TP.HCM: Khu công nghiệp - khu chế xuất phải chuyển đổi để thu hút đầu tư

14:00 | 16/10/2019

Trước bối cảnh phát triển của cuộc CMCN 4.0, khi mà những yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào, giao thông hạ tầng thuận tiện… không còn là thế mạnh, đòi hỏi thành phố phải quy hoạch KCN – KCX theo hướng mới.

Theo dự báo, đến cuối năm 2019, tổng giá trị vốn đầu tư vào KCN – KCX tại TP.HCM đạt hơn 12,4 tỷ USD, trong đó, khu vực nước ngoài là 6,8 tỷ USD; khu vực trong nước là 5,6 tỷ USD. Hiện, TP.HCM có 17 KCN – KCX đã đi vào hoạt động trong tổng số 19 KCN – KCX được thành lập với tổng diện tích đất cho thuê đạt 1.716,25 ha/2.509 ha đất, đạt tỷ lệ lấp đầy 68,4%. TP.HCM quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 23 KCN – KCX tập trung, với tổng diện tích 5.797,62 ha. Các KCN – KCX trên địa bàn TP.HCM với mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa những vùng ngoại thành.

tphcm khu cong nghiep khu che xuat phai chuyen doi de thu hut dau tu
Nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, các KCN – KCX tại TP.HCM phải nâng cao hiệu quả mô hình quản lý “một cửa, tại chỗ”

Tuy nhiên mới đây, nhóm chuyên gia thuộc Ban Quản lý KCN - KCX TP.HCM (HEPZA) và Trường Đại học Kinh tế TP. HCM đã đưa ra một kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của thành phố và các KCN - KCX đang có xu hướng giảm bớt so với địa phương lân cận, do giá thuê đất cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Theo đó, trong khi giá thuê đất KCN ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai chỉ 74 USD, tỉnh Bình Dương 43,7 USD hay tỉnh Long An 76 USD... thì giá thuê đất ở KCN - KCX của TP.HCM bình quân lên đến 125 USD/m2 cho cùng kỳ thuê 40-50 năm.

Ông Trần Quang Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình - Tanimex (chủ đầu tư KCN Tân Bình) không ngần ngại cho biết, DN của ông cũng đang đầu tư 3 dự án ở tỉnh Long An. "Tôi từng tới KCN Hiệp Phước (Nhà Bè) khảo sát để tính thuê đất mở nhà máy, mặc dù giá thuê đất khu này cũng không cao nhiều so với Long An nhưng có vướng mắc là cơ quan quản lý yêu cầu 5 năm điều chỉnh một lần, như thế đều ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của DN. Chưa kể, DN có thể chấp nhận giá thuê đất KCN ở TP.HCM cao hơn các địa phương khác vì vị trí thuận lợi hơn nhưng hiện có những "điểm trừ" là cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, ngập nước, kẹt xe, thủ tục hành chính chưa cải thiện nhiều làm nản lòng DN", ông Trường góp ý.

Cùng quan điểm này, ông Giang Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc KCN Hiệp Phước chia sẻ thêm, để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, chính quyền TP.HCM nên tạo ra cơ chế chính sách hấp dẫn hơn theo hướng cả TP.HCM và DN cùng có lợi trên cơ sở chia sẻ lợi ích vì sự phát triển chung. Điều này đòi hỏi chính quyền TP.HCM phải đề xuất giải pháp có sự đột phá để duy trì vị trí, lợi thế cạnh tranh.

Trên thực tế, trước bối cảnh phát triển của cuộc CMCN 4.0, khi mà những yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào, giao thông hạ tầng thuận tiện… không còn là thế mạnh, đòi hỏi thành phố phải quy hoạch KCN – KCX theo hướng mới. TP.HCM phải chuyển đổi các KCN - KCX hiện hữu theo hướng hiệu quả hơn như hình thành mô hình KCN hỗ trợ, KCN sinh thái hoặc KCN kết hợp đô thị - dịch vụ. TP.HCM phải xây dựng mô hình phù hợp với mục tiêu thu hút dự án lớn theo định hướng đổi mới sáng tạo. Mặt khác, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu đầu tư, các KCN – KCX tại TP.HCM phải nâng cao hiệu quả mô hình quản lý “một cửa, tại chỗ”.

Tiếp thu ý kiến của các đơn vị và chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, với thực trạng KCN –KCX như trên, TP.HCM sẽ cần chuyển đổi mô hình mới để thu hút đầu tư, phát triển bền vững theo chiều sâu và hội nhập kinh tế quốc tế. Trước mắt, thành phố tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Trong giai đoạn từ năm 2020-2025, TP.HCM định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành công nghiệp truyền thống.

​Minh Lâm

Tin đọc nhiều