Tin mình, không tin người khác!

15:11 | 02/07/2012

Vừa rồi, vào TP. Hồ Chí Minh, tôi được nghe một doanh nhân thành đạt chia sẻ về quan điểm đầu tư của ông. Vị doanh nhân này cho rằng, muốn đầu tư thành công, cần phải nắm lấy hai nguyên tắc, đó là chung sống với sự nhàm chán và chỉ tin mình, không tin người khác!

Trong một thời đại tôn sùng chủ nghĩa tiện nghi, thì tham vọng kiếm nhiều tiền để đáp ứng cuộc sống là một tâm lý phổ biến. Đầu tư là một kênh mà nhiều người quan tâm. Có người cho rằng, đầu tư là một “cuộc chơi” đầy kịch tính, dễ kích động lòng người. Người lại nói, đầu tư bao gồm cả rủi ro, may mắn, thời cơ và những tin tức nóng. Một số tự thấy mình am hiểu, đã tự tiến hành đầu tư. Số đông còn lại (trong đó có tôi) thì nghĩ, mình chưa hiểu biết nhiều về bí quyết đầu tư, vì thế, họ tìm những nhà đầu tư thông thạo, trao cho những người này cả tiền vốn lẫn niềm tin…


Ảnh: BĐT

Vừa rồi, vào TP. Hồ Chí Minh, tôi được nghe một doanh nhân thành đạt chia sẻ về quan điểm đầu tư của ông. Vị doanh nhân này cho rằng, muốn đầu tư thành công, cần phải nắm lấy hai nguyên tắc, đó là chung sống với sự nhàm chán và chỉ tin mình, không tin người khác! Theo ông, làm giàu một cách chớp nhoáng chỉ là cái bẫy thu hút những kẻ thất bại tiềm năng, bởi nếu một loại cổ phiếu được công chúng biết rõ và hứa hẹn kiếm được nhiều tiền, có nghĩa là cơ hội đã qua hoặc sắp qua rồi.

Thực chất, đầu tư là một kế hoạch khô khan không có mùi vị, một quá trình thao tác rất máy móc với hàng loạt tổ hợp biện pháp mang tính kỹ thuật. Nghịch lý ở chỗ, ai cũng có khát vọng làm giàu, tuy nhiên, đối với số đông chúng ta, việc tuân thủ một kế hoạch đơn giản lại khó hơn lên trời, bởi nó khiến cuộc đời ta trở nên đơn điệu và rất vô vị! Chúng ta rất dễ chán ghét khi phải làm đi làm lại một việc gì đó; chúng ta luôn có xu hướng tìm công việc có tính kích thích và thú vị để làm. Và, bạn bè tôi, có người khẳng định chắc nịch, nếu kế hoạch không đủ độ phức tạp, đó không thể coi là phương án hay để trở nên giàu có.

Mặt khác, cũng theo vị doanh nhân này, cho dù đa số nhà triệu phú đều mở tài khoản ở trong công ty môi giới chứng khoán, nhưng tuyệt đại bộ phận họ tự quyết định đầu tư. Họ cho rằng, người môi giới chứng khoán có thể giỏi mua vào bán ra (mà dân “chơi” chứng khoán gọi là “lướt sóng”), họ dồn phần lớn thời gian vào việc đó, hầu như không còn thời gian để nghiên cứu cơ hội đầu tư. Ông đưa ra một so sánh hóm hỉnh: "Nếu người môi giới chứng khoán thực sự có thể dự đoán được tương lai, họ không cần phải làm nhà môi giới chứng khoán nữa; họ chỉ cần dùng tiền để mua vào bán ra chắc chắn sẽ giàu có hơn!".

Vào bất kỳ thời điểm nào, giới đầu tư luôn tồn tại hai loại phán đoán hoàn toàn trái ngược với thị trường. Đặt giả thiết là, sự phán đoán của tất cả mọi người đối với thị trường đều giống nhau, đương nhiên, thị trường đó không thể tồn tại vì không có người mua, hoặc không có người bán. Nhưng trên thực tế, người đầu tư dựa vào phân tích của mình để đưa ra phán đoán, khiến thị trường luôn tồn tại những loại phán đoán tương phản. Đồng thời, những phán đoán này có thể đến với nhà đầu tư thông qua những con đường khác nhau hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau. Lúc này, người đầu tư lại phải đối mặt với sự lựa chọn khắc nghiệt: tin mình hay tin người khác. Đáp án chính xác thường là tin mình, đây là lựa chọn của những nhà đầu tư thành công.

Nghe ông chia sẻ, tôi sáng cái đầu ra, rắp tâm trở ra Hà Nội sẽ vạch kế hoạch đầu tư. Lên máy bayrồi, tôi mới sực nhớ: Ý chết, đây chỉ mới là 2 nguyên tắc cơ bản, chớ bí kíp của riêng ông, thì chưa thấy ông nói gì!

Cát Tường Hồ Thị

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều