Nhu cầu phát sinh từ ý thức hạn chế lây lan dịch cúm
Dưới tác động của dịch Covid-19, thanh toán trực tuyến đang “lên ngôi”, ước tính số lượng thanh toán online trên các ứng dụng trong thời gian qua đã tăng khoảng 600%. Một trong những hình thức được nhiều người sử dụng nhất đó là thanh toán qua ví điện tử. Người dùng chỉ cần sử dụng ví được cài đặt sẵn trên điện thoại, liên kết với tài khoản ngân hàng để có thể thanh toán một cách nhanh chóng và an toàn.
Chí Đăng Thị Ngọc Liên, khu chung cư Times City, Hà Nội, cho biết hiện tại nhà chị có 4 người là vợ chồng chị cùng cậu con trai mới tốt nghiệp ra trường đi làm ở một công ty kiểm toán và cô con gái út đang học lớp 11. Ba thành viên trong nhà đi làm có thu nhập đã sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận lương và các khoản thu nhập khác. Các khoản thanh toán cố định hàng tháng như tiền điện, nước, phí dịch vụ, truyền hình, internet… từ trước tới nay vẫn trả qua tài khoản ngân hàng, thực hiện qua các giao dịch thanh toán Internet Banking.
Trước đây con trai chị cũng thường sử dụng dịch vụ ví điện tử Momo để thanh toán tiền gọi xe công nghệ hay đặt mua đồ trên mạng. Bắt đầu từ sau Tết, khi dịch Covid-19 bùng phát, gia đình chị cũng ý thức được việc cần hạn chế sử dụng tiền mặt trong mua bán trực tiếp nhằm giảm sự tiếp xúc, tránh lây nhiễm, nghe lời con trai, vợ chồng chị bắt đầu tiếp cận với các ví điện tử.
Chị Liên chia sẻ, lúc đầu sử dụng, chị bị hấp dẫn với các chương trình khuyến mại như thanh toán điện thoại, đặt xe công nghệ, hoàn tiền khi mua sắm và sử dụng dịch vụ… Nhưng quả thật, đối với chị khi sử dụng ví điện tử đã đem lại tiện lợi với những khoản thanh toán nhỏ.
Cho đến nay, mỗi thành viên gia đình chị đều sử dụng ví điện tử cho nhu cầu thanh toán hàng ngày. Chị Liên sử dụng VinID Pay để đi chợ trực tuyến của hệ thống siêu thị VinMart. Chồng chị và con trai sử dụng ví điện tử Momo rất vừa lòng với việc thanh toán tiền xăng, đặt xe công nghệ… Nhưng, tiện lợi nhất là việc quản lý chi tiêu đi lại, ăn uống của cô con gái út trong kỳ nghỉ học dài do dịch cúm được kiểm soát thông qua các thanh toán từ ví điện tử.
Mua hàng từ xa, thanh toán qua ví điện tử cũng đem lại lợi ích cho các cơ sở cung cấp dịch vụ. Anh Lưu Thanh Hà, quản lý một của hàng đồ ăn nhanh tại Giảng Võ, Hà Nội, cho biết trước mùa dịch vào giờ cao điểm, các khách hàng thường phải đặt trước bàn tại cửa hàng anh, nhưng kể từ sau Tết âm lịch, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khách đến ăn tại cửa hàng ngày càng giảm, tuy nhiên lượng khách hàng đặt đồ ăn qua mạng tăng vọt.
Đặc biệt, việc thanh toán của khách hàng trong mua dịch đều sử dụng các hình thức online (chiếm tới 70 đến 80%) và trong số này tỷ lệ thanh toán qua các ví điện tử có liên kết với cửa hàng đã vượt lên trên 1/3 doanh số của cửa hàng.
Anh Hà lý giải về hiện tương trên là bởi người dùng đã dần làm quen với các loại ví điện tử thông qua các chương trình khuyến mãi trong thời gian qua, sau đó là tính đơn giản, thuận lợi và an toàn trong việc thanh toán những khoản chi tiêu nhỏ của ví điện tử. Việc triển khai các chương trình liên kết giữa ví điện tử với tài khoản ngân hàng cũng đã đem lại nhiều thuận lợi trong việc nạp tiền cho các ví điện tử của khách hàng.
Cơ hội cho các ví điện tử
Trong thời gian qua, để giành thị phần và tìm kiếm khách hàng, các ví điện tử đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn
Ví điện tử Momo đã từng gây sốt với người tiêu dùng bằng chương trình khuyến mãi mỗi khách hàng đổ xăng thanh toán sẽ được hoàn tiền 50% (tối đa 30.000 đồng, tương đương 1,5 lít xăng).
Còn khách hàng thanh toán lần đầu qua ví VinID Pay sẽ được hoàn tiền lên tới 50% (tối đa 200.000 đồng). Khách hàng đã từng giao dịch qua ví VinID Pay cũng sẽ được hoàn tiền 50%, tối đa 80.000 đồng.
Ngoài ra, hàng loạt ví điện tử khác như AirPay, Grab by Moca, ZaloPay, ViettelPay… cũng đang có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, hoàn tiền, chiết khấu lớn để thu hút, lôi kéo người dùng.
Nói về triển vọng của ví điện tử, ông Cao Hoài Dương, Tổng Giám đốc PVOil (đơn vị liên kết với ví điện tử Momo) khẳng định về lâu dài, thanh toán điện tử sẽ chiếm ưu thế. PVOil và ví MoMo đang cố thay đổi thói quen của khách hàng bằng việc đem lại trải nghiệm thanh toán di động an toàn, tiện lợi.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (chủ sở hữu ví điện tử Ví Việt) cho rằng, với những ngành hàng, sản phẩm mới trên thị trường, trong đó có ví điện tử, muốn có khách hàng, phải bỏ ra số tiền đầu tư rất lớn để khuyến mãi, giảm giá... Sau đó, việc thu hồi vốn đầu tư lại là chuyện khác và đây là bài toán phát triển kinh doanh của các fintech, ngân hàng. Vấn đề cạnh tranh trên thị trường là ai đi được đường dài sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua khuyến mãi, giảm giá.
"Muốn bán được sản phẩm phải khuyến mãi, cả thế giới đều làm vậy. Còn việc sau khi hết khuyến mãi, khách hàng có tiếp tục ở lại doanh nghiệp hay không lại tùy vào chất lượng dịch vụ, cách thức phục vụ...”, ông Nguyễn Đình Thắng nhận định.
Rõ ràng, trong thời điểm mà đại dịch cúm Covid-19 đã bùng phát dữ dội, cùng với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, việc đẩy mạnh các hình thức thanh toán trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt trong lưu thông là một chủ trương của ngành Ngân hàng được người dân và các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực.
Sự vào cuộc tích cực và kịp thời của các ngân hàng thương mại, các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử sẽ góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời đây sẽ là một cơ hội lớn cho các dịch vụ thanh toán trực tuyến tiện lợi của các ví điện từ triển khai bền vững tới đông đảo khách hàng của mình.
Hoài Phi