Tiết kiệm tiền - quan trọng là chúng ta có nỗ lực hay không?

08:41 | 04/06/2020

Làm sao để tiết kiệm và tích lũy được nhiều nhất là câu hỏi của rất nhiều người trong thời điểm hiện nay. Để giải quyết câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng, mỗi người phải thực hiện được 2 bước quan trọng là: có được một khoản dự phòng đủ chi tiêu từ 3-6 tháng và phải biết làm sao quản lý được tài chính cá nhân hiệu quả.

Theo các chuyên gia tài chính, kiếm tiền, tạo ra thu nhập là bước đầu tiên trong việc tạo ra quỹ tài chính cá nhân. Bước thứ hai và cũng rất quan trọng là tiết kiệm tiền từ khoản thu nhập đó. Tiết kiệm được thì mới có tiền để đưa vào đầu tư để tăng trưởng, sinh sôi tiền nhằm đạt mục tiêu tài chính cá nhân.

Có điều, cuộc sống không phải lúc nào cũng nằm trong tính toán và kế hoạch. Một ngày, bạn có thể thất nghiệp, đau ốm hoặc đối diện với một cuộc suy thoái. Nhất là trong những khoảng thời gian khó khăn như đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống. Đó là lý do bất kỳ ai cũng cần tới một khoản dự phòng tài chính.

tiet kiem tien quan trong la chung ta co no luc hay khong
Ảnh minh họa

Như vậy, để có thể thực hiện mục tiêu tài chính cá nhân thì sau khi tạo ra thu nhập, chúng ta phải biết tiết kiệm trước khi chi tiêu. Và chúng ta phải biết đặt thứ tự ưu tiên và quản lý chi tiêu chặt chẽ để có thể tiết kiệm và tích lũy cao nhất. Để khi xảy ra bất kỳ biến cố nào trong cuộc sống, chúng ta đều có khoản dự phòng tối thiểu sẽ cứu bản thân khỏi những biến cố bất ngờ, tránh xa các khoản vay lãi cao, tiêu lẹm thẻ tín dụng hay cầu cứu khắp nơi.

Vậy, mỗi người cần tích lũy cho mình khoản dự phòng bao nhiêu là cần thiết?

Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, mỗi một cá nhân dù có gia đình hay độc thân, tốt nhất nên chuẩn bị cho mình một khoản dự phòng đủ chi tiêu trong vòng 3-6 tháng. Có thể, đối với một số người, khoản dự phòng này vượt quá khả năng của họ vì luôn ở trường hợp “thu không đủ chi” hoặc “làm đủ ăn”, lấy đâu ra “của để dành”. Thế nhưng, nếu bạn có thể làm một phép tính đơn giản là: chi tiêu mỗi tháng của bạn hoặc gia đình từ 10 đến 20 triệu đồng và bạn quyết định dự phòng số tiền chi tiêu tương ứng với ba tháng là 30-60 triệu đồng. Nếu quyết tâm để dành trong một năm, mỗi ngày bạn cần để dành từ 80.000 - 160.000 đồng. Nếu không, bạn có thể đặt mục tiêu tiết kiệm dài hơi hơn và chia nhỏ số tiền có thể cất ra mỗi ngày. Xét về con số mỗi ngày đó, chắc hẳn bạn sẽ không thấy khó khăn và hoàn toàn có thể nằm trong khả năng của nhiều người. “Tích tiểu thành đại” chính là cụm từ chính xác trong trường hợp tích lũy này. Đồng thời, làm được việc này cũng chính là để bạn có thể hoàn toàn thoát ra khỏi tình trạng “trắng tay” sau bao nhiêu năm đi làm mà không có tích lũy.

Có một điều, bạn phải hãy chắc chắn số tiền đó để dành với mục đích dự phòng và chỉ dùng trong lúc bí bách chứ không đụng đến kể cả khi bạn cần tiền cho mua sắm lớn, mua nhà hay đầu tư... Bởi lẽ, số tiền này được gọi tên “dự phòng tài chính” và tốt nhất là bạn nên gửi vào ngân hàng và sử dụng các công cụ như đặt lệnh trích tự động hàng tháng. Bởi chỉ có trích tự động từ ngân hàng bạn mới có quyết tâm cao được. Chưa kể, các ngân hàng luôn trả lãi cao hơn 0,1-0,3% so với khi bạn gửi tiền trực tiếp tại chi nhánh.

Thực ra, nói đến chuyện tiết kiệm tiền thì nó khó hơn chúng ta nghĩ. Thế nên xưa nay, câu nói “Kiếm tiền thì dễ, sử dụng tiền mới khó bởi không phải ai cũng biết cách sử dụng tiền” luôn luôn đúng. Kiếm tiền đã khó. Sử dụng tiền một cách thông minh, hợp lý để có thể tiết kiệm, tích lũy được là chuyện còn khó hơn.

Đồng thời, đa số chúng ta đều quan niệm sai lầm về tiết kiệm. Khi có thu nhập, chúng ta thường sử dụng tiền theo ý muốn của mình, và cố gắng cắt bớt chi tiêu để tiết kiệm. Người nào giỏi hơn thì có kế hoạch, phân bổ tiền về các quỹ tài chính và tìm cách cắt giảm các khoản chưa cần thiết từ các quỹ không quan trọng, để đưa tiền vào quỹ tiết kiệm/đầu tư. Người nào đơn giản hơn thì nghĩ rằng cứ tiêu xài các khoản cần thiết xong, số tiền còn dư sẽ đưa vào tiết kiệm coi như tích lũy để dành. Làm như vậy nghe có vẻ đúng, nhưng thật ra chưa đúng.

Như đã nói ở trên, các chuyên gia đánh giá người nào biết tích lũy tiền trước khi sử dụng mới là người quản lý tài chính thông minh. Theo đó, mỗi khi có tiền thì trích ngay 5% - 10% để đưa vào khoản "tài chính cá nhân". Có rất nhiều cách để cất giữ khoản 5% - 10% này, nhưng tốt nhất vẫn là để ngân hàng trích ngay vào tài khoản tiết kiệm ngay khi nhận được tiền lương thì nó mới hiệu quả. Số tiền còn lại, mỗi người sẽ chi tiêu bằng cách sắp xếp chúng theo thứ tự quan trọng và cần thiết để không bị thiếu hụt trong cuộc sống.

Khi chúng ta đủ kỷ luật để đưa bản thân vào thế tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm chủ động như thế, chúng ta sẽ bắt đầu có tiền tiết kiệm đều đặn. Nếu có thu nhập 10 – 15 triệu đồng/tháng, chúng ta hãy tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng, sẽ được 12 triệu đồng/năm. Nếu có thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tháng, chúng ta hãy tiết kiệm 2 triệu đồng/tháng, sẽ được 24 triệu đồng/năm. Nếu có thu nhập 40 – 60 triệu đồng/tháng, chúng ta hãy tiết kiệm 5 triệu đồng/tháng, sẽ được 60 triệu đồng/năm.

Mỗi khi làm không đúng kế hoạch chi tiêu đã định ra, chúng ta hãy tự nhắc mình về mục tiêu độc lập tài chính, hoặc mục tiêu tự do tài chính mà mình hướng đến trong tương lai để có động lực kỹ thuật bản thân, làm đúng kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu.

Một khi thiết lập được kỷ luật chi tiêu tốt, chỉ cần vài năm, mỗi người sẽ có được một khoản tiền tích góp nhất định. Thậm chí, một số người có thể sử dụng số tiền này đem đi đầu tư để đạt được mục tiêu tài chính cá nhân của mình…

Triều Anh

Tin đọc nhiều