Tín dụng tiêu dùng "nhộn nhịp" đón cuối năm

12:37 | 24/11/2021

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến tâm lý tiêu dùng trong thời gian qua. Để người dân vững tâm trong kế hoạch chi tiêu lớn của gia đình dịp cuối năm, ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình tín dụng tiêu dùng hấp dẫn.

tin dung tieu dung nhon nhip don cuoi nam
Ảnh minh họa

Yên tâm có tín dụng tiêu dùng

Đang trong thời gian chờ làm thủ tục xuất khẩu lao động, anh Tùng Dương cho biết chuyến đi này của anh đã chậm lịch suốt 4 tháng qua vì dịch COVID-19. Thương gia đình vất vả, căn nhà đã xuống cấp từ lâu, anh định vay vốn để tranh thủ sửa sang lại trước ngày xuất cảnh. Dự kiến thời gian đi làm 3 năm và mức thu nhập được cam kết thì sau 1 năm anh có thể có đủ tiền gửi về trả nợ, 2 năm còn lại có tiền tích lũy mang về lấy vốn làm ăn.

Cũng có nhu cầu vay vốn tiêu dùng cuối năm, chị Bích Nhàn đang muốn mua trả góp một chiếc xe máy mới để đi làm. Theo chị Nhàn, kế hoạch này khiến chị phải “nâng lên đặt xuống” vì dịch bệnh khiến thu nhập giảm hơn 1 nửa, nhưng vì để đáp ứng công việc mới chị vẫn quyết định sẽ mua. Được biết, các cửa hàng xe đều liên kết với công ty tài chính hoặc ngân hàng để hỗ trợ khách hàng mua xe trả góp, giấy tờ, thủ tục gọn nhẹ và có thể được giải ngân cho vay ngay lập tức.

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2021, hoạt động tín dụng tiêu dùng sẽ khởi sắc khi nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao. Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu này, các ngân hàng, công ty tài chính tiếp tục đẩy mạnh các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng vay tiêu dùng.

Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) dành 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng từ nay đến hết ngày 31/12/2021 với lãi suất chỉ từ 6,5 - 7%/năm. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã triển khai cho vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp - nông thôn với lãi suất cạnh tranh để phục vụ chi tiêu đột xuất của khách hàng.

Cũng trong khoảng thời gian này, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kích cầu tiêu dùng bằng việc hỗ trợ khách hàng đăng ký vay tiêu dùng tín chấp trên ngân hàng điện tử với hạn mức từ 10 - 500 triệu đồng, kỳ hạn vay linh hoạt từ 6 - 60 tháng, lãi suất vay dao động từ 14%/năm tính trên dư nợ giảm dần.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đang triển khai sản phẩm vay tiêu dùng siêu tốc không thế chấp tới 300 triệu đồng, giúp khách hàng giải quyết nhanh gọn mọi tình huống cần chi tiêu đột xuất. Theo đó, khách hàng muốn vay tiêu dùng có thể vay trong thời gian tới 60 tháng, không cần tài sản thế chấp, thủ tục nhanh chóng đơn giản, phê duyệt nhanh trong vòng 24 giờ làm việc. Lãi suất tính theo số tiền và thời gian vay thực tế, có thể tất toán khoản vay vào bất cứ thời điểm nào.

Không chỉ hỗ trợ nhu cầu vốn cho khách hàng thông qua các chương trình ưu đãi dành cho vay tiêu dùng, nhiều ngân hàng còn đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ… nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu mua sắm, tiêu dùng dịp cuối năm.

Kích cầu cuối năm

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong vòng 10 năm qua, tăng tưởng tín dụng tiêu dùng luôn ở mức cao hơn so với tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Trong giai đoạn 2010 - 2020, mức tăng trưởng bình quân của tín dụng tiêu dùng là 33,7%, trong khi mức tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân toàn nền kinh tế chỉ đạt 17,3%. Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống đạt 1,85 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, với quy mô dân số gần 100 triệu người, 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, thì đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, nhất là với người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), phát triển tài chính toàn diện được coi là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, vai trò của tín dụng tiêu dùng sẽ được phát huy hiệu quả khi người dân quay trở lại với nhịp sống bình thường, thúc đẩy nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế từ các hoạt động bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng. Người dân được tiếp cận vốn vay tiêu dùng sẽ giúp lượng tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, kích thích doanh nghiệp sản xuất, đầu tư.

Tuy nhiên, ông Lực cũng chỉ ra rằng nếu so tỷ lệ tín dụng tiêu dùng trên tổng dư nợ nền kinh tế của Việt Nam với các quốc gia trong cùng khu vực thì còn thấp. Vì vậy, cần tiếp tục tạo điều kiện cho tín dụng tiêu dùng phát triển.

Hương Giang

Tin đọc nhiều