Ảnh minh họa |
Cụ thể, Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ thì doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, người mua, thuê mua, thuê được hỗ trợ về mức lãi suất (5%) theo gói 30.000 tỷ đồng. Nhưng hiện nay gói hỗ trợ này đã hết hiệu lực và doanh nghiệp đang xây dựng dang dở phải vay ngân hàng theo lãi suất thương mại (khoảng 6,9% trong năm đầu tiên, sau đó là khoảng 9-10%/năm).
Theo Công ty TNHH Sản xuất HTD Bình Tân, với mức lãi này thì chủ đầu tư không thể xây dựng nhà và bán với mức giá của nhà ở xã hội. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ "chết" và người dân thì cũng không thể mua nhà nên Công ty đề nghị Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ khác giúp giảm lãi suất cho vay.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Theo quy định của pháp luật về nhà ở thì vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội bao gồm "vốn do nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định" (Khoản 4 Điều 70 Luật Nhà ở năm 2014); "Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn và hàng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội" (Điểm a Khoản 1 Điều 29 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội).
Theo quy định của pháp luật về đầu tư công, để được bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chương trình phát triển nhà ở xã hội phải có tên trong danh mục tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, từ tháng 10/2016 (thời điểm gói tín dụng chưa kết thúc giải ngân), Bộ Xây dựng đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nhà nước (là 2 đơn vị hưởng dụng vốn phải báo cáo về nhu cầu) đã có nhiều báo cáo về nhu cầu vốn ngân sách trong giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Đầu tư công; Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xem xét, báo cáo để thu xếp nguồn vốn cho vay.
Ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, theo đó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Chính phủ bổ sung Chương trình nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017, trong đó có nội dung giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng xác định mức bố trí chi để cấp nguồn vốn, cấp bù chênh lệch, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội và cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định trong kế hoạch đầu tư công trung giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chính sách theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP trong 5 năm, đồng thời đề xuất việc bổ sung các thủ tục pháp lý liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2017".
Ngày 10/5/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 3851/BKHĐT-TH báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn đầu tư trung hạn để thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn (còn lại) giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ giao 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Như vậy, nguồn vốn để tiếp tục cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội chưa đáp ứng nhu cầu nhưng sẽ giải quyết được một phần cho hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian tới. Đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thì trong giai đoạn 2015 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền bố trí một phần vốn cho các tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định để các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư dự án không được vay vốn với lãi suất ưu đãi thì được tính vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội với lãi suất phải vay từ các tổ chức tín dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 7, Khoản 1 Điều 8, Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Chính phủ