Từ gọi xe đến thanh toán

11:05 | 21/11/2019

​Grab đang tiến gần hơn với một định nghĩa mới là Fintech. Liệu các tổ chức tín dụng truyền thống sẽ ứng xử như thế nào trước việc ứng dụng gọi xe thống lĩnh thị trường đang có ý định lấn sân sang lĩnh vực tài chính?

Tạo bước đột phá trong giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt
Cuộc đua thanh toán ngày càng gay cấn
tu goi xe den thanh toan
Grab đang muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động sang lĩnh vực Ngân hàng số

Hãng tin Reuters mới đây đưa tin Grab đang xúc tiến xin giấy phép hoạt động ngân hàng số tại Singapore. Nếu mọi chuyện thuận lợi, Grab sẽ là một trong số 2 hoặc 3 ngân hàng số đầu tiên tại quốc đảo sư tử.

Hồi tháng 5, Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority của Singapore - MAS) cho biết đang nghiên cứu khả năng cho phép một công ty không phải ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực chỉ ngân hàng số. Hoạt động này chỉ cung cấp trực tuyến các sản phẩm là tài khoản tiết kiệm, cho vay cá nhân và bảo hiểm du lịch.

Trước đó không lâu, tại thị trường Hong Kong, hàng loạt những tên tuổi quen thuộc đã được cấp phép thí điểm tương tự, chẳng hạn như Ant Financial của Alibaba, Xiaomi, hay Standard Chartered.

Có thể xem đây là một trong những bước đi quan trọng trong tham vọng trở thành “siêu ứng dụng” của Grab tại thị trường khu vực, không chỉ đơn thuần là ứng dụng đặt xe nữa.

Báo cáo về nền kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á của Temasek – Google vào cuối năm ngoái nhận định việc phát triển các dịch vụ tài chính sẽ là trọng tâm tiếp theo, sau lĩnh vực đặt xe và giao thức ăn của Grab hay Go-Viet. “Khoảng trống dịch vụ tài chính trực tuyến vẫn chưa được khai thác nhiều”, báo cáo này nhận định.

Tại thị trường bản xứ, Go-Jek và Grab đã bắt đầu cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến, gọi là GoPay và GrabPay, được khách hàng đón nhận do thuận lợi và đặc biệt là vì kèm theo khuyến mãi tưng bừng. Năm ngoái, Grab đã bắt tay với Credit Saison (Nhật Bản) để bắt đầu thử nghiệm cung cấp các khoản vay tài chính tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á.

Tại thị trường Việt Nam, Grab từng bị phạt vì đưa GrabPay vào sử dụng dù chưa được cấp phép. Sau đó, Grab vội vã mua lại ví điện tử Moca để hợp thức hóa mảng thanh toán của mình. Khi khách hàng dần quen với ví điện tử, Grab gần đây nhảy vào khâu thanh toán hóa đơn với những khuyến mãi khủng để hút khách hàng, như cách chơi quen thuộc từ trước đến nay.

Trong khi đó, các ứng dụng đặt xe khác như Go-Viet, VATO, hay Fastgo vẫn chưa tham gia vào thị trường tài chính, ngoại trừ Be Group. Ứng dụng gọi xe ra mắt vào cuối tháng 12 năm ngoái mới đây công bố dịch vụ tài chính beFinancial, cùng sự hợp tác của VPBank.

Theo ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Be Group, đơn vị này sẽ tách ra hoạt động độc lập với mảng Be đặt xe trong thời gian tới, cung cấp các dịch vụ cho vay mua xe, hoặc vay tiêu dùng với cả tài xế, khách hàng và doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc Be xem mảng tài chính như là một mảng độc lập với mảng gọi xe.

Thống kê cho thấy, đa phần các Fintech hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Có đến 29 ví điện tử được cấp phép chính thức, nhưng chỉ có một vài tên nổi trội, phần nhiều trong số đó chỉ chờ để mua bán sáp nhập, với mục tiêu hoàn thiện “hệ sinh thái” về sản phẩm hay dịch vụ của một “ông lớn” nào đó, như Moca với Grab là một ví dụ.

Mặc dù khâu thanh toán khá hấp dẫn trong thời điểm này, nhưng lĩnh vực hái ra tiền lại là các sản phẩm tài chính cá nhân khác, như vay tiêu dùng, bảo hiểm hay quản lý tài sản, vì mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Một ví dụ điển hình là Ant Financial, công ty con của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) được định giá lên đến 150 tỷ USD. Mảng kinh doanh nổi tiếng nhất của Ant là Alipay, ứng dụng thanh toán phổ biến ở Trung Quốc. Theo ước tính của Barclays được Reuters dẫn lại, doanh thu của Alipay chiếm khoảng 55% trong tổng số 8,9 tỷ USD của Ant. Tuy nhiên các mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao hơn là cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ, quản lý tài sản và các dịch vụ đầu tư khác.

Tại Việt Nam cũng vậy, cho vay tiêu dùng cũng là mảng kinh doanh đầy hấp dẫn khi phần đông người dân vẫn chưa tiếp cận hoàn toàn đến các dịch vụ tài chính từ phía ngân hàng. Trong cuộc đua này, các “hệ sinh thái” từ ứng dụng gọi xe tiếp tục là thách thức trong tương lai, bởi chúng không chỉ có các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp (như chuyển tiền, cho vay, sản phẩm đầu tư, bảo hiểm…) mà còn có lợi thế khác về dữ liệu và chi phí.

Trong thời gian qua, các ứng dụng như Grab, Go-Viet, hay Be Group vẫn ở trong cuộc đua “thu thập” dữ liệu người dùng, không chỉ là dữ liệu hồ sơ đăng ký, mà còn là thói quen đi lại, ăn uống, tiêu xài, để rồi sau đó là sự kết nối mở rộng các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm để phục vụ cho “cộng đồng” này. Các “hệ sinh thái” này nắm dữ liệu giao dịch của khách hàng, bắt đầu chấm điểm tín dụng, thống kê và phân tích, đưa ra các khoản vay phù hợp với quy mô tiếp cận lớn và chi phí thấp hơn là các mô hình cho vay truyền thống. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, nếu Grab tham gia cho vay tiêu dùng thì sẽ trở thành một đối thủ cực kỳ khó chịu, bởi lượng giao dịch hàng ngày quá lớn.

Ông Kalidas Ghose - Tổng giám đốc Công ty tài chính FE Credit từng cho biết đã ứng dụng công nghệ Big Data và AI vào phân tích dữ liệu hành vi khách hàng, nhưng điều này là chưa đủ. Sự hợp tác với GoBear, một trung gian giới thiệu sản phẩm tài chính với FE Credit có thể là một ví dụ cho việc các bên liên tục bắt tay để khai thác dữ liệu của nhau.

Bản thân các ngân hàng cũng liên tục thử nghiệm các mô hình mới, chẳng hạn như trường hợp của ví điện tử YOLO của VPBank, hay hướng đi ngân hàng số của TPBank, hay mới đây là Ngân hàng hợp kênh Omni của OCB. Chưa rõ về hiệu quả nhưng nhìn chung tất cả đều có cách tiếp cận khách hàng khác biệt so với kênh truyền thống của ngân hàng.

Cách đây không lâu tại một cuộc hội thảo về ngân hàng số, ông Reet Chaudhuri - chuyên gia cao cấp mảng thanh toán và giao dịch, Công ty Tư vấn quốc tế McKinsey cho biết, ngân hàng số là một mô hình kinh doanh bổ trợ cho ngân hàng truyền thống, nếu các nhà băng muốn mở rộng dữ liệu khách hàng. Trong khi đó, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN Việt Nam cho rằng, các ngân hàng sẽ phải thay đổi dần theo hướng tích hợp nhiều dịch vụ khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là dịch vụ tài chính truyền thống.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả các bên trong thời gian tới sẽ phải mở rộng hệ sinh thái của mình. Thị trường, do đó sẽ còn xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới, nhưng cũng sẽ xuất hiện thêm nhiều thương vụ mua bán sáp nhập giữa các bên với nhau. Trong bối cảnh bây giờ, cơ quan quản lý có lẽ cũng nên tính toán đến việc sẽ ứng xử như thế nào với Grab – một ứng dụng gọi xe muốn hoạt động tài chính.

Ng. Dũng

Tin đọc nhiều