Ví điện tử MoMo: Bền bỉ mở lối thị trường

07:00 | 27/01/2020

Với những nỗ lực bền bỉ qua từng năm, từ một start-up công nghệ, MoMo đã xây dựng nên một hệ sinh thái với gần 15 triệu người sử dụng, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, 12.000 đối tác cung cấp mọi dịch vụ trên khắp Việt Nam.

Tiên phong trên “sân chơi” thanh toán dịch vụ công

Lễ ký kết triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh Khánh Hoà thông qua Ví điện tử MoMo đã kết thúc vào cuối tháng 12, đã khép lại năm 2019 ghi dấu nhiều thành công của MoMo với các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Đây cũng là điểm nhấn được ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập MoMo nhắc đến đầu tiên khi nhìn lại hành trình 1 năm qua.

Ông Diệp cho biết, toàn bộ thời gian thực hiện việc kết nối giữa Ví MoMo và cổng thanh toán công trực tuyến của tỉnh Khánh Hòa chỉ mất có 3 tuần. “Tôi nghĩ đây là kỷ lục của MoMo đối với các đơn vị hành chính công vì chúng tôi ít khi làm được với đơn vị nào dưới 3 tháng cả và điều đó làm tôi rất ngạc nhiên”, ông chia sẻ.

vi dien tu momo ben bi mo loi thi truong

Sự cởi mở của ngày càng nhiều các cơ quan, địa phương, đang tạo đà cho những kế hoạch đường dài của MoMo nhằm mở rộng hoạt động thanh toán sang lĩnh vực dịch vụ công. Lâu nay, “sân chơi” này thường được đánh giá là không dễ dàng để các đơn vị tư nhân có thể thâm nhập. Tuy nhiên, MoMo đang trở thành người tiên phong nhờ kịp thời đón đầu chủ trương, chính sách và xu thế phát triển.

Trong 2 tháng cuối năm 2019, MoMo làm việc với 2 đơn vị nhà nước. Một là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và thực hiện toàn bộ quá trình kết nối chỉ mất chưa tới một tháng. Vừa qua là tỉnh Khánh Hòa với kỷ lục mới 3 tuần. “Tôi nghĩ với đà này thì chẳng mấy chốc sẽ kết nối được hết với các đơn vị hành chính công trên cả nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”, Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo lạc quan chia sẻ.

Tính đến thời điểm hiện tại, người dùng MoMo thông qua ví điện tử này đã có thể thực hiện thanh toán trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công như điện, nước, internet, điện thoại…; thanh toán tiền viện phí, học phí… tại hàng trăm bệnh viện, trường đại học, trung học. Đồng thời nhiều dịch vụ hành chính công tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai... cũng đã được tích hợp và có thể thanh toán thông suốt qua Ví MoMo, nhận được những phản hồi tích cực từ chính quyền và người dân.

Đặc biệt, ngày 9/12 vừa qua, khi Cổng Dịch vụ công quốc gia chính thức đi vào hoạt động, MoMo cũng là ví điện tử đầu tiên được kết nối vào hệ thống để hỗ trợ thanh toán trực tuyến đối với nhiều dịch vụ như đổi giấy phép lái xe, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế…

Nhìn vào độ phủ sóng của MoMo trên khắp các mảng dịch vụ công, nhiều người sẽ cho rằng đây chắc hẳn phải là mảnh đất màu mỡ, mang lại nhiều lợi nhuận, mới khiến doanh nghiệp xông xáo đi đầu đến vậy. Song thực tế là cho tới nay các giao dịch này đều miễn phí, thậm chí còn được hoàn tiền để khuyến khích người sử dụng.

Ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ, Ví MoMo không nhìn thanh toán dịch vụ công như mảng kinh doanh thông thường mà coi đó là quá trình thúc đẩy sự phát triển, minh bạch hóa của cả xã hội và góp phần xây dựng nền tảng của một xã hội không tiền mặt như mục tiêu Chính phủ hướng tới. Ông nhấn mạnh, là một công ty Việt Nam, Ví MoMo coi đó như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển của đất nước.

Để chuẩn bị cho việc phát triển thanh toán bằng ví điện tử cho dịch vụ hành chính công trên toàn quốc trong năm 2020, MoMo đã xây dựng một bộ giải pháp thanh toán phức hợp, có thể đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán và kết nối của đối tác. MoMo khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ các phương án kỹ thuật để giúp các tỉnh thành kết nối thanh toán dịch vụ công nhanh và đơn giản nhất. Bất kỳ một loại hình dịch vụ nào, từ đơn giản đến phức tạp đều có thể triển khai kết nối. Thậm chí, ngay cả đối với những đơn vị chưa có hạ tầng thì MoMo cũng có sẵn các đối tác có thể cung cấp trọn gói giải pháp giúp triển khai nhanh thanh toán dịch vụ công.

Không ngại khổ, chỉ sợ chính sách khó

Thị trường Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên cơ hội sẽ không dành cho các đơn vị chỉ ngồi chờ đợi khách hàng tìm đến với mình, bởi lẽ thanh toán không dùng tiền mặt là việc quá mới mẻ tại Việt Nam.

Nhận thức được điều đó, thời gian vừa qua Ví điện tử MoMo cùng với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đã và đang nỗ lực chuyển đổi hành vi người dân từ sử dụng tiền mặt sang không dùng tiền mặt. Hơn 12 năm xuất hiện trên thị trường, MoMo vẫn đang miệt mài mở đường và hướng dẫn cho người dùng trải nghiệm, tạo thói quen mới bằng những nỗ lực của mình. Để khái niệm thanh toán không dùng tiền mặt phổ cập được với đa số người dân, đặc biệt là len lỏi vào lĩnh vực thanh toán những món nhỏ lẻ, không thể đưa ra những cách làm “đao to búa lớn”.

vi dien tu momo ben bi mo loi thi truong

Với cách nghĩ như vậy, đội ngũ phát triển của MoMo đã tiến thẳng vào thị trường bằng những chính sách cụ thể để người sử dụng thấy ngay lợi ích thiết thực, ví dụ nếu chi trả bằng tiền mặt mất 10 đồng, thì qua ví điện tử chỉ mất 9 đồng. Hiện nay, mỗi thanh toán chi tiêu qua Ví MoMo đều được hệ thống tự động tích điểm đổi quà. Đặc biệt, ngày 1/11 vừa qua, MoMo tổ chức Ngày hội hoàn tiền lớn nhất và duy nhất trong năm, đã tạo ra hiệu ứng lan truyền và những trải nghiệm thanh toán mới mẻ, giúp người dùng tiếp cận thói quen thanh toán mới.

Với những nỗ lực bền bỉ qua từng năm, từ một start-up công nghệ, MoMo đã xây dựng nên một hệ sinh thái với gần 15 triệu người sử dụng, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán, 12.000 đối tác cung cấp mọi dịch vụ trên khắp Việt Nam. Ví MoMo đáp ứng hầu hết các nhu cầu thiết yếu của khách hàng trong các lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải, dịch vụ ăn uống…

Trên Ví MoMo, người dùng dễ dàng mua sắm và thanh toán hàng trăm sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống hàng ngày như chuyển/nhận tiền bằng số điện thoại; mua vé xem phim; mua vé máy bay, vé xe, vé tàu hỏa với giá tốt nhất; thanh toán taxi, xe buýt; thanh toán điện, nước, phí chung cư; thanh toán các khoản vay trả góp của các công ty tài chính; thanh toán từ quán ăn lề đường đến nhà hàng sang trọng; các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị...

Tuy nhiên với đội ngũ những người phát triển Ví điện tử MoMo, đó mới là những thành công ban đầu. Bởi theo ông Nguyễn Bá Diệp, hiện nay ở các thành phố lớn, khách hàng đã được tiếp cận khá dễ dàng và thuận tiện với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Mục tiêu lâu dài của MoMo là sẽ tiếp tục phát triển ở những thành phố cấp 2, cấp 3. Đặc biệt, phục vụ tại quầy và giúp hàng triệu khách hàng cư trú tại các khu vực vùng sâu vùng xa, nơi dịch vụ ngân hàng và điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, được tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

Ông Diệp nhận định, trên thị trường chỉ có khoảng 25-30% dân số có tài khoản ngân hàng. Như vậy, phần chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính hiện đại còn rất lớn. Đó chính là nhóm đối tượng mà MoMo muốn chinh phục để đảo ngược tỷ lệ phổ cập dịch vụ tài chính hiện đại. Khi người dân ở các vùng xa xôi hẻo lánh dần quen với dịch vụ của MoMo, sẽ tạo tiền đề để họ tiếp cận với các dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại và phức tạp hơn. Đó chính là sứ mệnh trở thành cánh tay nối dài của ngân hàng để không người sử dụng dịch vụ nào bị bỏ lại phía sau.

Mặc dù đã hoạch định rõ những bước đi cụ thể trong dài hạn, song ban lãnh đạo MoMo vẫn mang nhiều trăn trở khi con đường phía trước còn nhiều rào cản từ cả hành lang pháp lý và tâm lý ngại ngần của người sử dụng. Đó là chưa kể cánh cửa hội nhập ngày càng rộng mở, tạo ra cạnh tranh mạnh mẽ.

Chia sẻ về những kỳ vọng của mình, ông Nguyễn Bá Diệp cho rằng, điều quan trọng là sự ổn định về chính sách. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích và sự an toàn của thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, các cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực này cần có thêm chính sách trực tiếp khuyến khích người dân. Ví dụ thanh toán bằng tiền mặt thì thuế GTGT là 10%, còn nếu không dùng tiền mặt thì thuế sẽ là 5%. Những điều đó sẽ giúp cho chủ trương của Chính phủ đi nhanh hơn vào cuộc sống.

Dẫu vậy, ông Diệp cũng hiểu rằng đây là những kế hoạch dài hơi và không thể nóng vội. “Làm dịch vụ thanh toán cũng giống như giáo dục, phải 5-10 năm mới có kết quả. Là một ví điện tử của người Việt, chúng tôi quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực khó khăn này”, Phó Chủ tịch MoMo quả quyết.

Lan Hương

Tin đọc nhiều