tiết kiệm năng lượng, nhưng để sử dụng và ý thức tiết kiệm thì không phải DN nào cũng làm tốt. Một trong những rào cản lớn nhất đối với các DN dệt may của Việt Nam hiện nay là phần lớn có quy mô nhỏ và vừa. Như vậy để các DN này bỏ ra số tiền lớn đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng ngay từ đầu là khó khăn.

Kết quả từ thực tế tiết kiệm

Những năm qua, nhận thức được vai trò của tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh, nhiều DN dệt may đã chủ động đầu tư các thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng; thay thế các thiết bị, sản phẩm lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng bằng những thiết bị mới. Điển hình về sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng là CTCP May và Dịch vụ Hưng Long (Hưng Yên).

Hiện nay, mức tiêu thụ năng lượng của công ty vào khoảng 286.000 kW/tháng và tiêu tốn nhiều nhất là hệ thống chiếu sáng của 10 phân xưởng sản xuất với hơn 5.400 đèn. Ngoài ra hệ thống điều không cũng tiêu hao điện năng đáng kể. Để tiết kiệm điện năng, năm 2010 công ty đã thay thế 900 bộ đèn T5 tiết kiệm tối đa và hiệu quả hơn cho xưởng cũ. Bên cạnh việc sử dụng các loại đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, công ty còn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm khác như công ty cho lắp đặt 500 bộ thiết bị tiết kiệm điện cho hệ thống máy may, tiết kiệm khoảng 12,5% chi phí năng lượng. Lắp đặt hệ thống bơm thu hối nước ngưng của lò hơi để tái tạo sử dụng giúp tiết kiệm 25% chi phí nhiên liệu…

Tổng giám đốc CTCP May và Dịch vụ Hưng Long Đỗ Đình Định nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Vì ngoài tất cả những lợi ích thiết thực, ảnh hưởng ngay và trực tiếp đến DN, thì những lợi ích lâu dài mà chúng tôi có được còn lớn hơn nhiều. Mục tiêu tổng thể giảm tối thiểu 30% chi phí năng lượng toàn công ty".

Công ty Dệt may Hà Nội cũng đã tiết kiệm đáng kể được điện năng tiêu thụ. Công ty đã chủ động thay 14.000 bộ đèn T10 và chấn lưu sắt từ bằng loại đèn T8 và chấn lưu điện tử đã giảm 17% điện tiêu thụ, tiết kiệm 720.000kWh điện/năm, tương đương số tiền 800 triệu đồng.

Tiết kiệm năng lượng thực sự đem lại hiệu quả lâu dài cho các DN. Việc nhận thức và tuyên truyền phổ biến sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng là yếu tố thành công để các DN trong ngành dệt may tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nguyễn Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều