Tìm “trợ thủ” trong kinh doanh

09:50 | 09/04/2020

Gần đây, các ngân hàng liên tục thông báo miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng kinh doanh. Do vậy, người kinh doanh dù lớn hay nhỏ cũng nên nhanh chóng cập nhật, mở các gói tài khoản để tối đa hóa lợi nhuận kinh doanh.

Muốn kinh doanh online thành công, các chị em phải nắm vững bí quyết gói gọn trong 3 từ khóa “nhanh, gọn và rẻ” để tạo lợi thế cạnh tranh cho mình và tự tin buôn may, bán đắt. Thế nhưng, trong thời điểm kinh doanh khó khăn mùa dịch bệnh Covid-19 thì giới chuyên môn khuyên người kinh doanh nên tận dụng thêm những ưu đãi về phí mà ngân hàng triển khai để hỗ trợ mình hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, Ngân hàng Á Châu (ACB) công bố giảm phí giao dịch thanh toán trong và ngoài nước đến 50% tuỳ theo nhóm đối tượng khách hàng. Đặc biệt, ACB miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng trên online, phí chi hộ lương, phí rút tiền ATM dành cho khách hàng cá nhân kinh doanh; DN và nhân viên trả và nhận lương qua ACB theo chương trình Employee Banking.

tim tro thu trong kinh doanh
Các ngân hàng đã thiết kế nhiều gói sản phẩm để chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19

Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank) không chỉ miễn phí giao dịch cho khách hàng mà còn đặc biệt ưu ái tiểu thương ở các chợ đầu mối vốn không thường xuyên chuyển tiền online. Cụ thể, ngân hàng cho biết nếu khách hàng mở tài khoản chọn Gói tài khoản Thương Nhân Bản Việt thì các tiểu thương đó rút tiền mặt tại hệ thống ATM khắp mọi nơi mà không bị mất phí. Điều này giúp các tiểu thương có thể chủ động nguồn tiền mặt để nhập hàng.

Như trường hợp của anh Tấn Minh, chủ một cửa hàng bán đồ khô tại chợ Bến Thành. Trước đây anh rất ngại rút lượng lớn tiền mặt tại các cây ATM vì sợ bị tính phí rút tiền ngoài hệ thống. Từ ngày được bạn bè khuyên mở Gói tài khoản Thương Nhân Bản Việt, anh có thể tự tin tìm cây ATM gần nhất và rút tiền tùy sở thích mà không lo bị mất phí. “Điều này giúp tôi chủ động tiền mặt để trả cho các bạn hàng mỗi khi cần nhập sản phẩm mới” - anh Minh tiết lộ.

Miễn phí giao dịch cho DN sử dụng dịch vụ eBanking cũng là chương trình mà Sacombank đang triển khai. Theo đó, DN có thể thực hiện các giao dịch như: chi lương trong/ngoài hệ thống đến 2.000 nhân viên chỉ bằng một giao dịch, thanh toán thuế trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán tiền vay, chuyển tiền quốc tế eLC, eFT…

Còn Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) hợp tác với MISA giúp DN thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc quản lý tài khoản ngân hàng, tiết giảm được nhân sự và thời gian cho công tác kế toán. Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng những chính sách ưu đãi lớn khi sử dụng dịch vụ như: Tặng ví giao dịch trên tài khoản thanh toán lên đến 20 triệu đồng trong vòng 6 tháng; Miễn phí 100% các giao dịch chuyển tiền trực tuyến và giảm 30% phí các dịch vụ tại quầy; Miễn phí 100% phí thường niên dịch vụ Open Banking năm đầu tiên; Nhiều ưu đãi khác khi thực hiện chi lương qua Nam A Bank…

Thực tế, các chương trình miễn phí giao dịch này được ngân hàng triển khai hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19. Thế nhưng, DN cũng tin rằng, sự đồng hành của ngân hàng thời điểm này vô cùng lớn bởi chính ngân hàng cũng là DN bị ảnh hưởng rất nặng nề trong mùa dịch bệnh. Ấy vậy mà họ luôn cố gắng triển khai nhiều dịch vụ, sản phẩm tiện ích nhất dành cho khách hàng của mình với hy vọng khách hàng sẽ nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch.

Có thể nói, cho đến nay, các ngân hàng đã tham gia rất tích cực vào việc ưu đãi về lãi, phí cho khách hàng bị ảnh hưởng. Cụ thể, lãi suất ưu đãi để hỗ trợ DN tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất thông thường là 0,5-1,5%/năm cho các khoản vay mới, ở một số ngân hàng còn có mức cắt giảm sâu hơn ở mức 2-5% như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank)... Bên cạnh đó, phần nhiều ngân hàng cũng đưa ra các ưu đãi miễn giảm phí giao dịch trong ngắn hạn hoặc trọn đời như đã nêu ở trên.

Không loại trừ khả năng sắp tới các ngân hàng sẽ hy sinh lợi nhuận của mình để tiếp tục đề ra các chính sách nhằm giảm lãi phí cho vay sâu hơn nữa. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch có thể có phạm vi lớn, các gói hỗ trợ tín dụng có thể không phải chỉ dành cho các DN chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch mà có thể còn mở rộng ra những DN chịu ảnh hưởng gián tiếp, hoặc toàn nền kinh tế.

Điều này chứng tỏ, các ngân hàng đã và đang dần trở thành người bạn, người trợ lực chính trong việc kinh doanh của DN, của tiểu thương. Vậy thì mỗi một người kinh doanh dù lớn, dù nhỏ trong cả nước, thiết nghĩ có thể hoàn toàn yên tâm làm ăn vì đó thực sự là một “trợ thủ” tài chính đắc lực, giúp họ chuyển tiền siêu nhanh, miễn phí trong ngắn hạn hoặc trọn đời...

Tường San

Tin đọc nhiều