Trả được thì hãy vay!

09:05 | 09/04/2015

Xu hướng vay tiêu dùng tín chấp từ các CTTC ngày càng tăng. Song với những tranh chấp xảy ra, nhiều người đang ví von vay tín chấp tại các CTTC chẳng khác nào vay chợ đen

“Đen hay trắng” tùy ở nhu cầu

Chị Phan Thị Thủy, nhân viên của Công ty Đức Hoàng (quận 1-TP.HCM) cho biết, chị vừa mua xe máy trả góp thông qua việc vay vốn ở một công ty tài chính. Với khoản vay 20 triệu, mỗi tháng chị trích khoảng 3 triệu đồng từ tiền lương để trả cho khoản vay mua xe. Mới hơn 6 tháng, chị đã trả được 80% số tiền vay. Ước tính, khoảng 2 tháng nữa chị sẽ trả xong nợ và thanh lý hợp đồng vay.

Với trường hợp của chị Thủy, có lẽ chuyện vay vốn mua xe trả góp không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chị. Thậm chí, chị Thủy cho rằng đây là dịch vụ chị cảm thấy hài lòng nhất vì không phải lúc nào cũng có thể xoay vài chục triệu ngay để làm những chuyện cần thiết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng xác định mục tiêu ngay từ đầu và quản lý được tài chính một cách rõ ràng như chị Thủy. Ngược lại, có không ít trường hợp vay tiền tại công ty tài chính (CTTC) không trả được nợ và khẳng định “cho vay lãi suất cắt cổ”.

tra duoc thi hay vay
Dù lãi suất cao nhưng các CTTC đang làm được việc mà NH chưa làm được là cho vay những khoản vay siêu nhỏ

Đơn cử như anh Minh Phong, công nhân tại quận Tân Bình cho biết, năm 2014 anh có vay số tiền 24 triệu đồng (trừ một triệu tiền bảo hiểm) của một CTTC trong nước theo hình thức trả góp thời hạn vay là 22 tháng, số tiền mỗi tháng đóng là 1,751 triệu đồng (tùy theo tháng). Anh nói rằng đã đóng được 5 tháng, tổng cộng là 8,88 triệu đồng với lãi suất 5% một tháng. Sau đó, anh xin thanh lý hợp đồng và số tiền mà anh phải thanh lý là 19,9 triệu đồng (bao gồm cả lãi phạt).

“Tôi không biết là có bao nhiêu người công nhân bị rơi vào trường hợp như tôi. Nếu lãi suất mà lên tới 5% mỗi tháng như thế này thì khác nào cho vay nặng lãi? Trong khi đó, nhân viên NH đi phát tờ rơi chỉ có 1,6 – 2,7 % một tháng?", anh Phong nói.

Thực tế, khi nhìn vào số tiền phải trả cao hơn rất nhiều so với tiền vay, hẳn người tiêu dùng nào cũng cảm thấy sốc. Bởi so với lãi suất vay tiêu dùng của NH thì lãi suất cho vay của CTTC ít nhất là gấp đôi. Cụ thể, lãi suất vay thường dao động từ 32,5% cho sản phẩm thẻ tín dụng, khoảng 45% cho sản phẩm vay tiền mặt, 55% cho sản phẩm mua xe máy trả góp, 60% hoặc cao hơn cho các sản phẩm mua đồ điện gia dụng… Tuy nhiên, nếu so với các nước khác trên thế giới như Singapore thì lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp cao hơn 250 lần so với lãi suất tiền gửi tại các NH ở nước này.

Đem câu chuyện tại sao lãi suất quá cao trao đổi với đại diện CTTC TNHH MTV NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC), ông Kalidas Ghose chia sẻ, có rất nhiều yếu tố cấu thành vào giá của khoản vay tiêu dùng tín chấp, khiến giá cả sản phẩm cho vay tiêu dùng cao hơn so với sản phẩm dành cho khách hàng thông thường mua trả đứt. Thứ nhất, do ngành tài chính tiêu dùng cho vay tín chấp luôn có rủi ro rất lớn nên mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với NH bán lẻ hay NHTM. Thứ hai, giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6 – 8 tháng, thậm chí 4 – 5 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.

Tuy nhiên, khi tách bóc các chi phí thì chúng ta sẽ thấy mức lãi suất là hợp lý và lợi nhuận từ một khoản vay sẽ tương đối phù hợp hơn so với chi phí mà CTTC phải trả. Ngoài ra, mức lãi suất cho vay của các công ty được điều chỉnh cho nhiều đối tượng khác nhau tùy vào chất lượng hồ sơ khách hàng và mức rủi ro của khoản vay tín chấp. Mức độ rủi ro được xác định theo các tiêu chí: mức thu nhập, lịch sử tín dụng và đối tượng khách hàng…

Cũng liên quan đến yếu tố lãi suất, có hai định nghĩa về lãi suất mà người vay cần phân biệt là lãi suất tính trên dư nợ ban đầu và lãi suất tính trên dư nợ giảm dần (như trong câu hỏi của anh Minh Phong ở trên, theo thứ tự là 1,6 – 2,7%/tháng và 5%/tháng là do khi tư vấn ban đầu về khoản vay của khách hàng, nhân viên sẽ giải thích cho khách hàng biết về tổng số tiền lãi mà khách hàng sẽ phải trả trong suốt quá trình vay được tính dựa trên dư nợ gốc ban đầu để khách hàn dễ dàng hình dung số tiền lãi sẽ phải trả cho khoản vay của mình. Về lãi suất 5% mà khách hàng nhận được thông báo hàng tháng được tính trên dư nợ giảm dần và càng về sau khoản trả góp hàng tháng của khách hàng càng giảm. Theo đó, hai mức lãi suất này có sự khác biệt với nhau do phương pháp tính, thực tế, khoản vay người tiêu dùng cần thanh toán là như nhau.

Hiểu sao cho đúng

Nhìn chung, nhu cầu vay tiền để mua sắm tiêu dùng hay đầu tư hoàn toàn chính đáng và là nhu cầu có thực của nền kinh tế. Với các đặc điểm là khoản vay linh hoạt (từ 2 triệu – 70 triệu), thủ tục hồ sơ đơn giản và giải ngân nhanh chóng, phù hợp với đa số người lao động có thu nhập trung bình, những người không tiếp cận được với nguồn vay từ các NH. Ngoài yếu tố lãi suất thì làm thế nào để hiểu rõ thông tin về các khoản vay, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng cho vay tín chấp là điều mà rất nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Suy cho cùng, ở nước ta, ngành tín dụng tiêu dùng vẫn trong giai đoạn sơ khởi và 90-95% khách hàng là những khách hàng mới – những người trải nghiệm dịch vụ tài chính cá nhân lần đầu tiên. Do đó, sẽ không tránh khỏi khi sự hiểu biết của khách hàng về các điều khoản trong hợp đồng vay vẫn còn chưa vững vàng.

tra duoc thi hay vay
Mua sắm đừng để vung tay quá trán

Để đảm bảo quyền lợi, các chuyên gia tài chính khuyên rằng: người tiêu dùng chỉ nên nộp đơn yêu cầu khoản vay tín chấp tại các tổ chức tài chính uy tín – nơi có trách nhiệm nâng cao kiến thức cho khách hàng, minh bạch hóa các điều khoản cũng như hỗ trợ khách hàng khi cần thiết.

Ví dụ, khi đến một CTTC để vay, người tiêu dùng bắt buộc phải cùng nhân viên tư vấn tín dụng xem xét các nội dung trong hợp đồng. Và trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào, người vay cần tìm hiểu kỹ, xem xét thu nhập và chỉ nộp đơn yêu cầu vay khi đã đảm bảo đủ khả năng thanh toán. Điều quan trọng đó là người vay phải có trách nhiệm với khoản vay và có ý thức về việc trả nợ.

“Theo tôi, người vay tín chấp rất cần mối quan hệ 2 chiều giữa nơi cho vay và thị trường: khách hàng cần có trách nhiệm khi ký kết hợp đồng và tổ chức tín dụng có nhiệm vụ giúp khách hàng hiểu rõ các điều khoản và nâng cao kiến thức tài chính tiêu dùng cho người dân. Bởi, một điều chắc chắn là nếu thanh toán trễ hạn thì khách hàng sẽ bị trả phí phạt. Nếu vi phạm mức độ nặng hơn, đặc biệt là cố tình không thanh toán dù đã có nhắc nhở từ tổ chức tín dụng cho vay thì sẽ bị kiện và có thể bị ngồi tù”, ông Przemyslaw - Giám đốc Khối Quản trị rủi ro tại VPB FC nói.

Thực tế, trong hoạt động tín dụng, lịch sử tín dụng của người vay đã được ghi nhận trên hệ thống (CIC). Các CTTC đều tham khảo lịch sử tín dụng này để quyết định cho vay. Vì thế chỉ cần có một “vết đen” thì về sau người tiêu dùng đó khó được cho vay nữa. Hơn nữa, Thống đốc NHNN cũng đã từng công bố rằng, nếu cứ ép các tổ chức tín dụng phải đưa lãi suất cho vay tiêu dùng xuống thật thấp thì họ sẽ không thể cho vay ra được. Nếu không cho vay ra được thì đây chính là môi trường để cho vay nặng lãi phát triển.

Do vậy, mặc dù cho vay tiêu dùng lãi suất còn cao nhưng bên cạnh đó cũng có yếu tố tích cực. Người tiêu dùng cũng không nên quá kỳ vọng lãi suất cho vay tại CTTC sẽ giảm xuống mà theo giới chuyên môn, người vay nếu có nhu cầu vay tại CTTC cần xác định là lãi suất bao nhiêu và có khoản thu để trả nợ sao cho hợp lý nhất.

Quỳnh Vũ

Tags: #cho vay #vay
Tin đọc nhiều