Trăm nỗi lo theo giá xăng

16:19 | 27/04/2012

Hai đợt tăng giá xăng liên tiếp trong những tháng đầu năm khiến nhiều doanh nghiệp vừa kịp lên tinh thần vào guồng sản xuất sau những ngày ảm đạm, nay lại thêm nhiều nỗi lo đối phó với cơn bão giá mới.

Công ty CP Xi măng Hoàng Long đã hoạt động thoi thóp suốt mấy tháng cuối năm 2011, chủ yếu do thiếu vốn sản xuất, trong khi giá một loạt nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng… tăng liên tục trong năm. Trong khi đó, dù những tháng đầu năm 2012, thị trường xây dựng chưa mấy khả quan, công ty vẫn xác định phải tiếp tục sản xuất để duy trì đầu ra, quan trọng hơn là có nguồn trả lãi vay cho ngân hàng và đảm bảo đời sống công nhân. Tuy nhiên, hoạt động chưa kịp vào guồng thì giá xăng đã tăng liên tiếp, báo hiệu giá cả một loạt nguyên liệu khác cũng rục rịch tăng theo.

Ảnh: BĐT
Một số mặt hàng thiết yếu khác như than, điện... cũng đang rục rịch tăng giá. (Ảnh: BĐT)

"Thực tế giá nguyên liệu đầu vào có tăng cũng không thể số học mà cộng vào giá sản phẩm được, vì cung cầu mặt hàng xi măng trên thị trường hiện nay đang mất cân đối nghiêm trọng", ông Nguyễn Sỹ Tiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Hoàng Long cho biết. Không tiết lộ về tình hình hoạt động hiện nay của DN, song ông Tiệp cũng không giấu nổi lo lắng, nhất là khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực.

Chung nỗi lo với DN này, Công ty CP Xi măng Hạ Long chật vật vượt qua năm 2011 với khoản lỗ gần 500 tỷ, nay vừa kịp vào guồng sản xuất đã tiếp tục lo đối phó với cơn bão giá sắp đến. Ông Trịnh Văn Minh, Chủ tịch HĐQT công ty chua chát nói: "Năm vừa rồi, chi phí các nguyên liệu vật tư đầu vào như điện, than, xăng dầu đều tăng từ 15-35%, xi măng thì ế đọng, chúng tôi không dám tăng giá, có thời điểm còn phải hạ xuống để đẩy hàng đi". Theo ông Minh, khi sản xuất thuận lợi thì giá cả biến động một chút cũng không ảnh hưởng mấy tới đầu vào, còn nay tiêu thụ khó khăn, DN chỉ dám thu mua nguyên liệu "rón rén" bởi đầu ra bấp bênh nên không thể tính chuyện hoạt động dài hơi. Vì vậy, mỗi lần giá cả biến động là một lần các loại chi phí thi nhau "nhảy múa".

Đối với nhiều DN trong ngành dệt may, đợt tăng giá lần này làm tăng nỗi lo chi phí đầu vào chỉ là phần nhỏ, trong khi ngại tâm lý công nhân mới là sức ép lớn. Bà Trương Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty dệt 19-5 chia sẻ, từ nhiều năm nay, DN này luôn phải chịu áp lực trả lương cho người lao động. Bởi vậy, mỗi lần giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, DN lại thấp thỏm chờ đợi phản ứng từ công nhân. "Ngành dệt sử dụng nhiều lao động nhưng chi trả lương không thể cao, nên ngày càng ít người mặn mà với công việc này. Với chúng tôi hiện nay, giữ chân được người lao động đã khó, kiếm thêm người lại càng khó hơn bởi chi phí ngày càng đắt đỏ khiến đồng lương không tài nào đuổi kịp", bà Phương phân trần.

Trong khi đó, nhiều DN dù tự tin cho rằng không mấy lo lắng tới ảnh hưởng của việc tăng giá xăng lần này, song cũng không khỏi băn khoăn việc tăng giá sẽ ảnh hưởng tới những kế hoạch dài hơi trong tương lai. Một DN đang "ăn nên làm ra" trong ngành sản xuất dược phẩm (đề nghị không nêu tên) cho biết, đầu năm DN này luôn ký đơn hàng thu mua nguyên liệu cùng hợp đồng vận chuyển hàng cả năm, bởi vậy việc biến động giá cả không mấy ảnh hưởng đến họ. Tuy nhiên, "điều tôi lo ngại là qua một năm, giá cả biến động quá nhiều lần sẽ hình thành mặt bằng giá mới, tới lúc đó mới cộng dồn vào để tăng giá thành sản phẩm thì e rằng người tiêu dùng khó mà chấp nhận được", đại diện của DN này chia sẻ.

Một số mặt hàng đầu vào thiết yếu khác như than, điện cũng đang rục rịch đòi tăng giá, bên cạnh đó, đợt tăng lương từ ngày 1/5/2012 tới đây cũng sẽ gây sức ép không nhỏ tới mặt bằng giá cả trên thị trường. Trước tình hình này, kỳ vọng kiềm chế lạm phát như mong muốn của Chính phủ sẽ gặp khó khăn.

Ngọc Khanh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều