Triển vọng kinh doanh 2012: Dự cảm... lạc quan

11:46 | 15/03/2012

Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh và các điều kiện sản xuất kinh doanh quý I/2012 được các DN dự cảm có xu hướng khó khăn hơn so với quý IV/2011. Nhưng theo Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2011, vẫn có 32% DN được khảo sát có thể mở rộng quy mô kinh doanh trong năm 2012, 52% DN quyết định giữ nguyên quy mô kinh doanh, 15% DN có thể giảm quy mô kinh doanh.

Lạc quan...

Theo VCCI, tính đến đầu năm 2012:

* Tổng số DN đăng ký theo Luật DN là 622.977 DN.
* Trong năm 2011, số lượng DN mới đăng ký kinh doanh đạt 77.548 DN với số vốnđăng ký đạt trên 513 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 13% về sốDN đăng ký mới và giảm 5,7% về số vốn đăng ký so với năm2010.
* Trong 9 tháng đầu năm 2011, có 48.700 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động. Trong đó, giải thể 5.803 DN, ngừng hoạt động là 11.421 và 31.477 DN đã ngừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể.
* Tính cả năm 2011, số DN giải thể dừng lại ở con số 7.611 DN.

Vì sao nhiều DN Việt Nam lại lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới trong khi các dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức đánh giá tín nhiệm đều đồngloạt hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2012?!

Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2011 vừa được VCCI công bố đã chỉ ra rằng, cảm nhận của DN Việt Nam đã lạc quan hơn bởi lẽ họ đã trải qua một thời gian dài trong khó khăn nhưng vẫn có thể trụ vững và phát triển. Đa số DN cho rằng, bối cảnh kinh tế 2012 cũng sẽ tạo ra những cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam.

Cơ hội trước hết là các dòng vốn đầu tư sẽ rút khỏi những nền kinh tế rối loạn, nhiều rủi ro để tìm đến những thị trường ổn định và có tiềm năng tăng trưởng tốt như Việt Nam. Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là một nơi có chính trị xã hội ổn định và có nhiều tiềm năng để đầu tư. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô sớm được ổn định, Việt Nam sẽ có sức hút đầu tư nước ngoài rất lớn.

Theo Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Phạm Thu Hằng, nguyên nhân khiến các DN quyết định có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh vào năm 2012, là do các DN tin tưởng vào sự phục hồi sức cầu của thị trường cả nội địa lẫn xuất khẩu trong quý I/2012, đặc biệt nhu cầu thị trường trong nước được dự báo là phục hồi với tốc độ khả quan.

Các DN nhận định, dù kinh tế khó khăn, nhưng người dân ở các nước vẫn phải chi tiêu cho những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc…

Đây lại là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nên Việt Nam vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu các mặt hàng này.

Mặt khác, Việt Nam có thể chuyển hướng tập trung, tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới nổi, các thị trường đang phát triển, nơi hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn. Ví như việc Nhật Bản vẫn đang trong quá trình tái thiết đất nước sau thảm họa kép cũng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Hơn thế, hiệu ứng của nỗ lực cao trong việc thực hiện tái cấu trúc trong thời kỳ hậu khủng hoảng của nhiều DN đã dần hiện rõ.

"Khảo sát của VCCI cho thấy, các biện pháp tái cấu trúc bao gồm: giảm giá thành, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường và tăng chất lượng sản phẩm đã mang lại hiệu quả cao. Trong đó 65% DN cho rằng chất lượng sản phẩm tăng lên rõ rệt, 57% DN cho biết năng suất lao động tăng cao" - bà Hằng cho biết.

Ảnh: VnExpress

5 nguyện ước của DN

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều DN đánh giá cao chính sách hỗ trợ thuế cho các DN sử dụng nhiều lao động và chính sách khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Tuy nhiên, chính sách điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu, cộng với mặt bằng lãi suất ở mức cao vẫn còn là điểm "nóng", tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Theo bà Phạm Thu Hằng, kết quả khảo sát cho thấy, 76% DN hiện nay phải vay tín dụng với mức lãi suất 18-19%/năm trở lên. Chỉ có 9% số DN cho rằng mức lãi vay này là hợp lý trong thời điểm hiện tại. Nếu buộc phải chấp nhận mức lãi vay này thì chỉ có 49% số DN thấy có thể chịu đựng được. Nghĩa là 51% DN còn lại sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi vay này trong lâu dài... Và mức lãi suất này dễ thúc đẩy DN chọn hướng đầu tư cho các thương vụ ngắn hạn hoặc đầu cơ vào dự án có mức độ rủi ro cao nhưng có lợi nhuận cao.

Với những khó khăn này, DN đã chọn ra 5 vấn đề ưu tiên mong mỏi Chính phủ cần nỗ lực trong thời gian tới.

Trong đó, vấn đề ưu tiên thứ nhất là kiểm soát tham nhũng.

Ưu tiên thứ hai thuộc về 3 nội dung: tiếp tục tạo sân chơi bình đẳng cho mọi DN, không phân biệt thành phần sở hữu, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chống hàng giả; tăng tính minh bạch và giảm lãi suất vay ngân hàng.

Ưu tiên thứ ba là minh bạch và nhất quán của hệ thống pháp luật. Ưu tiên thứ tư là ổn định kinh tế vĩ mô, cuối cùng là tiếp tục cải thiện các quy định và thủ tục để tiếp cận đất đai dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, trong một thế giới toàn cầu hóa với những biến động khó lường, những mong muốn trên chỉ là điều kiện cần để các DN sản xuất ổn định. Điều kiện đủ để các DN lạc quan khi mở rộng sản xuất kinh doanh chính từ sự hợp tác chia sẻ cảm nhận về hiện trạng và triển vọng cũng như các yếu tố tác động đến sản xuất kinh doanh.

Thông tin tổng hợp từ những cảm nhận này giúp cho mỗi DN hiểu rõ hơn diễn biến vừa qua và sắp tới của thị trường để có quyết định sắc bén và kịp thời hơn trong nỗ lực nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh của mình.

Dương Công Chiến

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều