Tránh “xây nhà từ nóc”

10:30 | 04/07/2012

Về lâu dài DN cần chú trọng phát triển hạ tầng mềm, đầu tư vào việc quản lý thay vì chỉ trông chờ vào hệ thống hạ tầng cứng như hiện nay. Không có tiềm lực mạnh và ít kinh nghiệm quản lý, các DN logistics nội địa đang tận dụng lợi thế am hiểu địa phương.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong 3 năm 2008, 2010 và 2012, ngành vận tải và kho bãi (logistics) của Việt Nam không có nhiều tiến bộ, thậm chí đã tụt tới 31 bậc so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong tổng số 155 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát. Còn đánh giá về chỉ số thương mại của Diễn đàn Kinh tế quốc tế cho thấy chất lượng hoạt động của Hải quan Việt Nam được xếp hạng ở mức 117/118 nước, còn hạ tầng cơ sở là 108/118 nước. Đáng chú ý, sai phạm của một loạt DN lớn trong ngành này là Vinashin và Vinalines trong thời gian qua đã góp phần khiến chỉ số cạnh tranh của ngành logistics tụt 31 bậc.


Các DN Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế hạ tầng (Ảnh: ST)

Nhập siêu logistics

Thống kê của Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam cho thấy, số lượng DNNVV tham gia ngành logistics đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dù có tới gần 1.000 công ty đăng ký thực hiện các chức năng logistics, nhưng chỉ có chưa đầy 1/4 DN trong số này thực hiện trọn vẹn các dịch vụ của ngành này. Còn lại các đơn vị chủ yếu kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa (95%), tận tải (75%). Số DN có hệ thống kho bãi đạt chuẩn chỉ chiếm chưa đầy 50%.

Ông Phạm Minh Đức - Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế về hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Theo đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành logistics tại nước ta được nhìn nhận là phát triển rất nhanh trong thời gian qua, thậm chí đã vượt một số nước trong khu vực như Thái Lan ở một vài chỉ số. Tuy nhiên, ông Đức cũng lưu ý: “Đó là đánh giá về mặt hạ tầng cứng ở tầm vĩ mô, trong đó chủ yếu là nhờ lợi thế sẵn có của Việt Nam về mặt vị trí chiến lược, còn hạ tầng mềm thì vẫn rất kém phát triển”.

Trong số khoảng 1.000 DN đang hoạt động trong ngành này, nhiều DN logistics toàn cầu phát triển rất nhanh từ các đại lý, văn phòng đại diện lên thành các công ty 100% vốn nước ngoài, liên doanh hoặc các hình thức khác. Đến nay đã có khoảng 30 DN logistics có tiếng trên thế giới đã chính thức hiện diện tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự lớn mạnh nhanh chóng về thị phần của các DN nước ngoài, đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ “mất sân chơi” của các DN trong nước nếu không kịp thời giành lại thị phần.

Các DN dịch vụ logistics Việt Nam những năm qua cũng rất mau chóng trưởng thành về nghề nghiệp, qua cọ xát, học hỏi đã tích lũy kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài. Một số DN đã trưởng thành, lớn mạnh và đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài nhờ đa dạng dịch vụ; linh hoạt và kịp thời bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm phục vụ và giữ khách hàng. Tuy nhiên, đại bộ phận các DNNVV không có điều kiện cạnh tranh ngang sức với các DN có yếu tố nước ngoài. Họ chỉ làm đại lý, tổng đại lý, “thầu” lại các công đoạn dịch vụ với DN logistics nước ngoài hoặc cung cấp các dịch vụ đơn giản, truyền thống như giao nhận, vận tải, kho hàng…

Bà Phạm Lan Hương - Trưởng Ban phát triển thị trường, CTCP Vinafco đánh giá, các DN logistics trong nước kém phát triển một phần cũng do dịch vụ này ít được DN sản xuất chú trọng. “Theo các nghiên cứu gần đây thì tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics có tăng lên đôi chút (khoảng hơn 30%) nhưng vẫn còn tình trạng “nhập siêu” dịch vụ logistics hoặc “tự làm” các dịch vụ này, gây hạn chế cho sự phát triển thị trường dịch vụ logistics hiện nay”, bà Hương giải thích.

