TP.HCM: Phát triển dịch vụ và công nghệ để tăng trưởng xuất khẩu

14:00 | 06/11/2019

Để phát huy tốt nhất thế mạnh, cần tập trung đầu tư để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối tốt hơn giữa các vùng và khu vực nhằm giảm thiểu chi phí giao nhận hàng hóa.

Xuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 9 tỷ USD
Xuất khẩu năm 2019: Ngành chủ lực khó cán đích
Nông nghiệp xuất siêu gần 7,3 tỷ USD

Theo đánh giá của Sở Công thương TP.HCM, hoạt động xuất khẩu của thành phố đã đến ngưỡng giới hạn, sẽ khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có các giải pháp mạnh mẽ.

Hiện trong số 1.014 sản phẩm mà TP.HCM đang xuất khẩu thì có 186 sản phẩm có lợi thế so sánh bộc lộ (RCA), chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Thế nhưng, hiện hầu hết các sản phẩm này của TP.HCM lại đang mất dần lợi thế (108/186 sản phẩm có RCA giảm). Các sản phẩm RCA như thiết bị tinh thể lỏng, phụ kiện cho đồng hồ, các hình nộm thời trang, các sản phẩm vệ sinh răng miệng hoặc nha khoa thì quy mô xuất khẩu hiện tại còn rất nhỏ, chưa thể đóng vai trò chủ đạo trong ngắn hạn. Sản phẩm truyền thống (dệt may, da giày, nông – thủy hải sản, cao su – hóa chất, và đồ gỗ) đã đến ngưỡng tăng trưởng bão hòa và đang mất dần lợi thế vì giá lao động và mặt bằng sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, cơ hội đa dạng hoá thấp. Với những sản phẩm quan trọng nổi bật (điện tử, cơ khí chế tạo linh kiện) có mức độ tinh vi cao, có tiềm năng, nhưng tính khả thi lại thấp do nền tảng năng lực sản xuất và công nghệ còn yếu, chủ yếu là đến từ các DN FDI.

tphcm phat trien dich vu va cong nghe de tang truong xuat khau
Cần có cơ chế hỗ trợ cho DN có sản phẩm xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng lớn

Trên thực tế, dù TP.HCM nằm trong tốp 6 thành phố xuất khẩu phần mềm lớn trên bản đồ thế giới nhưng hiện vẫn chỉ là bán sức lao động hơn là tạo ra giá trị gia tăng cao. Chính vì thế, cần có cơ chế hỗ trợ thêm cho DN có sản phẩm xuất khẩu bởi lĩnh vực này có tiềm năng mang lại giá trị gia tăng lớn. Thành phố cũng nên khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học đào tạo thêm những ngành theo xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, bởi nhu cầu nhân lực nhóm này trong 3-5 năm tới sẽ rất lớn.

Về định hướng xuất khẩu của thành phố, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, quan điểm chiến lược của thành phố là lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, hàng hoá vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số). TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì và hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn, đồng thời nâng cấp công nghiệp và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành hàng xuất khẩu này.

“TP.HCM đặt mục tiêu quan trọng nhất là phát triển các dịch vụ nền tảng về công nghệ, nguồn nhân lực và tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ FTA để hỗ trợ xuất khẩu bao gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xúc tiến thương mại và logistics cùng các cơ chế chính sách; xây dựng nền tảng cho các sản phẩm truyền thống và có thế mạnh; tập trung phát triển xuất khẩu nhóm hàng hoá vô hình, đặc biệt là sản phẩm công nghệ thông tin như phần mềm, nội dung số, các dịch vụ, bưu chính”, ông Hòa đưa ra các mục tiêu cụ thể.

Tuy nhiên, vấn đề liên quan mật thiết đến xuất khẩu bền vững là logistics thì vẫn còn không ít bất cập. Chính vì thế, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, do hệ thống logistics của TP.HCM cũng như vùng lân cận còn nhiều bất cập nên khó khăn cho vận chuyển hàng hóa, từ đó làm giảm giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. “TP.HCM và một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai cần hình thành ngay một trung tâm logistics lớn, từ đó chuyển hàng đi các khu vực, giải tỏa được căng thẳng trong vận chuyển”, ông Nam đề nghị.

Nhiều chuyên gia nhận định, TP.HCM vẫn có nhiều lợi thế trong hoạt động xuất nhập khẩu. Nhưng để phát huy tốt nhất thế mạnh, cần tập trung đầu tư để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối tốt hơn giữa các vùng và khu vực nhằm giảm thiểu chi phí giao nhận hàng hóa. Hiện chi phí vận tải chiếm 59% tổng chi phí logistics đã làm giảm năng lực, sức cạnh tranh của hàng hóa và DN trong nước.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, thành phố lắng nghe các ý kiến đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như muốn DN trình bày những nguyên nhân từ cơ chế chính sách, yếu kém nội tại của kinh tế thành phố để các sở, ngành liên quan đề xuất giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều