Tín dụng tín chấp: Công ty tài chính chiếm ưu thế

09:14 | 14/05/2015

Liên quan đến vấn đề cho vay tín chấp, một lãnh đạo NH thừa nhận rằng, mặt bằng lãi suất hiện đã khá thấp và quan hệ tín dụng không còn là trở ngại của người vay trong tiếp cận vốn vay, nhưng lại cạn tài sản để thế chấp.

Ngân hàng vẫn khó thực hiện

Đại diện một DN tự doanh có trụ sở hoạt động trên địa bàn TP.HCM cho biết, trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, việc buôn bán trì trệ, tài sản đảm bảo cạn kiệt nên cửa vay vốn thế chấp tại NH của ông coi như bít. Ông tìm đến cửa vay vốn tín chấp cũng không dễ dàng. Bởi các NH đang khá lúng túng trong việc giải ngân các khoản vay nhỏ vài chục triệu đồng không có tài sản đảm bảo.

Cũng là chủ DN một đơn vị kinh doanh hoa quả tại TP. HCM, song chị Phạm Hồng Ngân chia sẻ, muốn vay vốn tín chấp tại NH không dễ dàng. Lần gần đây nhất chị đã phải chuyển qua vay vốn tín chấp của CTTC thuộc một NH để giảm bớt các thủ tục chứng minh thu nhập, nguồn tiền trả nợ… Cũng theo chị Ngân, tài sản thế chấp thì có, song đều vướng ở những hợp đồng vay vốn trước đó. Khi cần tiền gấp, người vay chỉ có thể tìm đến các khoản vay tín chấp tại CTTC.

tin dung tin chap cong ty tai chinh chiem uu the
Nhiều DN kinh doanh nhỏ lẻ không tiếp cận được vốn vay vì thiếu tài sản đảm bảo

Thực tế, tại thời điểm này, cá nhân hay người kinh doanh nhỏ lẻ không phải ai cũng còn tài sản để thế chấp nên họ kỳ vọng phía NH cần tăng cường hỗ trợ vốn tín chấp, nhằm tháo gỡ khó khăn phần nào cho người vay. Hơn nữa, chủ trương cho vay tín chấp cũng được NHNN khuyến khích, nhưng xem ra đó chỉ mới là chủ trương còn thực tế triển khai còn xa vời.

“Chúng tôi cũng thấu hiểu, bản thân các NH cũng là một định chế tài chính và họ phải chịu sự chỉ đạo của NHNN nên cũng phải thận trọng trong cho vay, nhất là với tín dụng tín chấp. Vì người chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là bản thân các NH, thậm chí còn dẫn đến hình sự, nếu khoản tín dụng đó rơi vào nợ xấu, khó đòi. Thế nhưng, nếu không hỗ trợ người vay, NH sẽ mất đi khách hàng”, chị Ngân nói thêm.

Liên quan đến vấn đề cho vay tín chấp, một lãnh đạo NH thừa nhận rằng, mặt bằng lãi suất hiện đã khá thấp và quan hệ tín dụng không còn là trở ngại của người vay trong tiếp cận vốn vay, nhưng lại cạn tài sản để thế chấp. Việc NHNN đã có văn bản số 5342/NHNN/TTGSNH gửi các NHTM yêu cầu đẩy mạnh việc cho vay vốn ra thị trường, khi cho vay tín chấp là một hướng mở để các NH thực hiện việc giải ngân vốn cho khách hàng. Thế nhưng, tình hình kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng nên NH không thể ồ ạt cho vay mà không kiểm soát được chất lượng tín dụng cũng như không có tài sản đảm bảo. Do đó, NH không dễ triển khai tín dụng tín chấp một cách ồ ạt mà phải có sự chọn lọc rất gắt gao.

CTTC miếng bánh to

Nhìn chung, các NH đã triển khai cho vay tín chấp từ lâu, nhưng 3 năm trở lại đây, dường như tín dụng tín chấp ngày càng thu hẹp vì nợ xấu. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, đối với khách hàng là DN, các NHTM trên địa bàn bắt đầu triển khai chủ trương xếp hạng tín nhiệm DN để tăng cho vay tín chấp. Còn khách hàng cá nhân, NH đang từng bước hoàn thành việc thành lập CTTC để chuyển hẳn hoạt động cho vay tín chấp, tiêu dùng sang các công ty này, giải quyết vốn nhanh chóng cho người dân.

Theo đó, sắp tới đây, về phía khách hàng, nhất là những khách hàng cá nhân thu nhập trung bình, có nhu cầu vay tiêu dùng món nhỏ sẽ dễ dàng tiếp cận được vốn NH, thủ tục đơn giản hơn, thời gian xét duyệt nhanh chóng và không cần tài sản đảm bảo.

tin dung tin chap cong ty tai chinh chiem uu the
Trước khi đặt bút ký một hợp đồng vay tín chấp nào, người vay nên tìm hiểu thật kỹ các điều khoản vay

Kế hoạch là vậy, song ông Minh cũng thừa nhận các NH vẫn rất dè chừng và chưa có số liệu thống kê cụ thể. Bởi rủi ro trong cho vay tín chấp cao nên đòi hỏi trích dự phòng phải cao hơn. Vì thế, buộc các NH vẫn sẽ phải sàng lọc kỹ khách hàng cho vay tín chấp và chỉ cấp tín dụng đối với DN tốt, dự án sản xuất, kinh doanh khả thi cao.

Theo một lãnh đạo cấp cao ngành NH, việc đẩy mạnh cho vay tín chấp các NHTM cũng phải kiểm soát được rủi ro. Vì đây là hình thức cho vay tín chấp, bên cho vay thường chịu rủi ro cao khi cung cấp khoản vay tiêu dùng. Do vậy, khâu thẩm định hồ sơ được đặc biệt chú trọng nhằm kiểm tra khả năng thanh toán khoản vay mỗi tháng của khách hàng.

Suy cho cùng, việc cho vay tín chấp mạnh nhất vẫn thuộc về các CTTC. Bởi các CTTC có điều kiện để giải ngân nhanh chóng, vốn tín dụng tiêu dùng của khách hàng cá nhân/DN nhỏ được đảm bảo. Thậm chí, để tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận khoản vay, hình thức hỗ trợ tài chính tại các CTTC không yêu cầu thế chấp tài sản. Theo đó, người vay chỉ cần cung cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu hoặc bằng lái xe. So với các loại hình tài chính thông thường khác, vốn tín dụng tiêu dùng có điều kiện cho vay phù hợp hơn với các khách hàng có nhu cầu vốn ít, nhỏ lẻ…

Tuy nhiên, dù là vay tín chấp ở đâu đi nữa, theo một số lãnh đạo NH, người vay nên tích cực hợp tác với nhân viên thẩm định và trung thực khi cung cấp thông tin để đảm bảo an toàn tín dụng cho chính mình. Ngoài ra, lịch sử tín dụng của người vay còn được ghi nhận trên hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC).

Đây là nguồn thông tin quan trọng để các tổ chức tài chính tham khảo trước khi quyết định cho vay. Chỉ cần có một “vết đen” thì về sau người tiêu dùng sẽ khó đi vay nữa. Do đó, trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, xem xét thu nhập và chỉ nộp đơn yêu cầu vay khi đã đảm bảo đủ khả năng thanh toán. Điều quan trọng nữa là NH không cho vay được, CTTC cho vay được vì khả năng chịu rủi ro của CTTC cao hơn nên lãi suất cũng sẽ cao hơn.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, lãi suất cho vay tín chấp tại các NH cũng như CTTC thuộc NH áp dụng khá cao, có nơi lên đến vài chục phần trăm một năm, tùy theo khoản vay cũng như đối tượng vay. Theo đó, các chuyên gia khuyên rằng, khách hàng phải có trách nhiệm với khoản vay của mình và ý thức được việc trả nợ. Trong trường hợp thanh toán trễ hạn thì chắc chắn khách hàng sẽ phải chịu phí phạt, thậm chí bị kiện ra tòa. Đây là điểm khách hàng hết sức lưu ý khi vay.

Lịch sử tín dụng của người vay được ghi nhận trên hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC). Đây là nguồn thông tin quan trọng để các tổ chức tài chính tham khảo trước khi quyết định cho vay. Chỉ cần có một “vết đen” thì về sau người tiêu dùng sẽ khó đi vay nữa.

Lam Anh

Tin đọc nhiều