Ví điện tử thay đổi cùng phương thức kinh doanh

07:48 | 05/01/2021

Trước nhu cầu cao về tính tiện ích trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp tài chính công nghệ đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái thanh toán qua ví điện tử. Bằng cách liên kết đa dạng, tích hợp rộng, tối đa khả năng thanh toán của các lĩnh vực vào ví điện tử, nâng cao tính tiện dụng và an toàn...

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT, đồng Tổng giám đốc Ví MoMo cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Hàng loạt các đối tác của MoMo đã phải nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức kinh doanh online. Tính từ hồi phát sinh dịch, tháng 2/2020 đến nay, MoMo ghi nhận có hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia chuyển đổi lên nền tảng của MoMo. Con số này đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước dịch. Đặc biệt MoMo không chỉ đơn thuần là ứng dụng về thanh toán mà còn là ứng dụng “local lifestyle”, nền tảng giao tiếp cho bên mua và bên bán, giúp cho hành vi thanh toán, trải nghiệm dịch vụ dễ dàng hơn.

vi dien tu thay doi cung phuong thuc kinh doanh
Các ví điện tử ngày càng thu hút người sử dụng

“Nếu trước đây để một đối tác kết nối với MoMo trở thành điểm chấp nhận thanh toán và đưa sản phẩm lên nền tảng (platform) phải mất đến 14 ngày, thì giờ đây việc đó chỉ diễn ra trong 10 phút. Trong thời gian tới, các đối tác còn có thể lên 1 giao dịch trên MoMo cho hơn 20 triệu người dùng với chỉ 3 phút. Vừa qua, MoMo cũng chính thức ra mắt tính năng “ưu đãi” - một trong những bước đi chiến lược của siêu ứng dụng MoMo. Thông qua đó, Ví MoMo cung cấp nền tảng công nghệ kết nối các thương hiệu với 20 triệu người dùng ví. Song song đó, còn giúp các doanh nghiệp và người dùng chi tiêu tiện lợi hơn sau dịch Covid-19”, ông Tường chia sẻ thêm.

Không riêng gì Momo, hàng loạt ví điện tử khác như Moca, Zalo pay, VN pay... cũng đã có những thay đổi đáng kể trong bối cảnh các doanh nghiệp dần chuyển đổi từ phương thức kinh doanh, bán hàng truyền thống sang hình thức online. Theo nghiên cứu của Boston Consulting Group, 49% người tiêu dùng thành thị tại khu vực Đông Nam Á là khách hàng của các ngân hàng thương mại đã sử dụng ví điện tử, dự báo tỷ lệ này sẽ đạt 84% vào năm 2025. Trên thực tế, ứng dụng ví điện tử tăng tốc nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ các hình thức thanh toán kỹ thuật số và giao hàng tận nhà. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và hậu quả của nó sẽ thúc đẩy nhiều người dùng chấp nhận thanh toán kỹ thuật số hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự tăng trưởng nhanh chóng của ví điện tử trong vài năm trở lại đây là do các sản phẩm này đã nắm bắt được tâm lý chung của người dùng. Một đặc điểm tạo nên sức hút của ví điện tử hiện nay là miễn phí tất cả các giao dịch thanh toán, chuyển khoản và tích điểm cho người tiêu dùng thường xuyên không sử dụng tiền mặt thanh toán. Hơn thế nữa, khi mua sắm trên các trang thương mại điện tử, người dùng hoàn toàn yên tâm rằng có thể bảo mật các thông tin về thẻ cũng như tài khoản ngân hàng mà không cần phải cung cấp cho các website thông qua ví, giúp hạn chế rò rỉ thông tin. Ngoài ra, trong cuộc chạy đua giành thị trường, các ứng dụng ví điện tử thường xuyên tung ra nhiều ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích thích khối lượng thanh toán thông qua các chương trình khuyến mãi tặng quà, voucher hay giảm trừ trực tiếp bằng tiền cho người tiêu dùng.

Bàn về vấn đề này, đại diện của Zalo pay cho rằng, các loại ví điện tử cũng thể hiện ưu điểm vượt trội trong việc thuận tiện thanh toán những sản phẩm có giá trị nhỏ lẻ, tiết kiệm thời gian. Đây cũng chính là một trong những ưu điểm được giới trẻ ngày nay ưa thích khi lựa chọn ví điện tử. Những tiện ích không thể phủ nhận của ví điện tử đã làm cho người dân thay đổi hành vi thanh toán. Bởi, ví điện tử được ví như “siêu ứng dụng”. Khi sở hữu một ví điện tử, người dùng có thể dễ dàng thanh toán từ dịch vụ gọi xe, đồ ăn, xem phim... đến thanh toán các dịch vụ thiết yếu trong gia đình như điện, nước, học phí... mà không phải mất công sức đi lại. Đặc biệt, với độ phủ sóng của các mạng wifi, 3G/4G và sắp tới là mạng 5G lại càng thuận tiện cho thanh toán điện tử, nhất là vùng đô thị, thành phố.

Trước nhu cầu cao về tính tiện ích trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, các doanh nghiệp tài chính công nghệ đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái thanh toán qua ví điện tử. Bằng cách liên kết đa dạng, tích hợp rộng, tối đa khả năng thanh toán của các lĩnh vực vào ví điện tử, nâng cao tính tiện dụng và an toàn... Có như vậy, ví điện tử mới mới đáp ứng được nhu cầu của người dùng và trở thành kênh thanh toán đa năng, không thể thiếu đối với người tiêu dùng hiện đại.

Tuyết Anh

Tin đọc nhiều