Tìm giải pháp bền vững cho cà phê Tây Nguyên

15:14 | 02/05/2012

Mặc dù, giá cà phê nhân trên thị trường đang ở mức cao, 39.000 - 40.000 đồng/kg, song việc mua và bán cà phê hiện nay đối với cả nông dân lẫn đại lý trên địa bàn Tây Nguyên vẫn là việc khó.

Nông dân lẫn đại lý đều gặp khó

Niên vụ cà phê 2011- 2012, đã kết thúc gần 3 tháng, nhưng đến nay tại Đắk Lắk, phần lớn số lượng cà phê nhân vẫn đang được người dân "găm hàng". Hình thức "găm hàng" chủ yếu là đóng bao, tích trữ tại nhà, hoặc ký gửi tại các đại lý cà phê trên địa bàn.


Tây Nguyên là thủ phủ cà phê của Việt Nam. (Ảnh: MH)

Thời gian này, người trồng cà phê đang cần vốn để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu… vì vậy, buộc họ phải bán cà phê. Song, để bán được lại không dễ chút nào. Chị Lê Lan Anh, xã Ea Tân, huyện Krông Năng cho biết: Gia đình đã ký gửi toàn bộ 5 tấn cà phê cho một đại lý ngay từ đầu mùa. Nhưng, đến ngày chốt giá lại bị ép đủ đường, từ việc trừ độ ẩm từ 2 - 4 kg/tạ cà phê nhân, đến 2% lệ phí kho bãi cất giữ. Chưa hết, giá thu mua trên thị trường tại thời điểm chốt giá 39.600 đồng/kg, nhưng đại lý chỉ mua với giá 39.000 đồng/kg. Chị Anh chua xót: Bức xúc lắm nhưng đành chịu, bởi đã trót ký gửi cho người ta, không thể lấy ra bán cho đại lý khác. Tính ra 5 tấn cà phê của chị thiệt khoảng 20 triệu đồng. Đối với những người cất giữ cà phê ở nhà cũng không tránh khỏi thiệt thòi. Các đại lý thường mua với số lượng nhỏ, bởi theo họ là không đủ vốn để mua nhiều. Anh Y Thoan Niê ở phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ cho hay: Muốn bán 4 tấn cà phê nhân nhưng gọi "năm lần bảy lượt" người của đại lý mới đến, lúc mua lại kì kèo chỉ lấy 2 tấn, nếu muốn bán hết phải chịu giá thấp hơn giá thị trường từ 200 - 400 đồng/kg. Anh Y Thoan Niê tiết lộ, các đại lý trên địa bàn liên kết với nhau để ép giá, nên bán ở đâu cũng vậy.


Việc mua bán cà phê như hiện nay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh: MH)

Nông dân khó khăn, đại lý thu mua cũng lao đao. Anh Trần Anh Dũng, chủ DNTN TM Dũng Ngân, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cho biết: Hiện, người nông dân không còn ký gửi cà phê ồ ạt như những năm trước nữa mà tự "găm hàng" tại nhà. Tuy nhiên, mỗi khi gặp khó bà con lại ra đại lý để cầm "Sổ đỏ", viết giấy vay mượn tiền và hứa sẽ bán cà phê cho chủ nợ.

Song, đến lúc bán bà con lại đưa cà phê đến đại lý khác, khoản nợ vẫn chây ỳ không chịu trả. Đến nay, anh Dũng đã "giải ngân" cho bà con vay khoảng 700 triệu đồng mà chưa biết khi nào mới lấy lại được...

Đối với một số công ty lớn trên địa bàn như Vinacafe Buôn Ma Thuột cũng đang khó khăn về vốn, dẫn đến khả năng thu mua nguyên liệu giảm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Kinh doanh của công ty cho biết: Mọi năm Vinacafe Buôn Ma Thuột thu mua khoảng 100.000 tấn cà phê nhân, bây giờ mua chưa tới 20.000 tấn. Còn theo ông Lê Đức Thống, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK cà phê 2 - 9 Đắk Lắk (thuộc tập đoàn Simexco Việt Nam): Các công ty trong nước đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất từ 17 - 19%/năm. Trong khi, công ty nước ngoài chỉ phải trả lãi suất từ 2,5- 3%/năm. Từ thực tế trên khiến ngành sản xuất, kinh doanh cà phê đang lâm vào cảnh khó khăn bội phần.

Để câu chuyện "vỡ nợ" không tái diễn

Thời gian qua, nhiều đại lý thu mua cà phê trên địa bàn Đắk Lắk tuyên bố phá sản, xù nợ của người ký gửi cà phê rồi bỏ trốn, khiến bao nông dân trở nên trắng tay. Điển hình như đại lý của bà Phan Thị Hoa tại huyện Krông Pak, đại lý Tám Loan, ở thị xã Buôn Hồ, đại lý cà phê Hiệp Gái ở huyện Krông Năng… Câu chuyện "vỡ nợ" cà phê đã "cũ rích", nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng cho đến bây giờ. Nguyên nhân chính, do việc mua bán chỉ dựa vào lòng tin, uy tín. Một khi, đại lý xây dựng được lòng tin trong nông dân thì càng nhận được nhiều cà phê ký gửi. Nếu mọi việc làm ăn suôn sẻ, nghiêm túc thì không có vấn đề gì để nói. Tuy nhiên, khi đại lý làm ăn không rõ ràng, mang tính chất đầu cơ, trục lợi trên vốn của nông dân, lúc gặp khó khăn trong mua bán cà phê kỳ hạn (giao dịch hàng hoá tương lai), cộng với giá cà phê trên thị trường diễn biến khó lường... đại lý mất khả năng thanh toán do thua lỗ trực tiếp và gián tiếp. Bởi khi nông dân ký gửi cà phê vào kho, đại lý xuất bán lấy tiền đầu tư vào bất động sản, đầu tư cà phê tương lai... Khi giá cà phê tăng, nông dân đến chốt giá để bán lấy tiền. Nhưng trên thực tế, cà phê nông dân ký gửi tại kho đã bị các đại lý bán từ lâu. Ví dụ: Khi nông dân ký gửi cà phê, giá thị trường chỉ 30.000 đồng/kg, nông dân chưa bán. Vì cần tiền đầu tư đại lý xuất bán số lượng cà phê của nông dân ký gửi với giá 30.000 đồng/kg. Nhưng sau vài tháng giá cà phê tăng đến 40.000 đồng/kg, nông dân xác định thời điểm cần bán, đến đại lý chốt giá thì đại lý phải bù lỗ 10.000 đồng/kg. Bản thân các đại lý vốn dĩ đã hạn chế về năng lực tài chính, hoạt động nhận ký gửi cà phê thực chất là một hình thực chiếm dụng vốn của nông dân để đầu tư... dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, vỡ nợ... Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh Buôn Ma Thuột: Thông thường, các đại lý đầu cơ chờ thời, mà không sử dụng công cụ bảo hiểm giá qua sàn giao dịch. Khi gặp rủi ro người nông dân lãnh đủ. Mọi giao dịch chỉ thông qua biên nhận ký gửi, không có hợp đồng mua bán, ký gửi rõ ràng... tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Tăng Thanh Châu - Phó Giám đốc NHNN Đắk Lắk cho biết: "Vỡ nợ" cà phê gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD trên địa bàn. Hiện nay đa phần người nông dân đều vay vốn ngân hàng để đầu tư chăm sóc cho cây cà phê. Vì vậy, khi đại lý mất khả năng thanh toán sẽ ảnh hưởng đến việc trả nợ. Mặt khác, hầu hết các đại lý đều vay vốn ngân hàng để thu gom cà phê, khi mất khả năng thanh toán thì ít nhiều cũng liên quan đến việc thu hồi nợ của ngân hàng dù, tất cả khoản vay đều có tài sản thế chấp. Hiện, NHNN chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đang chỉ đạo các TCTD tích cực hỗ trợ hộ nông dân tiếp tục sản xuất, tránh tình trạng thiếu vốn dẫn đến ảnh hưởng xấu đến vườn cây, năng suất thu hoạch. Đồng thời, các TCTD căn cứ theo quy định hiện hành, cũng như quy chế của mỗi TCTD nỗ lực hỗ trợ nông dân với các hình thức gia hạn kỳ hạn tín dụng, định lại kỳ hạn các khoản vay cho hộ nông dân... Cũng theo ông Cường, Giám đốc Eximbank chi nhánh Buôn Ma Thuột: Một số khách hàng kinh doanh thu mua cà phê đang gặp khó, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn vay, gia tăng thời hạn trả nợ theo quy định nếu có phương án kinh doanh khả thi, ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn. Ngược lại, kiên quyết phát mãi tài sản để thu hồi nợ, không dây dưa kéo dài khó cho khách hàng lẫn ngân hàng...

Về phía chính quyền địa phương, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn các hộ nông dân không may ký gửi cà phê tại đại lý mất khả năng thanh toán, làm đơn trình báo theo đúng trình tự pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn bà con ký gửi cà phê qua sàn giao dịch để đảm bảo an toàn, tránh rủi ro...

Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan quản lý cần hạn chế hoặc nghiêm cấm các đại lý "cấp thôn, cấp xã, cấp huyện" nhận ký gửi cà phê của các hộ nông dân. Thay vào đó, cần mở rộng hệ thống đại lý chính thống, có giấy phép trực thuộc sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, để hỗ trợ việc thu mua, ký gửi cà phê của bà con nông dân. Có như vậy, mới tránh được tình trạng "vỡ nợ" cà phê khiến nhiều nông dân trắng tay như hiện nay...

Lê Thành - Công Thái

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều