Tín dụng cho doanh nghiệp: Khó khăn và bất lợi

13:23 | 10/05/2012

Những doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy lớn hơn 2 hầu như (90%) đều trả lời có khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng trong 12 tháng tới.

Khó khăn và...

Theo số liệu khảo sát trên 60 doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa thực hiện vào đầu tháng 4/2012 cho thấy có tới 63% doanh nghiệp được khảo sát trả lời hầu như không thể tiếp cận vốn tín dụng trong nãm 2011 và 3 tháng đầu nãm 2012;

Có 72,2% doanh nghiệp phản ánh tình trạng bị chiếm dụng vốn và có tới 61,5% doanh nghiệp trong mẫu điều tra có khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng trong 12 tháng tới.

Đặc biệt là những doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy lớn hơn 2 hầu như (90%) đều trả lời có khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng trong 12 tháng tới.

Ủy ban này đánh giá, hiện nay khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn do tình hình tài chính của doanh nghiệp giảm sút, kéo theo hiện tượng lan rộng tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước đang giảm sút nghiêm trọng khi mà tính chung trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu (NK) của khu vực doanh nghiệp này giảm tới 11,9% so với cùng kỳ trong khi khu vực kinh tế FDI tăng 25,9%.

Đối với kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 4,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức 36,4% của các doanh nghiệp nước ngoài.

Bất lợi

Đối với một số NHNNg tại Việt Nam như: HSBC hay Deutsche Bank… chi phí huy động USD trên thị trường quốc tế chỉ khoảng 2,3%/năm, cụ thể: Chi phí vay = Libor/Sibor (0,5%/năm) + Liquidity premium (0,7%-1,5%/năm) + Credit Spread (1,1%-1,5%/năm) = 2,3%-2,8%/năm

Như vậy, với chênh lệch lãi suất cho swap giữa USD và VND khoảng 7%-8%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng thì chi phí huy động VND kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng này vào chỉ vào khoảng 9,5%-10,5%/năm và lãi suất cho vay vào khoảng 13%-14%/năm.

Doanh nghiệp FDI có lợi thế tiếp cận nguồn vốn giá rẻ không chỉ từ các ngân hàng ở nước ngoài mà ngay từ các ngân hàng nước ngoài (NHNNg) hoạt động tại Việt Nam.

Theo tính toán của UBGSTCQG, các NHNNg với lợi thế huy động vốn USD trên thị trường quốc tế đã thực hiện nghiệp vụ hoán đổi lãi suất swap sang tiền VND để có nguồn vốn huy động VND thấp hơn nhiều so với các NHTM trong nước, kéo theo là các doanh nghiệp FDI được tiếp cận nguồn vốn từ các NHNNg với mức lãi suất phổ biến là 12%-14%/năm, so với mức 17%-19%/năm mà các doanh nghiệp trong nước đang vay tại các NHTM trong nước.

Do gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không tiếp tục mở rộng sản xuất theo kế hoạch, thậm chí có doanh nghiệp đã thu hẹp sản xuất. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ khó đạt mục tiêu tạo 1,6 triệu việc làm trong năm 2012.

UBGSTCQG dự báo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới một con số và ổn định kinh tế vĩ mô chắc chắn sẽ đạt được; thậm chí nếu không có sự điều chỉnh về các giải pháp điều hành chính sách, chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức 7% - 8%.

Trong khi đó, mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý (6-6,5%) rất khó đạt được nếu không có những giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cầu về đầu tư và tiêu dùng một cách hợp lý.

Theo Khánh Linh (TTVN)

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều