Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC): Đẩy mạnh kết nối trực tuyến H2H

12:12 | 20/11/2020

Hiện nay, CIC đang chuẩn bị đưa vào triển khai kênh kết nối trực tiếp giữa CIC với TCTD theo thể thức Host to Host (H2H) trên phạm vi tất cả các TCTD trên toàn quốc.

trung tam thong tin tin dung quoc gia viet nam cic day manh ket noi truc tuyen h2h
Hoạt động của CIC đã góp phần vào những thay đổi về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam

Việc triển khai H2H trên phạm vi lớn với tất cả các TCTD trên toàn quốc là kết quả của hơn 1 năm CIC triển khai thử nghiệm H2H với 10 TCTD lớn trong nước thời gian vừa qua. Việc đẩy mạnh triển khai H2H làm giảm thiểu tối đa tác động can thiệp của con người trong quá trình hỏi và trả lời tin. Điều này làm tăng tính minh bạch của TTTD – cơ sở vững chắc để các TCTD xem xét cấp tín dụng cho khách hàng vay.

Mô hình kết nối H2H giữa CIC và từng TCTD là một hệ thống được thiết kế với đường truyền riêng giữa CIC và từng TCTD để phục vụ hoạt động báo cáo, khai thác TTTD của TCTD với CIC hiệu quả hơn, đặc biệt với các yêu cầu báo cáo, truy xuất lượng thông tin khách hàng lớn, có tính đồng bộ cao. Mô hình kết nối trực tiếp (H2H) với các giải pháp kỹ thuật mới bao gồm 2 cổng kết nối đặt tại TCTD và CIC (API gateway) cho phép dữ liệu được truyền tự động hai chiều qua đường truyền riêng, đáp ứng tối đa yêu cầu báo cáo TTTD theo quy định của NHNN, đồng thời khai thác có hiệu quả sản phẩm, dịch vụ của CIC.

Đặc biệt, đây là hệ thống chuyển dữ liệu hai chiều tự động, cho phép tinh giản hoạt động hỏi tin, tiết kiệm về phí dịch vụ, lao động và thời gian, giảm bớt can thiệp của con người vào quá trình hỏi và trả lời tin.

Ngoài ra, hệ thống kết nối H2H còn cho phép TCTD quản lý tập trung và có hệ thống các thông tin đã khai thác từ CIC để phục vụ cho các hoạt động quản trị rủi ro và là nguồn dữ liệu lịch sử quan trọng để các TCTD xây dựng và phát triển các mô hình quản trị rủi ro nội bộ. Việc triển khai mô hình H2H sẽ giúp các ngân hàng và CIC cập nhật hai chiều thông tin (TCTD và CIC và CIC và TCTD) một cách tự động ngay khi có biến động thông tin theo các mẫu biểu/trường thông tin đã thống nhất; giảm thiểu sự can thiệp của con người vào quá trình truy vấn, chiết xuất thông tin; Hỗ trợ TCTD trong việc lưu trữ, quản trị dữ liệu TTTD tập trung tại hội sở phục vụ cho các mục đích, nhiệm vụ khác nhau của hoạt động ngân hàng.

Mô hình này cũng mang lại ý nghĩa hết sức thiết thực đối với cả TCTD lẫn CIC. Cụ thể, đối với TCTD, thì các báo cáo TTTD kịp thời, chính xác theo quy định; quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu TTTD khai thác từ CIC, tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực và giảm thiểu rủi ro tác nghiệp. Đối với CIC, việc cập nhật dữ liệu phát sinh tại TCTD được tiến hành một cách nhanh chóng, tăng cường tự động hóa trong hoạt động cung cấp thông tin, giảm rủi ro tác nghiệp; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm theo yêu cầu của từng TCTD; nắm bắt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của TCTD về TTTD trong thời đại công nghệ mới.

Đặc biệt, với hệ thống công nghệ mới trong dự án FSMIMS vừa được CIC triển khai thành công vừa qua và sự chủ động của CIC trong việc áp dụng phương thức cung cấp thông tin mới hiện đại H2H, thời gian truy xuất thông tin hiện đã giảm xuống dưới 10 giây, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng khai thác thông tin nhanh, hiệu quả và với chi phí hợp lý. Cùng với đó, CIC đã không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu. Nguồn thông tin đã mở rộng tới 100% các TCTD, kể cả các tổ chức có quy mô nhỏ như QTDND, tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức ngoài ngành.

Được biết, CIC đang đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2018-2023, trong đó tập trung vào các dự án xây dựng trung tâm dự phòng, Trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ chi nhánh TP.HCM và các phần mềm ứng dụng; Hoàn thành và triển khai mô hình cung cấp thông tin trực tiếp H2H chuẩn tới tất cả các TCTD; Đẩy mạnh triển khai Cổng thông tin kết nối với khách hàng vay trên toàn quốc; Hoàn thành dự án xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân mới CIC 2.0...

Hoạt động CIC những năm qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới công nghệ, quy trình nghiệp vụ, tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN. Việc mở rộng và nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia đã được tăng cường, tạo nền tảng để phục vụ tốt hơn yêu cầu của NHNN và mở rộng tín dụng, quản trị rủi ro của các TCTD, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng vay. Hoạt động của CIC đã góp phần vào những thay đổi về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong đánh giá về môi trường kinh doanh năm 2019 của WB. Theo đánh giá của WB, môi trường kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

Thanh Thủy

Tin đọc nhiều