Tận dụng lợi thế am hiểu địa phương

Không thể cạnh tranh bằng kinh nghiệm hay tiềm lực tài chính với các tập đoàn nước ngoài, nhiều DN logistics Việt Nam đã chủ động xác định lợi thế của mình để đủ sức cạnh tranh trên chính sân nhà. Ông Đặng Tiến Thành - Giám đốc Công ty TNHH Tiếp vận Vinafco cho rằng, DN Việt Nam không có ưu điểm nào khác hơn ngoài sự am hiểu địa phương, am hiểu sản phẩm để hỗ trợ và tư vấn nhà sản xuất trong việc phân phối và tiêu thụ.

“Chẳng hạn, khi đưa sản phẩm ra thị trường ở các vùng khác nhau, cần tiếp cận theo cách khác nhau. Ví dụ ở miền Nam, hôm nay họ có thể dùng một sản phẩm này, nhưng ngày mai họ sẵn sàng dùng một sản phẩm tương đồng. Trong khi người miền Bắc khi đã quen một cái gì đó thì họ gắn bó với nó lâu dài hơn. Nắm được tâm lý tiêu dùng này, chúng tôi có thể đưa ra tư vấn cho nhà sản xuất đối với từng mặt hàng để họ tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn”, ông Thành giải thích.

Một lợi thế khác mà theo ông Thành chính là khả năng ứng biến nhanh nhạy của DN nội địa trước những rắc rối của các thủ tục quản lý trong nước - điều mà DN nước ngoài rất khó xử lý. Ví dụ như việc cấm đường, mấy tháng vừa rồi các cơ quan quản lý của ta liên tục cấm xe vào một số tuyến đường nội thành khiến việc vận chuyển bị gián đoạn rất nhiều. Tuy nhiên, DN đã quen “sống chung với lũ” nên đã đưa ra một số giải pháp khắc phục được tình trạng này.

Mới đây, quyết định dừng cấp phép vận tải nội địa cho tàu nước ngoài do Bộ Giao thông - Vận tải ban hành cũng được các DN trong nước đánh giá rất cao. Với quyết định này, các DN Việt Nam sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh với DN nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển đội tàu biển vận chuyển container trong thời gian tới. Nhiều DN cũng cho rằng, Nhà nước cần có nhiều hơn nữa những giải pháp để bảo vệ và phát triển ngành dịch vụ đầy tiềm năng song còn non trẻ này của Việt Nam.

Tuy đánh giá tích cực về việc DN trong nước chủ động tạo lợi thế cạnh tranh, nhưng các chuyên gia trong ngành logistics cũng khuyến cáo, về lâu dài DN cần chú trọng phát triển hạ tầng mềm, đầu tư vào việc quản lý thay vì chú trọng “xây nhà từ nóc”, tức là chỉ trông chờ vào hệ thống hạ tầng cứng như hiện nay.

“Việt Nam phải chú trọng đến việc thiết kế hệ thống cảng biển. Theo đánh giá của Eurocham, Việt Nam nên có khoảng 4-5 cảng biển tiêu chuẩn tốt ở phía Nam, 2-3 cảng lớn ở phía Bắc và 1-2 cảng ở miền Trung. Theo đó, tổng số khoảng 11-12 cảng tốt, chất lượng cao phân bố dọc 3 miền sẽ có hiệu quả hơn so với 50-60 cảng nhỏ nằm rải rác giữa các tỉnh. Đồng thời, để hệ thống cảng này phát huy hiệu quả, cần đẩy mạnh phát triển kết nối hạ tầng giữa các cảng biển cũng như các vùng công nghiệp trọng điểm vành đai”, ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Eurocham nhận xét.

Ngọc Khanh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều