Vì sao DN từ chối nhận vốn ưu đãi?

11:33 | 18/04/2012

UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định tiếp tục thực hiện 4 chương trình bình ổn giá năm 2012 và Tết Quý Tỵ 2013. Hiện đã có 48 DN tham gia cung ứng hàng hóa cho 4 chương trình. Tuy nhiên, có tới 29 DN không nhận vốn ưu đãi và số DN nhận vốn một phần cũng giảm so với năm 2011. Nguyên nhân do đâu?

Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, 4 chương trình bình ổn giá của thành phố gồm bình ổn các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu; bình ổn mặt hàng thuốc tây; bình ổn sữa bột, sữa nước và bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường 2012-2103. Thời gian thực hiện từ ngày 1/4/2012 đến 31/3/2013. Riêng nhóm mặt hàng phục vụ cho mùa khai trường sẽ kết thúc vào ngày 30/9/2012. Hiện đã có 48 DN tham gia cung ứng hàng hóa cho 4 chương trình (tăng 12 DN so với năm 2011). Tổng nguồn vốn thực hiện bình ổn là 288,6 tỷ đồng, giảm 148,7 tỷ so năm 2011.

Ảnh: MH
Nhiều DN ngại tiếp cận vốn ưu đãi vì điều kiện ràng buộc. (Ảnh: MH)

Theo Quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh, các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2012, sẽ được cho vay không tính lãi trong thời gian từ 6 tháng - 12 tháng, kể từ ngày giải ngân đầu tiên với số vốn không vượt quá vốn điều lệ hoặc vốn đăng ký của DN. Tuy nhiên, có tới 2 chương trình DN tham gia cung ứng hàng hóa nhưng không nhận vốn (gồm bình ổn các mặt hàng sữa và bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu). Trong số 48 DN tham gia, có tới 29 DN không nhận vốn; số DN nhận vốn một phần cũng giảm 16 DN so với năm 2011.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, thay vì hỗ trợ vốn vay ưu đãi với lãi suất 0% cho các DN với số tiền hàng năm lên đến vài trăm tỷ đồng, Nhà nước có thể đưa ra những biện pháp hỗ trợ về giá mang tính thiết thực hơn tới đối tượng chủ yếu là người nghèo, công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp... vì những đối tượng này thường lao động vất vả, ít có thời gian đi mua sắm trong các siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn. Nên mục đích cuối cùng nhắm đến cũng như đối tượng đáng được hưởng thụ lại không đạt được kết quả cao.

Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo một Sở ngành chức năng của thành phố cho biết, do nguồn vốn ưu đãi của thành phố dành hỗ trợ DN ổn định giá cả thị trường năm nay giảm so với năm trước, trong khi số lượng DN tham gia bán hàng bình ổn giá lại tăng thêm. Theo đó thành phố khuyến khích các DN đáp ứng đủ các điều kiện tham gia chương trình, có đủ nguồn lực tài chính không nhận phần vốn này để ưu tiên vốn vay ưu đãi cho các DN khó khăn hơn. Mặc dù vậy, vị lãnh đạo trên cũng không loại trừ nhiều khả năng khác như, do các DN không đáp ứng đủ điều kiện để nhận phần vốn ưu đãi, không muốn bị ràng buộc bởi các điều kiện đưa ra nên DN không muốn nhận vốn ưu đãi.

Theo quy định, khi tham gia Chương trình và nhận vốn hỗ trợ, DN phải đáp ứng một số điều kiện như: sản xuất, kinh doanh mặt hàng phù hợp với chương trình; có lượng hàng hóa lớn, ổn định, thường xuyên; có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có ít nhất 12 điểm bán hàng ổn định trên địa bàn thành phố; cam kết hàng hóa cung ứng ra thị trường có giá thấp hơn 5-10%…

Chính vì vậy, một số DN cho biết, mặc dù đang rất cần vốn phục vụ sản xuất hàng hóa song khó có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của thành phố. Ông Phạm Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (đơn vị tham gia nhận một phần vốn) cho biết, Ba Huân nhiều năm liền tham gia chương trình bình ổn giá của thành phố, hoạt động kinh doanh ổn định, có điểm phân phối bán hàng đến tận tay người dân. Năm nay, DN mong muốn được nhận thêm vốn ưu đãi để tăng nguồn hàng cung ứng ra thị trường, song "ngặt nỗi" không thể đáp ứng đủ điều kiện đặt ra nên đành thực hiện trong khả năng.

Trong một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB), công bố vào cuối tháng 3/2012 có 64% DN được hỏi cho rằng chương trình bình ổn giá của các địa phương chưa thực sự có hiệu quả, ít hiệu quả hoặc chưa được biết đến. Theo các chuyên gia kinh tế, cần có sự nhìn nhận và đánh giá cụ thể về tính hiệu quả của chương trình.

Khác với Ba Huân, một số DN không nhận vốn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi giá đầu vào nguyên vật liệu tăng cao, cộng thêm chi phí vận chuyển, giá thành điện nước, xăng dầu... khiến cho các DN rất khó tính toán giá thành đầu ra. Trong khi để hưởng phần vốn ưu đãi, DN phải thực hiện đúng cam kết bán hàng với giá thấp hơn so với thị trường từ 5-10%, rủi ro là rất lớn. Nên theo những DN này, trước mắt sẽ vẫn chia sẻ khó khăn với người dân trong khả năng cho phép của mình, chứ không "dám" nhận vốn ưu đãi, tránh tình trạng nhận vốn song không thực hiện được. Còn theo ông Đào Xuân Đức - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), do mặt hàng Satra đăng ký là gạo (có vướng cam kết về trữ lượng) nên DN đã thận trọng không nhận vốn ưu đãi để tránh nhiều ràng buộc cùng lúc.

Bên cạnh đó, không ít DN lại bày tỏ lo ngại về sức mua yếu của thị trường, khiến cho một số mặt hàng trong thời gian qua tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho trong DN đang tăng. Thế nên dù có được vay vốn ưu đãi nhưng các DN này cũng lắc đầu bởi khó có thể mở rộng sản xuất, tăng lượng hàng hóa ra thị trường, trong điều kiện hiện nay. Minh chứng thêm cho điều này, lãnh đạo một NHTM cho biết, mặc dù điều kiện tiếp cận vốn hiện nay với nhiều DN không còn quá khó khăn, lãi suất cũng đã giảm, thậm chí có vốn vay ưu đãi giá rẻ, nhưng vào thời điểm hiện tại khi sức mua của thị trường giảm mạnh, hàng tồn kho tăng nên DN không nghĩ tới phương án vay vốn mở rộng sản xuất mà chỉ cố duy trì hoạt động cho qua khó khăn. Rõ ràng, khó khăn hiện nay của các DN không hẳn đã là vốn, lãi suất, mà chính là đầu ra của sản phẩm.

Thanh Tuyết

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều