Quan sát trên thực tế cho thấy diễn biến nhân sự đang có đôi chút khác biệt ở một số ngân hàng. BIDV, Vietcombank đều đã thông báo về tuyển dụng tập trung đợt 1/2020 với tổng quy mô hơn 1.000 nhân sự. Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của TPBank vừa tổ chức ngày 27/5, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngân hàng đã phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp với trạng thái “bình thường mới”, tối ưu hoá và nâng cao hiệu quả hệ thống. Để tiết giảm chi phí hoạt động trong năm nay, TPBank xác định sẽ dừng tuyển mới và không tăng lương cho người lao động. TPBank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống tuyên bố không tuyển thêm nhân sự năm nay. Còn tại ĐHĐCĐ VietinBank, Chủ tịch HĐQT Lê Đức Thọ cho hay ngân hàng này không định hướng cắt giảm nhân viên do cần xây dựng cán bộ đảm bảo cho tăng trưởng trong tương lai. Thay vào đó, sẽ cơ cấu lại, bố trí cán bộ theo hướng phù hợp với năng lực, nâng cao năng suất của từng bộ phận.
Cơ cấu lại đội ngũ nhân viên phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng |
Giới chuyên gia cho rằng, không phải cho tới khi có sự xuất hiện của dịch Covid-19 các ngân hàng mới quan tâm tới việc tối ưu hoá nhân sự, song dịch bệnh đã “thúc” quá trình này được đẩy nhanh hơn một chút. “Xu hướng phát triển ngân hàng trên thế giới ngày càng đi vào lối gói gọn, thuận tiện và hiện đại hơn, một số vị trí dần được thay thế bởi máy móc nên tư duy và cách thức hoạt động của nhiều ngân hàng cũng đang có những khác biệt, thiên về công nghệ nhiều hơn”, vị này chia sẻ.
Theo Ernst&Young, dự báo đến giai đoạn 2020-2022, các ngân hàng sẽ cắt giảm từ 20-30% nhân sự. Năm 2000, trụ sở Goldman Sachs tại New York có 600 nhân viên giao dịch chứng khoán, hiện nay chỉ còn 2 nhân viên giao dịch cùng 200 kỹ sư máy tính hỗ trợ chương trình giao dịch tự động, việc này đã giúp tiết kiệm chi phí và mang lại cho ngân hàng hơn 300.000 USD. Deutsche Bank cho biết ngân hàng dự định cắt giảm 9.000 vị trí tương đương 10% nhân sự trong năm 2020 nhờ lợi ích của machine learning và máy móc hoá. Tại Việt Nam, năm 2019 thị trường cũng ghi nhận một số nhà băng có sự cắt giảm nhân viên. Như trường hợp OCB, năm 2019 ngân hàng này cắt giảm hơn 1.400 nhân viên, trong khi chỉ trước đó một năm cũng chính nhà băng này lại gia tăng nhân sự nhanh nhất hệ thống với việc tăng hơn 1.800 người. VietinBank cũng cắt giảm gần 300 chỉ tiêu, giảm số lượng nhân viên thuộc biên chế ngân hàng mẹ đến cuối năm 2019 xuống mức 22.331 người; NCB giảm gần 300 người; ACB giảm hơn 200 người; SHB giảm 62 người; VPBank năm 2019 có hơn 2.000 nhân sự bị cắt giảm, chiếm gần 20% tổng số nhân viên so với hồi đầu năm…
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cho hay, CMCN 4.0 với những công nghệ đi cùng đã tác động tới và khiến cho nhân viên của các ngân hàng hiện nay không chỉ phải giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có năng lực về CNTT, thích nghi nhanh được với những tiến bộ của công nghệ và làm chủ nó. Các nhà băng hiện nay phần lớn đều đang có chiến lược phát triển và chuyển đổi số, nhiều tác vụ trong tương lai sẽ không cần tới con người. Lãnh đạo VPBank cũng cho biết, hiện có hơn 95% giao dịch được thực hiện qua các ứng dụng ngân hàng điện tử và hệ thống ngân hàng tự động, và chỉ còn khoảng 4% lượng giao dịch tại VPBank thực hiện trực tiếp tại quầy.
TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, nếu như trước đây nhân viên ngân hàng làm các công việc được chuyên môn hoá thì bây giờ họ được yêu cầu làm các công việc đa dạng, phức tạp hơn, có thể bao gồm 4-5 nghiệp vụ cũ. Do đó, các ngân hàng sẽ tập trung vào con người và năng lực cá nhân thay vì tập trung vào công việc, vị trí. Tư duy về cách thức điều hành nhân sự cũng vì thế mà có sự thay đổi, hướng tới xây dựng các nhóm làm việc linh hoạt, để nhân viên làm nhiều nhóm nhỏ và có sự thay đổi nhân sự linh hoạt giữa các nhóm.
Thừa nhận công nghệ số cũng giúp ngân hàng quản trị tốt hơn, tiết kiệm nhiều nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, hạn chế tổn thất cho ngân hàng, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết TPBank cũng đang hướng tới mục tiêu trở thành “ngân hàng không ngủ”, không chỉ có dịch vụ nạp tiền rút tiền mà còn nhiều hơn thế nữa, có thể phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Nhận định của giới chuyên gia, trong vòng 3-5 năm tới, tuyển dụng nhân sự chuyên môn ở các ngân hàng có thể cũng sẽ không giảm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, song sẽ đi theo hướng tối ưu hoá, cơ cấu lại đội ngũ nhân viên phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng, ưu tiên tuyển dụng ứng viên “đa năng”… Phát triển nhân lực chất lượng cao là giai đoạn đòi hỏi phải có hệ thống, có định hướng, chú trọng khai thác chất xám của người lao động. Quá trình này sẽ làm biến đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực để ngày càng đáp ứng yêu cầu tốt hơn của nền kinh tế. Chính bởi thế, NHTM và các tổ chức tài chính cần rà soát lại đội ngũ nhân sự của mình để sàng lọc, đào tạo lại tuyển dụng nhân sự mới đáp ứng nhu cầu tình hình mới.
Khuê Nguyễn