Vì đâu nhân sự ngân hàng biến động

09:00 | 27/04/2020

Theo quan sát của Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng ngành Ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch kinh doanh sắp tới.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều DN cắt giảm nhân sự. Nhưng nhìn sang lĩnh vực ngân hàng, dù gặp nhiều khó khăn, song ghi nhận cho thấy không ít nhà băng vẫn đang tiếp tục tuyển dụng nhân sự ở thời điểm này.

vi dau nhan su ngan hang bien dong
Nhu cầu nhân sự sẽ phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh sắp tới của ngân hàng

Như BIDV đã có thông báo tuyển dụng tập trung đầu tiên của năm 2020 vào 18/4 vừa qua, diễn ra tại hơn 160 chi nhánh của ngân hàng này với số lượng lên đến hơn 750 chỉ tiêu cho các vị trí liên quan tới quản lý khách hàng, quản lý rủi ro, quản trị tín dụng, kế toán, CNTT...; VietinBank cũng thông báo tuyển dụng đợt 1 năm 2020 vào cuối tháng 3 vừa qua với số lượng hơn 430 chỉ tiêu tại 56 chi nhánh trên toàn hệ thống. Nam A Bank, ACB, Techcombank, HDBank... cũng đang đăng tuyển nhiều vị trí tại các điểm giao dịch trên toàn quốc. Số lượng nhân sự của nhiều ngân hàng cũng tăng, như VIB tính tới hết quý I/2020 có hơn 7.160 nhân sự - tăng 216 người so với đầu năm; VietBank tăng thêm 43 nhân viên so với đầu năm lên mức 2.328 người; nhân viên của Bac A Bank cuối quý I/2020 là 2.213 người trong khi cuối năm 2019 là 2.195 người...

Các chuyên gia nhận định, việc sử dụng nhân sự ở ngân hàng thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi. Trên lý thuyết, để tiết giảm chi phí hoạt động nhiều tổ chức đã tính tới việc cắt giảm nhân sự, song thực tế với các ngân hàng, việc tiết giảm nhân sự là rất khó khăn, chủ yếu là cắt giảm lương, thưởng với một số vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc lương cao.

Đơn cử tại SHB, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cho biết, các thành viên HĐQT, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch. Các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên và các chức danh tương đương giảm từ 10%-30% tùy theo mức thu nhập…

Thêm nữa, theo chuyên gia, trước tình hình các ngân hàng đang phải khẩn trương xem xét để cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn theo tinh thần Thông tư 01 của NHNN, với số lượng hồ sơ dày đặc phải xử lý trong một thời gian ngắn thì khó mà có thể nói tới chuyện cắt giảm đi nhân sự được.

“Dù đã có những bước tiến trong việc số hoá quy trình hoạt động, nhưng mức độ số hoá ở mỗi ngân hàng là khác nhau, có nơi đi nhanh nhưng cũng có những đơn vị còn đang khá hạn chế. Nên để nói cắt giảm nhân sự tập trung ngân hàng số thời điểm này là đúng nhưng chưa đủ. Vì hồ sơ của khách hàng, thủ tục của ngân hàng hiện nay chưa được số hoá 100% nên đa phần vẫn phải làm theo cách truyền thống”, các chuyên gia cho hay.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cũng chia sẻ, thời gian vừa qua, khối lượng hồ sơ phải xử lý trong việc cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 là rất lớn, đặc biệt những ngân hàng có dư nợ bán lẻ và khách hàng cá nhân nhiều. “Chúng tôi nhận thấy lượng giao dịch trên các kênh online thời gian vừa rồi do dịch bệnh và giãn cách xã hội tăng 20%, trong khi đó tại quầy giảm 20% và lượng hồ sơ giảm 40%. Nhưng bù lại ngân hàng phải triển khai xét duyệt các hồ sơ cho việc cơ cấu lại nợ, nên đâu đó vẫn phải duy trì lực lượng nhân sự đi làm khoảng hơn 60%, còn lại có thể làm việc tại nhà hoặc nghỉ luân phiên. Và các ngân hàng cũng đang phải rất nỗ lực để cố gắng đảm bảo thu nhập cho cán bộ”, ông Hưng cho hay.

Cùng chung quan điểm, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu đây có thể là nguyên do chính khiến có không ít ngân hàng vẫn đăng tuyển nhân sự trong thời gian dịch Covid-19. Nhìn theo vị trí tuyển dụng, đa phần đều là vị trí giao dịch viên, chuyên viên tư vấn, quan hệ khách hàng bán lẻ... và phần nhiều là không yêu cầu kinh nghiệm. “Hồ sơ vay mới không nhiều nhưng hồ sơ vay cũ, liên quan tới nợ xấu gia tăng, việc thu hồi nợ... có rất nhiều công việc nên phải đảm bảo số lượng nhân viên tương xứng để giải quyết vấn đề, phục vụ cho công tác xét duyệt hồ sơ hỗ trợ cho khách hàng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, TS. Hiếu chia sẻ.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc tăng hay giảm nhân sự ở ngân hàng còn phụ thuộc vào chính sách nhân sự của ngân hàng đó ra sao. Theo quan sát của Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng ngành Ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch kinh doanh sắp tới. Nhu cầu nhân sự về công nghệ thông tin cũng được dự báo sẽ ngày càng tăng cao hơn do các ngân hàng quan tâm xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; có chuyên môn nghiệp vụ nhưng phải tăng khả năng ứng dụng và làm chủ công nghệ. Theo thống kê dựa trên nhu cầu tuyển dụng từ Navigos Search cũng cho thấy,CNTT là một trong hai lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao cao nhất trong quý I/2019 với mức tăng nhẹ 3% so với quý IV/2019 và 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khuê Nguyễn

Tin đọc nhiều