Việc tiếp cận và sử dụng các kênh đầu tư hiện nay mới chỉ dừng lại ở một bộ phận các NĐT, chưa thực sự phát huy hết khả năng sinh lời của vốn nhàn rỗi để tạo những cú huých cho nền kinh tế. Vấn đề này đã được đưa ra tại Hội thảo “Kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư tài chính cá nhân” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là tâm lý e ngại rủi ro của không ít NĐT cá nhân cũng như sự thiếu hoàn thiện của các kênh đầu tư tài chính. Điều này khiến đa phần người dân không mặn mà với việc tham gia vào các kênh đầu tư tài chính, dẫn đến nguồn vốn nằm ứ đọng trong nền kinh tế rất lớn và chưa được sử dụng hiệu quả.
Ảnh minh họa |
TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia đã chỉ ra một số nguyên nhân của tình trạng này. Đầu tiên, theo ông Tuấn là do khuôn khổ pháp lý bảo vệ NĐT chưa hoàn thiện. Thứ hai, thị trường và công cụ tài chính chưa phát triển; thiếu vắng thị trường mua bán tài sản. Cuối cùng, hiểu biết về tài chính chưa phổ cập, bằng chứng là chỉ 1/3 dân số Việt Nam có tài khoản tại các NHTM.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cũng lo ngại về sự thiếu chuyên nghiệp này. Theo ông Doanh, ở các quốc gia phát triển, mỗi cá nhân là NĐT, sổ gửi tiết kiệm NH rất ít, chủ yếu là người về hưu, trong khi ở Việt Nam thì ngược lại. Một số kênh đầu tư phổ biến thời gian qua như chứng khoán, bất động sản thì thiếu chuyên nghiệp, màu sắc đầu cơ cao, NĐT muốn có lãi nhanh. Theo ông Doanh đã đến lúc khuyến khích đầu tư cá nhân mạnh mẽ và chuyên nghiệp hơn. Phải làm sao ổn định tâm lý NĐT, để họ hiểu rằng đầu tư có lợi nhuận vừa phải nhưng lâu dài tốt hơn là chộp giật, muốn có lợi nhuận cao ngay.
Ông Lê Văn Phán, Giám đốc Quỹ đầu tư tài chính VinaWealth cũng phân tích, người dân Việt Nam thường tập trung vào 5 loại hình đầu tư tài chính là gửi tiết kiệm, vàng, BĐS, chứng khoán. Thì trong số này, theo tính toán của VinaWealth, trong 2 năm vừa qua chỉ có chứng khoán là thực sự sinh lời hiệu quả.
“Đa phần người dân gần như chưa biết đầu tư gì ngoài gửi NH. Kênh này an toàn song về dài hạn thì lợi nhuận thấp, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ kiên trì ổn định vĩ mô”, ông Phán đánh giá.
Với kênh đầu tư vào vàng, dù được xem là tài sản an toàn nhất, giữ được giá trị, bảo toàn vốn, tính thanh khoản cao, tuy nhiên lại chịu tác động lớn bởi kinh tế vĩ mô, cung cầu, chính sách với thị trường vàng. Đồng thời NĐT rất khó nắm bắt chu kỳ lên xuống của vàng. NĐT không chuyên nghiệp có thể rủi ro lớn trong kênh này.
Với kênh BĐS có thuận lợi lớn là khả năng lợi nhuận cao trong dài hạn, có nguồn từ việc thuê nhà đất. Tuy nhiên điểm bất lợi là đòi hỏi tiền đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao, thanh khoản thấp, cần nhiều thời gian thực hiện giao dịch, rủi ro pháp lý cũng cao. Do đó, ít NĐT cá nhân nào có thể tham gia vào kênh này.
Đầu tư chứng khoán đem lại tỷ suất sinh lời cao trong trung và dài hạn. Khả năng sinh lời cao, không đòi hỏi vốn lớn, linh hoạt, dễ dàng. Tuy nhiên kênh này cũng có bất lợi do tác động của nhiều yếu tố, như đòi hỏi NĐT bỏ nhiều thời gian theo dõi và nghiên cứu, dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, tâm lý đầu cơ, lướt sóng hơn là đầu tư dài hạn. Vì vậy, đây cũng không phải mảnh đất lý tưởng cho các NĐT cá nhân thiếu kinh nghiệm.
Một kênh khác được nêu ra là đầu tư vào các quỹ mở. Kênh này khác chứng khoán, thay vì quản lý trực tiếp thì chuyển giao tài sản cho công ty quản lý đa dạng danh mục đầu tư. Công ty sẽ đầu tư vốn thay cho các NĐT, do đó có thể yên tâm hơn. Với quỹ mở các cá nhân có thể mua bán trực tiếp với công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên kênh này cũng có nhược điểm vì phải trả phí cho công ty quản lý quỹ, phí phát hành cao.
Dù đầu tư vào kênh nào, thì các chuyên gia cũng lưu ý một nguyên tắc vàng, đó là đừng bao giờ bỏ tất cả trứng vào một giỏ, phải đa dạng hoá đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
Ông Lê Văn Phán đánh giá 3 kênh đầu tư hiện nay vẫn có giá trị tăng trưởng mạnh trong tương lai là BĐS, chứng khoán, một số quỹ mở hiện lợi nhuận bình quân 8-10%/năm tương đối ổn định, cao hơn biên độ lợi nhuận lãi suất NH 3%. Tuy nhiên, các kênh này chỉ đơn thuần là đầu tư, không có bảo vệ sức khoẻ. Do đó ông Phán đưa ra lời khuyên có thể lựa chọn thêm các kênh để vừa bảo vệ vừa đầu tư.
“Tốt nhất là đầu tư vào các công ty quản lý quỹ để họ sử dụng tiền của bạn, đầu tư và chia lãi cho bạn. Mua bảo hiểm và hợp tác với công ty bảo hiểm đầu tư cũng là phương án chuyên nghiệp nhất hiện nay”, TS. Lê Đăng Doanh khuyến cáo.
Khanh Đoàn