Tội phạm công nghệ gia tăng thời dịch bệnh

16:24 | 24/04/2020

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát cũng là lúc giao dịch thanh toán online tăng đột biến. Đây  là cơ hội cho kẻ gian lợi dụng để tung các chiêu thức lừa đảo thông qua tin nhắn, email, zalo, facebook… nhằm lấy cắp thông tin tài khoản khách hàng, chiếm đoạt tài sản.      

Ngoài công việc chính là nhân viên kế toán cho một công ty tư nhân, chị Vân Linh (Hà Nội) còn tranh thủ buôn bán online mỹ phẩm và đồ gia dụng. Trong "mùa" dịch bệnh, các đơn hàng của chị tăng đều do phần lớn người mua đặt hàng online. Phương thức thanh toán phổ biến được chị sử dụng vì vậy phần lớn là chuyển khoản thông qua ví điện tử hoặc hệ thống Internet Banking của các ngân hàng.

Trong một lần, kẻ gian mạo danh khách hàng thông báo chuyển cho chị qua ví điện tử và yêu cầu chị xác nhận đã nhận tiền trên một website có giao diện giống giao diện truy vấn thông tin tài khoản ngân hàng, yêu cầu chị nhập tên và mật khẩu để đăng nhập. Ngay lập tức, chị Linh gọi cho bộ phận hỗ trợ khách hàng của ngân hàng và được biết ngân hàng này không hề liên kết với ví điện tử trên và yêu cầu chị không cung cấp thông tin ra ngoài.

toi pham cong nghe gia tang thoi dich benh
Tội phạm mạng với nhiều chiêu thức mới nhằm chiếm đoạt tài sản

Trường hợp của chị Linh là khá may mắn, do am hiểu về bảo mật thanh toán và cảnh giác với các "chiêu thức" lừa đảo. Nhưng nhiều người không thoát được bẫy của kẻ trộm công nghệ.

Dù đã nhiều lần được cảnh báo nhưng tình trạng lừa đảo để lấy cắp thông tin khách hàng, đặc biệt là chiếm quyền kiểm soát tài khoản vẫn diễn ra. Tại thời điểm dịch bệnh với nhu cầu thanh toán điện tử tăng cao, không ít chiêu thức mới đã được các đối tượng lừa đảo áp dụng.

Ngân hàng cảnh báo những chiêu thức mới

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cảnh báo khách hàng cần thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin qua email, tin nhắn, gọi điện thoại, tin nhắn mạng xã hội.

Lợi dụng dịch bệnh, nhiều đối tượng tội phạm có hành vi giả mạo các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh (Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia, Bộ Y tế...) để gửi thư điện tử (email) hay tin nhắn SMS, tin nhắn qua mạng xã hội, có chủ đề liên quan đến Covid-19 như: “Cập nhật thông tin về Covid-19”, “Bán bộ Kit test nhanh Covid-19” hoặc “Khai báo y tế liên quan đến Covid-19”…

Các tin nhắn này thường đính kèm tệp tin chứa virus, mã độc hoặc đường link dẫn tới địa chỉ website hoặc ứng dụng có lưu trữ các tệp tin chứa virus, mã độc...

Khi người nhận email mở tệp tin hoặc truy cập vào đường link hoặc tải ứng dụng theo đường link, virus, mã độc sẽ ngay lập tức được tải tự động và cài đặt trên thiết bị cá nhân của người nhận email, đồng thời đánh cắp thông tin để thực hiện các giao dịch chiếm đoạt tài sản sau đó.

Ngoài ra, kẻ gian còn lợi dụng các website quyên góp từ thiện liên quan đến dịch Covid-19 để cài mã độc lấy cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.

Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) mới đây cũng ra cảnh báo loại tội phạm mạo danh Cục Cảnh sát lừa đảo qua nộp vi phạm giao thông trực tuyến để lấy cắp thông tin cá nhân, trong đó có thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Loại tội phạm này thường thông qua Cổng thông tin tra cứu vi phạm giao thông quốc gia, gửi thư điện tử thông báo lỗi vi phạm giao thông yêu cầu người vi phạm truy cập link tracuu.viphamgiaothong.vn để cung cấp thông tin phương tiện giao thông, dòng tiền phạt, nhằm chiếm đoạt tài sản, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật khác liên quan đến tài khoản ngân hàng.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, hiện nay tất cả các lỗi vi phạm được thông báo trực tiếp đến địa chỉ người vi phạm bằng văn bản, chưa áp dụng gửi thông tin qua thư điện tử.

Công an TP. Hà Nội cũng vừa cảnh báo về một trang web giả mạo ViettelPay (ứng dụng thanh toán di động của tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội).

Với thủ đoạn đề nghị giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khan do dịch bệnh Covid-19, người dân chỉ cần truy cập vào đường dẫn giả mạo Viettelpay.jweb.vn sẽ nhận được tiền ủng hộ.

Khi truy cập vào đường dẫn giả mạo, hệ thống sẽ hiển thị thông tin về giới thiệu về ViettelPay và được yêu cầu điền các thông tin như: số điên thoại, mật khẩu, ngân hàng, mã OTP để xác nhận tài khoản nhận tiền.…

Trang web này có tên khá giống trang web chính thức của ứng dụng ViettelPay, do đó người dân sẽ rất dễ nhầm tưởng đây là web chính thức và đăng nhập tài khoản. Khi có được thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản của khách hàng và thực hiện các hành vi như: chuyển khoản, rút tiền, đăng ký vay online…

Hoặc một thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường áp dụng là thực hiện các cuộc gọi lừa đảo. Cụ thể, kẻ gian có thể lợi dụng việc giãn cách xã hội và nhiều trường hợp làm việc từ xa để gọi điện giả mạo dưới phương thức là bộ phận hỗ trợ công nghệ cho những người phải làm việc từ xa, từ đó lừa người dân cung cấp thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch lấy cắp tiền trên tài khoản.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tự quản, tự phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng mạng và không cung cấp thông tin cá nhân, nhất là những thông tin mang tính bí mật như tài khoản ngân hàng, mật khẩu để tội phạm lợi dụng.

Khi phát hiện hành vi, cử chỉ hoạt động có dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến việc quyên góp phòng chống dịch, môi giới, chèo kéo mua bán các trang thiết bị y tế phòng dịch bệnh, trước hết không tham gia và báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất, hoặc chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng thông qua số điện thoại 113, hay số điện thoại đường dây nóng của Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an: 069.2348.056.

Thái Hoàng

Tin đọc nhiều