Tọa đàm trực tuyến: “Nhìn gần hơn vào ưu đãi vay tiêu dùng”

10:50 | 26/01/2016

Sáng nay (26/1/2016), Thời báo Ngân hàng tổ chức buổi Tọa đàm “Nhìn gần hơn vào ưu đãi vay tiêu dùng” tại 39 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. HCM với sự tài trợ của Home Credit.

Các diễn giả tham gia buổi Tọa đàm có: ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM; Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu; bà Vương Thủy Tiên – Đại diện Home Credit; ông Nguyễn Hữu Nghiệp – Phó Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sang Trọng và ông Lê Đức Thuần – Giám đốc ngành hàng Dịch vụ FPT Retail.

Thời báo Ngân hàng: Với kinh nghiệm làm tài chính lâu năm ở Mỹ, ông có thể chia sẻ thị trường cho vay tiêu dùng của các nước phát triển như thế nào? Họ thu hút người tiêu dùng bằng những ưu đãi ra sao?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Ở Mỹ, tiêu dùng chiếm 75% GDP. Riêng tôi, với cả chục năm làm việc tại Mỹ và cũng là người sử dụng các dịch vụ tại Mỹ thấy rằng tại nước Mỹ, phần lớn mọi người đi vay tiêu dùng trước và trả sau bằng thu nhập tương lai của mình.

Các CTTC có 2 loại, một là công ty con của nhà sản xuất, cung cấp tín dụng cho người mua trực tiếp từ công ty mẹ và thứ 2 là công ty cung cấp đại trà cho dân chúng. Bên cạnh đó còn có hệ thống ngân hàng.

Trên thực tế, bất cứ nền kinh tế nào thì tiêu dùng cũng đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Còn tại Việt Nam, hiện với dân số 93 triệu, thành phần trẻ, mức sống ngày càng được nâng cao nên nhu cầu vay tiêu dùng cũng ngày càng lớn. Theo đó, người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu vay và trang trải chi phí cho gia đình, vay tiền du học... Nhờ đó, các CTTC phát triển mạnh với nhiều công ty nước ngoài.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Home Credit có thể cho biết mô hình tín dụng với lãi suất bằng 0% dựa trên cơ sở nào? Tại sao có thể thực hiện được?

Vương Thủy Tiên: Với Home Credit, gần đây triển khai nhiều sản phẩm phong phú, trong đó có nhiều sản phẩm lãi suất 0%. Để có sản phẩm ưu đãi lãi suất là sự hợp tác chặt chẽ với các công ty bán lẻ, di động, xe máy… Công ty bán lẻ, và nhà sản xuất nhìn nhận sự đóng góp, cùng chúng tôi đánh vào phân khúc rất lớn từ trước đến nay ngân hàng vẫn chiếm lĩnh. Sắp tới đây sẽ có sự tăng trưởng hơn nữa.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Ở đây, vấn đề là công ty tài chính nào cũng có chi phí vốn, vậy bà giải thích như thế nào về lãi suất 0%, có phải chiêu trò để thu hút người tiêu dùng hay không?

Vương Thủy Tiên: Ở đây, không có chiêu trò mà chỉ là sự hợp tác chặt chẽ, hợp lý.

Bản thân nhà sản xuất nhận thấy sự thay đổi tích cực, thay vì phải trả hoa hồng cho nhà sản xuất, cửa hàng bán lẻ chúng tôi có sự hỗ trợ ngược lại để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Xin anh Thuần cho biết lãi suất 0% có thực hay không?

Ông Lê Đức Thuần: Với tư cách là nhà bán lẻ và là đối tác của các công ty tài chính tôi xin khẳng định khách hàng được hưởng ưu đãi về lãi suất đúng theo thông điệp khuyến mãi 0% đã công bố.

Đúng là đã kinh doanh phải có lợi nhuận, song để triển khai được các chương trình lãi suất 0% thì FPT Shop đã phải hi sinh lợi nhuận của mình, đồng thời vận động các công ty tài chính và nhà sản xuất cùng đóng góp chi phí khuyến mãi nhằm mục đích: Thứ nhất, ưu đãi đặc biệt cho các khách hàng trả góp; Thứ 2, kích cầu cho một số mặt hàng nhất định.

Quay lại vấn đề phối hợp với các công ty tài chính để bán hàng dưới hình thức cho vay tiêu dùng, là hình thức cho vay tín chấp hoàn toàn dựa trên mức độ uy tín của người mua hàng mà không cần bất kỳ tài sản thế chấp nào. FPT bán hàng cho khách hàng đã được công ty tài chính đồng ý cho vay.

Khi vay tín chấp thì khách hàng cần trình giấy tờ cá nhân bản gốc của họ, nhân viên của công ty tài chính sẽ kiểm tra sự hợp lệ của những giấy tờ này và sự phù hợp với quy định của gói vay. Độ tin cậy của khách hàng càng cao thì càng có cơ hội được vay các gói lãi suất thấp, ngược lại thì khách hàng sẽ vẫn có thể được vay nhưng lãi suất sẽ tăng lên.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Vậy xin hỏi, trên giác độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Minh nghĩ thế nào về lãi suất bằng 0?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Theo tôi hiểu, ở đây có sự thoả thuận giữa công ty tài chính và nhà sản xuất, lãi suất không thu từ người đi vay mà thu qua hình thức chiết khấu.

Nếu nói về cho vay tiêu dùng tôi xin bổ sung thêm. Trong nhiều năm qua cho vay tiêu dùng có nhiều triển vọng, lợi ích kinh tế. 5 năm trước, khi thị trường chưa được các công ty tài chính quan tâm, tỷ trọng với nền kinh tế thấp; cuối 2010, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ tương đương 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối 2015 con số này đã tăng lên 6,8% tương đương 90.000 tỷ đồng. Nhiều định chế tài chính đầu tập trung cho vay tiêu dùng hứa hẹn có sự phát triển nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, các công ty tài chính cần quan tâm hơn nữa tới rủi ro tín dụng.

Về chương trình 0% được người đi vay quan tâm, mang lại 2 hiệu quả to lớn. Thứ nhất, về kinh tế: Người đi vay không chịu áp lực trả nợ, trả số tiền thấp. Công ty tài chính cung ứng vốn cho nền kinh tế, giúp nhà sản xuất tiêu thụ hàng hoá kích thích sản xuất.

Thứ 2 là hiệu quả về mặt xã hội, với số tiền phải trả ít, sẽ giảm gánh nặng trả nợ cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, chương trình đang được đánh giá tốt trong giai đoạn hiệu nay, kích thích tiêu dùng. Đặc biệt, đối tượng thu nhập trung bình và thấp có điều kiện tiếp cận.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Quay lại lãi suất bằng 0, chương trình áp dụng toàn bộ thời kỳ hay chỉ thời kỳ đầu?

Vương Thủy Tiên: Riêng đối với Home Credit sẽ áp dụng toàn thời gian.

Ông Lê Đức Thuần: Những mặt hàng chủ lực của FPT Shop là điện thoại và máy tính, chúng tôi luôn áp dụng lãi suất 0% cho toàn thời gian với thời hạn vay thường là 6 tháng.

Thời hạn vay 6 tháng là phù hợp cho cả hai bên, FPT Shop và công ty tài chính, để có thể cân đối được ngân sách khuyến mãi của mình. Bởi FPT Shop và công ty tài chính luôn cùng nhau đóng góp chi phí khi muốn thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Một hồ sơ vay tín dụng tiêu dùng thường ngân hàng phải thẩm định ít nhất là 3 ngày, trong khi đó các công ty tài chính thời gian chỉ từ 15 - 30 phút. Với cách cho vay như thế rủi ro thế nào?

Vương Thủy Tiên: Đối tượng khách hàng của chúng tôi khác ngân hàng; cách thức tiếp cận và đánh giá khách hàng của chúng tôi khác biệt so với ngân hàng. Tuỳ từng công ty tài chính lại có bí quyết thẩm định rủi ro riêng. Trong 5 năm đầu là thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu, bộ phận quản lý đưa ra công cụ quản lý rủi ro làm sao để trong thời gian rất ngắn đáp ứng nhu cầu khách hàng. Về mức độ, thời gian đầu tỷ lệ nợ xấu có thể cao 6-8%, thời gian sau đa số tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt dưới 5%.

Ông Lê Đức Thuần: Ở góc độ nhà bán lẻ, FPT Shop mong muốn thủ tục thẩm định cho vay càng ngày càng phải nhanh hơn và tiện lợi cho khách hàng. Chúng tôi luôn chú trọng việc phối hợp cùng các công ty tài chính để cải tiến quy trình nghiệp vụ bán hàng cho khách hàng trả góp.

FPT Shop nhận thấy công ty tài chính nào có cơ sở dữ liệu khách hàng tốt, sẽ có cơ sở thẩm định nhanh hơn. Công ty tài chính có bề dày hoạt động lâu năm, có cơ sở dữ liệu khách hàng tốt là có thể rút ra các qui luật về nợ xấu để phòng ngừa.

Kỹ năng thẩm định thông tin khách hàng của người tư vấn bên công ty tài chính cũng rất quan trọng, đặc biệt là thái độ giao tiếp với khách hàng. FPT Shop luôn ưu tiên hơn cho những công ty tài chính có chất lượng dịch vụ vượt trội.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp: Đã là kinh doanh không có doanh nghiệp nào thích rủi ro hết, song đã là kinh doanh là phải chấp nhận rủi ro. Vì vậy công ty tài chính sẽ có chiến lược phù hợp.

Ông nguyễn Trí Hiếu: Vậy cơ quan quản lý có giải pháp nào để giúp các công ty tài chính giảm rủi ro?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Lãi suất 0% là một trong các sản phẩm của các công ty tài chính tiêu dùng. Nếu đánh giá ở phương diện rủi ro sẽ cao hơn các tổ chức tín dụng khác bởi đối tượng khách hàng thường là nhỏ, nhiều khi các tổ chức tín dụng khác chê. Về chi phí cũng cao hơn các tổ chức tín dụng khác khiến năng lực tài chính bị ảnh hưởng…

Bởi vậy về phía NHNN, thời gian vừa qua đã kiên trì, phối hợp quản lý nợ xấu. Riêng đối với các công ty tài chính tỷ lệ nợ xấu tương đối cao đến từ nhiều nguyên nhân như trên. Chính vì vậy, cần quản lý tốt dự phòng rủi ro, thu hồi nợ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Liệu các chương trình khuyến mãi có phải là tác nhân tăng doanh số cho các công ty tài chính?

Vương Thủy Tiên: Sự phát triển các công ty tài chính không chỉ dựa vào các chương trình khuyến mại mà việc phát triển xuất phát từ thay đổi nhận thức của người dân. Với tư duy hiện tại, người tiêu dùng không chờ khi đầy đủ tiền mới đi mua sản phẩm mà đã tìm đến cho vay trả góp mua sản phẩm. Đó là tiền đề để dịch vụ cho vay tiêu dùng phát triển.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý có thay đổi tạo điều kiện về hành lang pháp lý và khuôn khổ pháp lý.

Ông Lê Đức Thuần: Thị trường khách hàng rất đa dạng, từ khách hàng có nhu cầu cao mua thiết bị đắt tiền, đến những khách hàng chỉ có nhu cầu cơ bản.

Tôi cho rằng, Việt Nam là đất nước đang phát triển, nhu cầu dùng thiết bị truyền thông nhiều nhưng khả năng mua sắm thì còn hạn chế. Đặc biệt là phân khúc khách hàng trẻ lứa tuổi 20 và 30 vốn đang chiếm khoảng 30% dân số Việt Nam. Vì vậy, vay tiêu dùng là lựa chọn thích hợp cho họ.

Thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam đã phát triển trong nhiều năm qua, nhưng chỉ mới thể hiện sự trưởng thành trong vài năm gần đây, đặc biệt là khi các chuỗi bán lẻ uy tín như FPT Shop, Thế Giới Di Động hay Viễn Thông A… có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về qui mô và mức độ chuyên nghiệp. Đó chính là lý do khiến 2015 là năm các công ty tài chính có sự tăng trưởng đột biến. Đơn cử với FPT Shop, tỷ trọng doanh số bán hàng qua hình thức trả góp trong 2015 đã tăng trưởng gần 100% so với 2014.

Thời báo Ngân hàng: Xin cảm ơn quý vị đã tham gia chương trình!

Tin đọc nhiều