Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố tính đến cuối tháng 3/2015 đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 3 đạt 2,3%, trong khi so với cùng kỳ tăng trưởng âm.
Sacombank triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ vay vốn cho DN |
Ưu đãi lãi suất
Mức tăng tín dụng trên của các TCTD trên địa bàn TP.HCM đã khiến không ít người bất ngờ. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc tăng trưởng tín dụng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các NH. Đặc biệt là sự nỗ lực trong việc tìm kiếm khách hàng của các NHTMCP.
Thừa nhận điều này, lãnh đạo của Sacombank cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, để hỗ trợ vốn vay cho DN sản xuất kinh doanh, Sacombank đã triển khai 7 gói tín dụng với tổng nguồn tài trợ lên đến 20.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng khách hàng DN đã và đang có mối quan hệ tín dụng với NH. Ngoài ra, Sacombank còn triển khai 2 đợt tài trợ vốn vay ngoại tệ ưu đãi cho DN với tổng nguồn lên tới 80 triệu USD.
Đối với khách hàng mới, Sacombank thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 6,5%/năm để bổ sung vốn ngắn hạn. Còn với DN có nhu cầu vay trung dài hạn, lãi suất cho vay khoảng 7,5%/năm. Mặt khác, những DN có mục đích vay mua ô tô phục vụ nhu cầu đi lại, sẽ được NH tài trợ tỷ lệ vay lên đến 80% trị giá tài sản đảm bảo (bằng chính chiếc xe được tài trợ mua).
Cũng từ tháng 3/2015, Sacombank đã triển khai chính sách cho vay ưu đãi theo đối tượng ngành hàng, cụ thể khách hàng có nhu cầu sửa chữa hoặc đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng – khách sạn sẽ được hỗ trợ với mức lãi suất vay chỉ từ 7,5%/năm và nhiều ưu đãi khác về phí dịch vụ.
Bên cạnh đó, khách hàng nhập khẩu cũng được quan tâm chăm sóc với mức lãi suất cho vay chỉ từ 6,5%/năm cùng với chính sách phí thanh toán quốc tế ưu đãi.
Một chương trình cho vay ưu đãi mà Sacombank có thể tự hào đó là cho vay bình ổn thị trường. Xét trên bình diện chung, hiện nay Sacombank được đánh giá là NH có tỷ lệ cho vay vốn bình ổn đứng nhất nhì trên thị trường, lượng DN tham gia vào gói vay này tại Sacombank được ghi nhận là rất lớn vì NH luôn cho vay với lãi suất rất ưu đãi, chỉ từ 5,0%/năm…
Đảm bảo vốn lưu động cho DN
Không chỉ ưu đãi về lãi suất, Sacombank suốt thời gian qua còn triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ vay vốn cho DN đem lại nhiều kết quả. Trước hết, phải kể đến các sản phẩm “Vay nhanh SMEs” dành cho DN nhỏ và vừa (SMEs) có nhu cầu bổ sung vốn kinh doanh hoặc mua ô tô với hạn mức tối đa 1 tỷ đồng trên toàn quốc.
Theo ông Phạm Xuân Toàn (DN SMEs tại quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay, đây là dịch vụ mà ông hài lòng nhất từ khi tham gia vào chương trình kết nối tín dụng với Sacombank. Bởi, thời gian mà NH xử lý hồ sơ cho vay đối với DN của ông chỉ tối đa 2 ngày.
Chưa kể, đối với các khoản vay bổ sung vốn kinh doanh, thời hạn vay tối đa là 12 tháng và tài sản đảm bảo là bất động sản được kiểm định rất nhanh chóng. Đối với các khoản vay mua xe ô tô, thời hạn vay tối đa đến 60 tháng và tài sản đảm bảo là chính xe mua hoặc bất động sản.
Cùng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn (Giám đốc DN xuất nhập khẩu tại TP.HCM) chia sẻ, bên cạnh vấn đề lãi suất ưu đãi, chuyện DN cần phải nói đến vốn lưu động. “Việc tiếp cận nguồn vốn vay tại NH là một quá trình dài đối với cả DN và NH.
Theo đó, chúng tôi rất cần những dịch vụ tương hỗ cho công việc làm ăn thay vì chỉ quan tâm đến lãi suất. Tại Sacombank, mọi dịch vụ dành cho DN đều được đảm bảo”, ông Tuấn nói.
Quả vậy, nhìn vào chuỗi sản phẩm dành cho DN, có thể thấy rất nhiều sản phẩm hỗ trợ mà bất cứ DN nào ra sản xuất kinh doanh đều thấy cần. Chẳng hạn, sản phẩm bao thanh toán xuất khẩu sang Lào và Campuchia hiện nay được nhiều DN đánh giá cao.
Bởi nó có thể đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn lưu động, gia tăng lợi thế cạnh tranh và tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý các khoản phải thu của các DN xuất khẩu tại Việt Nam.
Với chương trình này, DN vay vốn tại Sacombank được NH mua lại khoản phải thu của các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cho các DN nhập khẩu tại thị trường nước ngoài và đã được Sacombank – Chi nhánh nước ngoài cấp tín dụng. Số tiền ứng trước cộng lãi và phí bao thanh toán tối đa không vượt quá 80% giá trị còn lại của khoản phải thu giúp DN linh hoạt hơn rất nhiều trong các đơn hàng.
Sản phẩm L/C trả chậm thanh toán ngay (UPAS) cũng vậy, Sacombank triển khai dịch vụ nhằm cung cứng vốn lưu động cho DN sản xuất kinh doanh thông qua hình thức trả chậm tiền hàng với chi phí thấp hơn hoặc bằng với chi phí vay USD. Theo đó, nhà xuất khẩu được thanh toán ngay khi Sacombank nhận được bộ chứng từ hợp lệ.
Được biết, qua 2 năm triển khai sản phẩm UPAS – L/C trả chậm thanh toán ngay, Sacombank đã phục vụ hàng trăm DN không được vay ngoại tệ để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, giúp ổn định nguồn hàng nhập khẩu, chủ động sản xuất kinh doanh với chi phí phù hợp.
Suy cho cùng, mọi sản phẩm NH triển khai nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, mục tiêu đó hoàn toàn không quan trọng bằng việc thúc đẩy được nền kinh tế phát triển đồng đều. Nói như một lãnh đạo NH, vẽ ra sản phẩm không khó, đem sản phẩm đó áp dụng vào thực tế, phục vụ DN mới là điều đáng bàn.
Do vậy, những sản phẩm mà NH thiết kế, có thể giúp NH tăng trưởng tín dụng, đồng thời hỗ trợ DN phát triển là điều đáng mừng. Có lẽ, đó cũng là mục tiêu và kế hoạch đưa ra của rất nhiều NHTMCP chứ không riêng gì Sacombank.
VHQC