Đơn cử, chương trình Lắc Xì của Ví điện tử MoMo mùa ba (diễn ra từ ngày 28/1 đến 5/3), đã có hơn 8 triệu người dùng ví điện tử này sử dụng tính năng chuyển tiền và lì xì tiền thông qua ví. Bản chất đây là một chương trình khuyến mãi dành cho người dùng thanh toán điện tử, nhưng có sự chia sẻ giữa đơn vị trung gian thanh toán và các đối tác liên kết bán hàng thanh toán không dùng tiền mặt và các ngân hàng tham gia với mong muốn mở rộng hình thức thanh toán đa kênh.
Thanh toán điện tử đang trở thành xu thế đối với người tiêu dùng trẻ |
Gần 250 triệu bao lì xì và thẻ quà tặng chuyển đến người dùng ví MoMo trong năm tuần của chương trình Lắc Xì là sự sẻ chia chi phí khuyến mãi giữa nhà cung ứng dịch vụ thanh toán với hệ thống bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. “Đây cũng là cách thức giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh và cũng là bước đệm cho việc triển khai giải pháp “Bán lẻ dành cho doanh nghiệp” mà chúng tôi sẽ đẩy mạnh trong năm nay”, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch Ví MoMo nói.
Khi tổ chức khuyến mãi trên ví điện tử, điều quan trọng là phải gắn kết người dùng kết nối, chia sẻ, vui vẻ, với những hình thức ưu việt hơn phương thức thanh toán truyền thống. Cách thức gắn kết được ví điện tử MoMo sử dụng trong chương trình trên là tạo ra các câu chuyện giải trí ngày Tết cổ truyền, tăng sự thu hút người dùng vào những điều xung quanh. Nhưng một điều rất quan trọng, là tất cả những hình thức đó phải thiết thực và tiện lợi.
Xu hướng tiếp thị mới này cũng giúp thương hiệu trở nên gần gũi, tạo thiện cảm với người dùng khi mang đến những giá trị thực, giúp người dùng vừa vui vẻ vừa tiết kiệm. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và những khoản đầu tư cho truyền thông, tiếp thị thường sẽ bị cắt giảm trước tiên. Theo các doanh nghiệp tham gia chương trình Lắc Xì của MoMo, thay vì đổ tiền tỷ cho vài chục giây ít ỏi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, trong thời buổi khó khăn, các thương hiệu đã chọn cách hợp tác cùng nhau, tận dụng thế mạnh của mỗi bên.
Đại diện Ngân hàng Bản Việt cho biết, MoMo là một trong các công ty Fintech hàng đầu, việc hợp tác thông qua chương trình là một dịp để ngân hàng tiếp cận và mang đến nhiều hoạt động thú vị, ý nghĩa cho khách hàng của mình. Bên cạnh đó, bà Đặng Thị Minh Ngà - Giám đốc khối Dịch vụ hệ thống FPT Shop cho rằng, FPT Shop đã quyết định hợp tác với MoMo do nhận thấy tập khách hàng của Ví điện tử này khá phù hợp với nhóm sản phẩm mà FPT Shop đang kinh doanh. “Chương trình cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp cận gần hơn cũng như mở rộng nhóm khách hàng cho hệ thống thông qua những sản phẩm mới đi kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn mà FPT Shop mang đến cho khách hàng”, bà Ngà nói thêm.
Tuy nhiên, phải có một nhà trung gian thanh toán có số lượng người dùng đủ lớn mới quy tụ được các ngân hàng và đối tác bán lẻ hàng hóa dịch vụ tham gia. Hơn nữa, hoạt động của một trung gian thanh toán tạo ra một hệ sinh thái mua bán hàng hóa thanh toán điện tử thì khả năng thu thập người dùng đến với mình là một yếu tố tiên quyết thay đổi thói quen tiền mặt của người tiêu dùng và cả nhà bán lẻ hàng hóa dịch vụ.
Hiện nay có ba nhóm cung ứng ví điện tử: nhóm công ty khởi nghiệp như MoMo, Zalo…; nhóm các nhà bán lẻ như Tập đoàn Vingroup…; nhóm các nhà mạng viễn thông như VNPT Pay… Trên thực tế, các ví điện tử của những công ty khởi nghiệp đang chiếm lĩnh thị trường và thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào. Họ cũng có chiến lược thu hút nhân tài nên có nhiều chương trình thu hút người dùng. Trong khi đó, nhóm các nhà bán lẻ lại chưa thể hiện được bản thân trong thị phần thanh toán điện tử. Nhóm các nhà mạng thì được hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian tới khi sandbox thành công Mobile Money.
Hải Nam