VBS 2019: Cơ hội cho Việt Nam trong kỷ nguyên số

13:43 | 16/10/2019

Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác Kinh doanh tin cậy trong Kỷ nguyên số”, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2019 đã chính thức khai mạc ngày 16/10 thu hút hơn 600 đại biểu tham dự.

VBS 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức tập trung thảo luận về những đổi mới khoa học công nghệ, sự chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và những cơ hội cho Việt Nam.

Đây là một trong những hoạt động bên lề Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh châu Á lần thứ 10 (ABS) với sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức hiệp hội DN, công nghiệp và xúc tiến thương mại của các nền kinh tế quan trọng của châu Á (các quốc gia thành viên ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) và DN uy tín hàng đầu của khu vực và Việt Nam.

Đây là lần thứ ba VBS được tổ chức, cũng là lần thứ ba thông điệp “Viet Nam: We mean business - Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy” được nhắc lại. Chỉ có điểm khác biệt của lần này, kỷ nguyên số được chọn làm điểm nhấn.

vbs 2019 co hoi cho viet nam trong ky nguyen so
Hội nghị VBS thu hút hơn 600 đại biểu tham dự

Phân tích về cơ hội đến từ nền kinh tế số, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số và nói đến kỷ nguyên số là nói đến đột phá công nghệ và chuyển dịch lao động. Việt Nam tuy xuất phát sau, nhưng có cơ hội, điều kiện rất lớn để thực hiện cách mạng 4.0.

“Cơ hội trong nền kinh tế số không dừng lại trong các phiên thảo luận, trên các diễn đàn”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Việt Nam có hơn 64 triệu người sử dụng internet, cao hơn mức trung bình của thế giới, nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á. Năm 2017, Việt Nam thuộc top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới, 16%; đến 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Cũng trong năm qua, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 toàn cầu. Chỉ số chính phủ điện tử cũng tăng thêm 10 bậc.

“Chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực châu Á Thái Bình Dương”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chia sẻ tại phiên tọa đàm về đổi mới khoa học công nghệ và cơ hội đối với Việt Nam, ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn Công nghệ thông tin, PwC Việt Nam nhận định, cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đều đang đón nhận cuộc CMCN 4.0 một cách rất tích cực và đây là một tín hiệu đáng mừng. Các doanh nghiệp sẽ cần đưa ra những nỗ lực phù hợp dựa trên sự quyết tâm và cam kết đó.

“Việc áp dụng các công nghệ mới là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn cả, các lãnh đạo doanh nghiệp cần coi chuyển đổi kỹ thuật số là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp”, ông Long khẳng định.

Tại VBS 2019, bên cạnh thảo luận về việc thị trường lao động Việt Nam đang chuyển dịch ra sao dưới tác động của CMCN 4.0; cơ hội hợp tác mới đối với các nhà tuyển dụng, người lao động, tổ chức đào tạo nhân lực ở Việt Nam, các diễn giả còn bàn luận về định hướng thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới và các giải pháp của Chính phủ để nâng cao chất lượng của lực lượng lao động.

Các chuyên gia kinh tế cũng có cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về cách thức để tối ưu hóa cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong kỷ nguyên số ở một số lĩnh vực như tài chính, nông nghiệp, sản xuất… và giới thiệu một số điển hình ứng dụng thành công khoa học công nghệ để tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Các doanh nghiệp có cơ hội cập nhật những xu hướng phát triển mới nhất của nền kinh tế trong thời đại số; những cơ hội kinh doanh mới, những bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà đã thành công tại thị trường Việt Nam.

Thái Hoàng

Tin đọc nhiều