Vay vốn online ăn theo World Cup

14:00 | 05/07/2018

Bên cạnh hình thức cho vay ngang hàng thì tranh thủ nhu cầu mua sắm mùa bóng đá của người dân, các ví điện tử cũng đẩy mạnh kết hợp với các NHTM và các nhà bán lẻ để triển khai các khuyến mại dành cho giao dịch thanh toán online.

Doanh nghiệp xây dựng vay vốn thế nào?
Vay tiêu dùng: Sức hút của World Cup
Tư vấn vay vốn mua căn hộ tại dự án Gem Riverside

“Ăn theo” World Cup 2018, hiện nay trên thị trường tài chính tiêu dùng ngoài sự nhộn nhịp của các chương trình khuyến mãi do các công ty tài chính đưa ra thì hàng loạt các ứng dụng cho vay ngang hàng (peer to peer) và các ví điện tử cũng đã phát triển rầm rộ và cạnh tranh hút khách.

Hàng ngàn tỷ vay qua ứng dụng kết nối

Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, trên các trang mạng kết nối tài chính ngang hàng như: Tima.vn, Zalopay.com, SHA, huydong.vn… hoạt động cho vay ngang hàng diễn ra vô cùng nhộn nhịp.

vay von online an theo world cup
Dịch vụ kết nối vay vốn online đang thu hút sự tham gia khá đông của người tiêu dùng trẻ

Thống kê của trang Tima.vn cho thấy, mỗi ngày trên hệ thống ứng dụng công nghệ của đơn vị này tiếp nhận khoảng 2.100 đơn vay mới từ người dân. Và mặc dù mới chỉ chính thức đi vào hoạt động tại thị trường Việt Nam từ tháng 6/2016 nhưng đến nay đã có khoảng hơn 33.000 tỷ đồng được Tima.vn kết nối giao dịch thành công. Trong đó, có khoảng 2,3 triệu người đã vay được vốn và khoảng 15.000 người trực tiếp đăng ký với Tima để đầu tư vào lĩnh vực cho vay.

Tương tự tại trang Zalopay.com, các hợp đồng vay luôn được trang mạng này thiết kế sẵn. Khách hàng có nhu cầu vay vốn đơn giản chỉ cần điền họ tên, số tiền muốn vay, thời gian vay và hình thức tín chấp (dùng bảng lương, dùng giấy tờ xe gắn máy, xe ô tô, hộ khẩu, hóa đơn tiền điện, tiền nước…) là có thể gửi đơn vay vào hệ thống.

Khi nhận được đơn vay từ khách hàng, hệ thống ứng dụng Zalopay.com sẽ tự động kết nối nhu cầu vay với lực lượng những người đăng ký cho vay trực tiếp thông qua ứng dụng. Khi đó, bên vay vốn và bên cho vay trực tiếp liên lạc với nhau để giải ngân khoản vay căn cứ trên những thỏa thuận đã được thể hiện trên hệ thống (tương tự như cách mà các tài xế và khách hàng của Grab và Uber đã thực hiện ở lĩnh vực vận tải).

Ở các trang như Vaymuon.vn, SHA, Doctordong.vn… diễn biến cũng không kém phần sôi động. Phía SHA đưa ra cam kết thời gian duyệt hồ sơ vay chỉ mất khoảng 30 phút và lãi suất vay lần đầu chỉ khoảng 16%/năm. Trong khi đó, liên hệ với trang Vaymuon.vn, nhân viên tư vấn tại ứng dụng này cho biết, lãi suất trả cho nhà đầu tư là 1,5%/tháng, cộng thêm 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tùy thời điểm).

Mặc dù mức lãi suất có thời điểm lên khá cao sau khi cộng với phí giới thiệu, thu xếp, kết nối và quản lý khoản vay nhưng hiện nay vẫn có hàng ngàn lượt đơn vay được Vaymuon.vn tiếp nhận vào hệ thống mỗi ngày và số lượng nhà đầu tư tham gia cho vay vốn thông qua Vaymuon.vn cũng đang tăng lên nhiều lần so với thời gian trước.

Các ví điện tử ồ ạt nhập cuộc

Bên cạnh hình thức cho vay ngang hàng thì tranh thủ nhu cầu mua sắm mùa bóng đá của người dân, các ví điện tử cũng đẩy mạnh kết hợp với các NHTM và các nhà bán lẻ để triển khai các khuyến mại dành cho giao dịch thanh toán online.

Chẳng hạn, ví điện tử Vimo thực hiện khuyến mại giảm thêm từ 2 – 10% lãi suất khi khách dùng ví này để thanh toán khi vay vốn trả góp, mua các mặt hàng như Iphone, Ipad và Macbook thông qua các thẻ tín dụng của 18 NHTM trong nước. Ví Vimo cũng kết hợp với trang Vexere.com để giảm 50% giá trị thanh toán tiền mua vé xe đi lại trong mùa World Cup 2018.

Các ví khác như Mobivi, Moca, Bankplus… cũng thực hiện khuyến mại rầm rộ. Chẳng hạn Mobivi liên kết với hàng loạt các hãng bán lẻ như Yamaha, Panasonic, Samsung… để thực hiện hoạt động thanh toán trực tuyến. Khi khách hàng dùng ví Mobivi liên kết với tài khoản ngân hàng để thanh toán cho các khoản vay trả góp mua tivi, tủ lạnh… sẽ được hưởng khá nhiều ưu đãi về phí và lãi suất. Ví VTC Pay thực hiện ứng trước thanh toán cho khách hàng khi gia hạn K+ trong mùa World Cup để không bị gián đoạn khi thưởng thức các trận đấu bóng đá.

Trong khi đó, LienVietPostBank thông qua sản phẩm Ví Việt thậm chí còn đưa ra chương trình khuyến mãi mở sổ tiết kiệm online trên Ví Việt để thu hút tiền gửi. Mặc dù chương trình này có giới hạn thời gian (3 tháng) nhưng cũng là cách mà sản phẩm ví điện tử Ví Việt của LienVietPostBank mở rộng tiếp cận khách hàng gửi tiền. Ngân hàng này cho phép khách hàng dùng ứng dụng Ví Việt để gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn từ 1- 60 tháng với lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy, đồng thời cho phép khách hàng dùng sổ tài khoản online để thế chấp vay vốn với hạn mức 98% số tiền trong sổ, cho thấy mục tiêu cạnh tranh cho vay trực tuyến là khá rõ ràng.

Theo giới phân tích tài chính, việc các ví đang có chiều hướng tăng cường kết hợp với các NHTM và các hãng bán lẻ hàng hóa để gia tăng khuyến mại thanh toán trong các dịp lễ, tết và các thời điểm đặc biệt trong năm là diễn biến phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời phù hợp diễn biến cạnh tranh của thị trường.

Tuy nhiên, theo các quy định hiện nay, các ví điện tử được cấp phép hoạt động chỉ được thực hiện chức năng trung gian thanh toán và không được phép huy động tiền gửi hoặc cho vay đối với khách hàng. Vì vậy NHNN cũng cần tăng cường rà soát hoạt động của các loại ví điện tử để giám sát việc chấp hành những quy định pháp luật về chức năng nhiệm vụ của loại hình trung gian thanh toán này.

Đặc biệt, tại Việt Nam hiện nay, mô hình cho vay P2P vẫn chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Nhiều nhà kinh doanh khuyến cáo nhà đầu tư cần phải nhận thức rõ đây không phải là kênh “gửi tiền”, mà là kênh đầu tư. Đã đầu tư là phải chịu rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là mất tiền. Chưa kể, bên cạnh những công ty P2P hoạt động đúng mô hình kinh tế chia sẻ, sẽ có những “biến tướng” lợi dụng mô hình này để hoạt động tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo.

Chưa hết, hiện trên thị trường ghi nhận đã có những biểu hiện nhập nhèm về tên gọi giữa các loại ví điện tử và các trang ứng dụng cho vay ngang hàng. Chẳng hạn, hiện nay ví điện tử ZaloPay thuộc CTCP Zion (Hà Nội) được NHNN cấp phép hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán đang sở hữu tên miền Zalopay.vn; nhưng lại có trang Zalopay.com là một trang ứng dụng kết nối cho vay ngang hàng hoạt động song song với tên miền gần như trùng lặp 100%. Điều này dễ dàng gây ra sự nhầm lẫn khi người dân thực hiện các giao dịch vay mượn và thanh toán trên các nền tảng công nghệ trực tuyến.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều