Đến thời điểm này, việc chuyển đổi của các ngân hàng ra sao, có đạt về đích đúng hạn hay không? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch CTCP thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) bà Nguyễn Tú Anh.
Bà Nguyễn Tú Anh - Chủ tịch CTCP thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) |
Đến thời điểm này, Napas đã cấp chứng nhận chuẩn thẻ chip cho hầu hết các ngân hàng trên thị trường. Hiện chỉ còn vài ngân hàng, nhưng họ cũng đã lên kế hoạch cụ thể hoàn tất việc chuyển đổi này. Để hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc chuyển đổi, Napas đã cung cấp nhiều chứng chỉ cho nhiều công ty cung cấp thẻ trắng, cung cấp thiết bị POS cho thị trường để làm sao cộng đồng ngân hàng có nhiều lựa chọn tốt nhất khi mà chuyển đổi thẻ và mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ của ngân hàng mình.
Bà có thể cho biết, tình hình cấp chứng nhận chuyển đổi thẻ chip cho các ngân hàng ra sao? Với tiến độ hiện nay, theo bà, ngân hàng có kịp chuyển đổi 100% thẻ từ sang thẻ chip, cũng như về mạng lưới ATM, POS theo đúng lộ trình đặt ra?
Có một thực tế, việc dịch chuyển thẻ từ sang thẻ chip, từ thẻ tiếp xúc sang không tiếp xúc ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí hoạt động của các ngân hàng. Bởi các ngân hàng phải đầu tư khoản không nhỏ để mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ. Song ngân hàng xác định đây là khoản đầu tư trong tương lai và đó là trách nhiệm của ngân hàng với cộng đồng. Vì vậy, tôi rất mong các ngân hàng cùng với Napas dưới sự chỉ đạo của NHNN nhanh chóng chuyển đổi thẻ chip, xây dựng mạng lưới chấp thẻ tốt và liên thông với nhiều bộ, ban, ngành khác.
Chúng tôi mong muốn, câu chuyện ứng dụng thẻ chip không phải chỉ riêng của ngành Ngân hàng. Thẻ chip có đặc tính đa ứng dụng chứ không đơn thuần chỉ có chức năng thanh toán dịch vụ tài chính, nên có thể liên thông với những ngành kinh tế khác như giao thông, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Thời gian tới, tôi cho rằng, ngoài ngân hàng còn có những đơn vị có mô hình kinh doanh mới trên thị trường Việt Nam như Mobile Money… khi được Chính phủ cấp phép cũng có thể ứng dụng trên nền tảng không tiếp xúc… Khi đó, người dân Việt Nam chắc chắn sẽ thực hiện được chương trình tài chính toàn diện tức là người dân ở vùng nông thôn, thậm chí là những người nghèo ở khu vực này đều có thể sử dụng công nghệ ngân hàng trong thanh toán và các dịch vụ tài chính.
Tôi tin rằng, sang năm 2021 toàn thị trường Việt Nam sẽ chuyển đổi sang thẻ chip theo đúng lộ trình của NHNN quy định. Và hơn cả là rất nhiều người dân được sử dụng công nghệ chip trên một mạng lưới rộng rãi tiện lợi và hiệu quả. Song, chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm của các nước thực hiện thành công để áp dụng cho Việt Nam có thể mở rộng mạng lưới thanh toán lớn hơn, giảm bớt thanh toán không dùng tiền mặt cũng như giảm bớt rút tiền mặt trên ATM.
Có ý kiến cho rằng, có thể 2 năm nữa thế giới sẽ phát triển các loại hình thanh toán cao hơn cả thẻ chip. Vậy, chúng ta có cần thiết phải đầu tư quá nhiều vào thẻ chip không?
Theo số liệu của các hiệp hội thẻ, tốc độ phát triển của thẻ trên thế giới vẫn rất tốt trong nhiều năm qua. Và dự báo năm 2020 tốc độ phát triển lĩnh vực thẻ vẫn khoảng 40%. Vì vậy, tôi không nghĩ lĩnh vực thẻ dừng lại mà vẫn tiếp tục phát triển. Chưa kể, trên thế giới, thẻ chip đang chiếm khoảng 90%. Còn tại thị trường châu Á con số thẻ chip được sử dụng chiếm 60% nên Việt Nam không nên lùi lại quá xa so với các sản phẩm dịch vụ tài chính trên thế giới. Dẫu việc chuyển đổi cho 2 - 3 năm tới còn rất nhiều việc phải làm, song sẽ có dư địa rất lớn khi ngành Ngân hàng cùng phối hợp với các ngành kinh tế khác để cùng phát triển. Tôi hy vọng, 3 năm nữa không chỉ những người nhận lương qua tài khoản mà cả các sinh viên, người nông dân… đều có thể sử dụng thẻ chip để phục vụ cho nhu cầu thanh toán thiết yếu trong cuộc sống.
Vậy, Napas sẽ làm gì để thúc đẩy nhanh hơn lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt?
Napas hứa với Chính phủ, NHNN, đối với toàn bộ dịch vụ công Napas đưa phí bằng 0 để cùng với các ngân hàng giảm phí tốt nhất cho người dân trong vòng ba năm tới. Bên cạnh đó, Napas cùng Hiệp hội thẻ và các ngân hàng xây dựng lại cơ chế chia sẻ phí giữa toàn bộ hệ sinh thái từ người dùng đến các đơn vị chấp nhận và các ngân hàng. Qua đó, đưa ra được cơ chế vừa khuyến khích các ngân hàng đầu tư phát triển mạng lưới, đồng thời có cơ chế hỗ trợ tốt nhất cho người dân, khuyến khích họ sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Xin cảm ơn bà!
Nguyễn Vũ thực hiện
thoibaonganhang.vn